419
category
414274

Giá khẩu trang lại tăng nhanh hơn giá vàng

Hải Anh 29/07/2020 18:03

Thay vì rao bán với giá 3 triệu đồng một thùng khẩu trang y tế như 4, 5 ngày trước, dân kinh doanh đang lợi dụng tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại đẩy giá lên cao, hiện nay là hơn 5 triệu đồng/thùng, thậm chí cao hơn nữa. Nhiều người còn ví rằng “giá khẩu trang còn tăng nhanh hơn giá vàng, mỗi giờ tăng mỗi giá”.

Ngay sau khi có thông tin ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thị trường khẩu trang y tế bắt đầu sôi động trở lại, nhiều dân buôn bắt đầu nhộn nhịp đăng bài bán khẩu trang với những lời quảng cáo giật gân “cháy khẩu trang rồi, khẩu trang đang tăng giá liên tục, mua nhanh kẻo hết” khiến người tiêu dùng hoang mang.

Hiện nay, trên các diễn đàn chợ mạng tình hình mua, bán khẩu trang y tế, nhiều người bất ngờ khi các tiểu thương đồng loạt tăng giá bán, dao động từ 60.000-150.000 đồng/hộp tùy loại và tùy thương hiệu.

Nhiều người lo lắng chạy ra các hiệu thuốc gần nhà, đi đến 3,4 quán nhưng vẫn ra về tay không. Người dân cần thì không có, nếu có thì giá cả “trên trời”, người nghèo cũng phải bấm bụng mà mua để phòng bệnh, ngay các y, bác sĩ hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân cũng chỉ mang được cái khẩu trang y tế “mỏng dính” 2 lớp… Ngược lại, gian thương thì trục lợi, đầu cơ tích trữ, gom hàng xuất khẩu bất chấp đạo đức kinh doanh.

Thực tế, người dân không mua được do các đầu buôn tích trữ, và cũng ngay cả các doanh nghiệp sản xuất họ cũng thừa hàng nhưng không cung ứng cho thị trường, họ sản xuất và giữ cho người nhà hoặc bí mật bán cho các đầu thương nhằm tăng giá thu lợi nhuận gấp 6 thậm trí 10 lần.

Có một điều đáng suy ngẫm là, trong khi đâu đó có những cụ già, em nhỏ gia đình khó khăn, hộ nghèo chung tay ủng hộ chống dịch từng ký gạo, ký khoai, hay thùng mì hộp sữa… thì đâu đó một số thương nhân lại vì chút lợi nhuận đẩy giá.

Đáng mừng là rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, lần này Chính phủ đã vào cuộc kịp thời và quyết liệt. đến 11h ngày 26/7, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng đã đi giám sát 547 cửa hàng kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay trên địa bàn. Cơ quan chức năng cho biết tình hình vẫn ổn định, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua, cửa hàng không găm hàng, niêm yết giá đầy đủ, nguồn hàng có sẵn.

Đừng để đồng tiền che mất lương tâm

Dẫu biết rằng, đã kinh doanh thì phải có lãi, tuy nhiên lãi ở mức chấp nhận được. Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn như hiện nay, mức lãi càng cần được cân nhắc ở mức hợp lý để thể hiện sự đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh. Đáng tiếc, những người kinh doanh khẩu trang lại trục lợi trên chính nỗi lo của đồng bào. Thiết nghĩ, người bán khẩu trang tăng giá trong thời điểm này có lẽ sẽ lãi được một số tiền nhưng họ nghĩ gì khi “chúng ta chỉ an toàn nếu thế giới an toàn”. Chúng ta đã có gần một trăm ngày khống chế dịch thành công nhưng thế giới còn dịch và chúng ta lại bị dịch xâm nhập. Người tăng giá bán khẩu trang có an toàn không nếu khẩu trang vì tăng giá không đến được rộng rãi với cộng đồng?

21.000 khẩu trang y tế không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ tại quận Liên Chiểu vừa bị thu giữ ngày 28/7.

Mục đích găm hàng cũng chỉ vì lợi nhuận. Lợi nhuận đó kiếm trên sự chèn ép người dân, nói cách khác là để đồng tiền che mắt lương tâm. Covid-19 thật sự đáng sợ? Song sẽ đáng sợ hơn khi đứng trên nỗi sợ hãi để kiếm tiền trục lợi. Một đất nước luôn tự hào mang trong mình dòng máu lạc hồng, lại xuất hiện những con sâu mọt, hút máu đồng bào của mình ngay trước dịch bệnh? Đành rằng, ai cũng có quyền được kiếm tiền một cách chính đáng và nếu xét trên góc độ kinh tế, việc đầu cơ, găm hàng trong thời điểm này là một cách dễ dàng để có được siêu lợi nhuận, tuy vậy, với đại dịch, hành động này là vô cùng nguy hiểm đối với xã hội và chính bản thân họ.

Thực tế, có nhất thiết ‘tham’ khẩu trang y tế như vậy không, trong khi dùng khẩu trang vải vẫn có thể phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Chúng ta lúc này cần phải hiểu đúng để không tiếp tay cho những kẻ trục lợi từ khẩu trang như đợt dịch lần trước. Không quá hoang mang, khẩu trang được dùng khi ở những nơi có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm, như: Người tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người trong vòng 14 ngày tiếp xúc với người bệnh tự cách ly, đeo khẩu trang. Nếu không có khẩu trang thì khi ho, hắt hơi cũng cần lấy tay che miệng để nếu mắc bệnh thì không lây cho người khác.

Dù dịch bệnh quay trở lại có gây ra những xáo trộn trong công việc và sinh hoạt, dù đã có những sự trục lợi và âm mưu chống phá, nhưng mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát và chúng ta có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều