10
topics
514399

Giá hàng hóa tăng vọt, nguy cơ lạm phát lên cao

29/04/2021 07:25

Từ sắt thép, thức ăn chăn nuôi đến giá nhà đất đều nhảy vọt trong 4 tháng đầu năm nay khiến áp lực lên lạm phát ngày càng tăng.

Giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh từ đầu năm đến nay /// ẢNH: KHẢ HÒA
Giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh từ đầu năm đến nay

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Chẳng hạn sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 – 40%, bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh từ 20 – 70%; giá xăng hiện nay cũng vượt 19.000 đồng/lít, tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; giá nhà đất, chứng khoán cũng bật tăng mạnh. Đó là chưa kể học phí của nhiều trường đại học cũng sẽ tăng từ năm học 2021 – 2022 khiến nhiều gia đình đang lo lắng vì ảnh hưởng đến chi tiêu hằng tháng.

Báo cáo tổng kết quý 1/2020 của Bộ Công thương cũng cho thấy trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá một số mặt hàng thực phẩm tăng đã “góp sức đáng kể” đẩy CPI quý 1 tăng. Cụ thể, giá thịt chế biến tăng 3,73%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt heo tăng 0,46%. Đáng lưu ý, gas bán lẻ trong quý 1 tăng 7,58% do biến động giá gas thế giới tăng, đẩy giá tiêu dùng tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản bởi Mỹ và nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới lại tăng mạnh. Để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm nay, không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đồng thời không dồn tăng giá các mặt hàng này vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao…

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng – Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định nguy cơ lạm phát là rất lớn cho nhiều nền kinh tế và cả Việt Nam. Nguy cơ này xuất phát từ giá nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép đã tăng nhanh từ thế giới đến trong nước ở mức trung bình trên 20 – 30%. Nhu cầu sản xuất từ sự phục hồi kinh tế ở các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đang tăng sẽ tiếp tục khiến giá hàng hóa khó giảm trở lại và vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay.

Thứ hai là do chính sách tiền tệ nới lỏng được nhiều nước đồng loạt áp dụng và duy trì thời gian dài vừa qua để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản. Thậm chí ở Việt Nam, cung tiền trước khi đại dịch xảy ra cũng luôn cao với tăng trưởng tín dụng hằng năm ở mức 18 – 19% và chỉ hạ thấp khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp chậm lại trong năm 2020 với mức tăng trên 12%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nói chung ở mức thấp so với giai đoạn trước đây cho thấy lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất không theo kịp lượng cung tiền. Điều đó cũng đẩy giá hàng hóa đi lên. Thứ ba, quá trình hồi phục kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới sẽ kích hoạt tình hình lạm phát diễn ra nhanh hơn.

Hiện nay khi dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường thì các khu vực dịch vụ như hàng không, du lịch vẫn còn bị ảnh hưởng nặng. Nếu khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và nhu cầu của các khu vực dịch vụ tăng trở lại thì chỉ số CPI cũng sẽ tăng theo.

“Nguy cơ lạm phát cao là có nhưng diễn ra ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Nhưng khả năng lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ cao hơn năm vừa qua do nhu cầu dịch vụ, du lịch và nhiều sản phẩm tăng giá mạnh từ đầu tháng 4 trở đi cũng như chi phí giáo dục năm nay cũng sẽ tăng”, PGS-TS Phạm Thế Anh nói.

Việt Nam có dư địa kiểm soát lạm phát

Cũng nhận định áp lực lên lạm phát đang gia tăng theo giá hàng hóa, nhưng TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, đánh giá nguy cơ này của Việt Nam chưa quá lớn.

Cụ thể, nền kinh tế nhiều nước bắt đầu hồi phục do các gói kích thích đưa ra tạo thành yếu tố cầu kéo và đẩy giá hàng hóa cơ bản đều đi lên. Những nước phụ thuộc nhiều vào giá nguyên vật liệu cơ bản còn chịu thêm chi phí đẩy nên áp lực càng gia tăng. Việt Nam vừa chịu tác động từ thị trường thế giới như giá năng lượng, xăng dầu nhưng cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm tiêu dùng. Do đó chi phí đẩy không quá lớn.

Trong khi đó, chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt, kinh tế hồi phục khá nên sức ép gây nên lạm phát cao chưa nhiều. Đồng thời, dư địa về chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam vẫn còn lớn để Chính phủ có thể kiểm soát.

Chẳng hạn Chính phủ vừa ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khi giãn thời gian nộp thuế, nộp tiền thuê đất từ 3 – 6 tháng với quy mô số tiền khoảng 115.000 tỉ đồng. Đây là con số không quá lớn nhưng vô cùng ý nghĩa để hồi phục kinh tế. Chính phủ vẫn có thể thực hiện thêm các gói kích thích kinh tế trong tương lai nếu có đủ nguồn lực. Nếu có lạm phát xảy ra thì vẫn còn trong tầm kiểm soát.

Nhưng TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: Dù nguy cơ về lạm phát chưa quá cao đối với Việt Nam nhưng cũng không thể chủ quan. Chính phủ phải có kịch bản ứng phó với giai đoạn sau đó, nhất là khi kinh tế trong nước phục hồi rõ nét khi việc kiểm soát dịch Covid-19 cải thiện hơn. Hay có làn sóng đón đầu cơ hội phục hồi sẽ khiến tổng cầu về đầu tư, tiêu dùng gia tăng mạnh hơn, giá hàng hóa sẽ càng tiếp tục tăng và tạo ra chi phí đẩy cao hơn. Quan trọng nhất là các chính sách kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp phải được hướng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không để chảy vào bất động sản. Đầu cơ tài sản sẽ làm tăng rủi ro và phí tổn cho nền kinh tế khi chi phí cho khu vực sản xuất bị đội lên.

Mai Phương

Đọc nhiều