Giá điện, xăng sao phải bí mật?

07/09/2019 08:33

Giá xăng, giá điện rồi đến kết quả sơ tuyển thầu dự án cao tốc Bắc – Nam cũng được đưa vào dạng tài liệu mật, bí mật nhà nước. Quy định này có phù hợp?

Nhiều kiến nghị bỏ quy định đưa phương án điều hành giá xăng, điện ra khỏi danh mục bí mật nhà nước  /// Ảnh: Ngọc Dương
Nhiều kiến nghị bỏ quy định đưa phương án điều hành giá xăng, điện ra khỏi danh mục bí mật nhà nước

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4.9 mới đây, trả lời báo chí về kết quả sơ tuyển thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Về kết quả sơ tuyển dự án cao tốc Bắc – Nam, quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5, ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển. Đến tháng 7 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại, ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật nên không cung cấp cụ thể được.

Giá điện, xăng sao phải bí mật? - ảnh 1
Minh bạch giá xăng, giá điện là cần thiết

Dự án phục vụ nhân dân sao lại “mật”?

Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lập tức vấp phải nhiều phản ứng từ phía người dân. Bởi theo Nghị định 30/2015 do Chính phủ ban hành hướng dẫn luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, điều 21 về trình, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển và công khai danh sách ngắn không có điều khoản bảo mật việc thẩm định kết quả sơ tuyển. Đồng thời tại khoản 4 nêu rõ danh sách ngắn phải được công khai đăng tải theo quy định và gửi thông báo đến các nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Bên cạnh đó, tại điều 8 luật Đấu thầu quy định thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu bao gồm: Danh sách ngắn và kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Do đó, không có cơ sở nào yêu cầu cơ quan chức năng “đóng dấu mật” kết quả sơ tuyển thầu của dự án.

Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, giải thích ở góc độ pháp luật: Trong đấu thầu, một khi đã mở thầu thì không có gì là mật. Danh sách những doanh nghiệp (DN) tham gia, trúng thầu phải được công khai. Tuy nhiên khi chưa có kết quả sơ tuyển, chưa mở thầu, mới đang trong quá trình xét thầu, đánh giá hồ sơ thì thông tin phải giữ bí mật. “Cũng giống như chấm thi đại học. Khi hội đồng chấm thi đang xem xét, điểm thi chưa được phê duyệt chính thức thì cần phải giữ kín để tránh chạy chọt, xin điểm, tiêu cực. Nhưng sau đó, điểm thi phải được công khai cho tất cả thí sinh đều được biết”, ông Nghiêm dẫn ví dụ minh họa và cho rằng trong trường hợp này, Bộ GTVT đang làm đúng quy định luật pháp.

Tuy nhiên, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng đối với dự án mang ý nghĩa trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, nên có ngoại lệ. Thời gian qua, việc tổ chức mời thầu dự án đã gây ra nhiều lo ngại khi đa số các hồ sơ đăng ký đều đến từ Trung Quốc và khả năng trúng thầu của các DN này khá cao do bỏ thầu thấp. Với rất nhiều bài học nhãn tiền về năng lực thi công các công trình hạ tầng giao thông của các nhà thầu Trung Quốc tại VN, không thể không e ngại. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của người dân đến từng giai đoạn của dự án là rất lớn. Do đó, không nên áp dấu “mật” đối với bất kể công đoạn nào trong quá trình đấu thầu dự án này.

Lạm dụng dấu “mật” trong quản lý

Thực tế, dấu “mật” đang bị lạm dụng trong quản lý điều hành tại các bộ ngành. Trong một dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương mà Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến công khai, có đến 13 thông tin, tài liệu thuộc diện tối mật và 30 thông tin tài liệu thuộc danh mục mật. Trong đó, có “mật” phương án giá xăng, giá điện…

Ngày 4.9, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) có văn bản góp ý và kiến nghị nên bỏ 6 mục ra khỏi danh mục bí mật. Đặc biệt, liên quan phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố đưa vào danh mục mật, VCCI cho rằng, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để DN hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014 của Chính phủ nên không cần thiết đóng dấu mật với chỉ đạo điều hành giá xăng.

Với mặt hàng điện, do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra và VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại cân nhắc loại bỏ điều 2.19 của dự thảo. Ngoài ra, VCCI cũng kiến nghị bỏ bí mật tài liệu về điều hành xuất nhập khẩu để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN, hoặc bỏ bí mật về tài liệu, địa điểm và trữ lượng các mỏ khoáng sản vì nếu ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép cần được thực hiện bằng các biện pháp khác (như kiểm tra, xử lý vi phạm) chứ không nên giữ bí mật thông tin về tài sản thuộc sở hữu toàn dân như vậy.

TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, cho rằng việc đóng dấu “mật” trong quản lý nếu không liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, chính trị quốc gia, an ninh kinh tế thì không nên lạm dụng. Chẳng hạn, yêu cầu bí mật phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố là điều không cần thiết. “Nếu lập luận đóng dấu mật cho chỉ đạo điều hành giá xăng vì sợ xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, gây lũng đoạn thị trường, thì dấu “mật” cho giá điện trước khi điều chỉnh, nhà quản lý e ngại điều gì? Chắc chắn điện không thể đầu cơ được bởi cả công cụ quản lý lẫn mặt hàng điện nhà nước đều có thể quản lý được. Theo tôi, có thể chỉ đạo giá xăng bí mật giai đoạn nào đó nhằm tránh đầu cơ có lý của nhà quản lý. Nhưng với giá điện thì không nên, không cần thiết phải bí mật. Quan điểm chung của nền kinh tế thị trường thì càng minh bạch càng tốt”, TS Nguyễn Đức Độ nói.

Người dân khó thể giám sát

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận xét các cụm từ “bí mật quốc gia”, “danh mục bí mật nhà nước”… đôi khi được đưa ra như để trả lời một vấn đề người dân băn khoăn, hoặc để kết thúc một vấn đề mà nhà quản lý không muốn đề cập đến, hoặc chưa phải thời điểm nói đến. Bởi khi đã cho là “bí mật quốc gia”, thường không ai dám nói tiếp nữa, bởi đã được mặc định “bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, trong điều hành kinh tế, việc lạm dụng dấu “mật” là điều cần xem xét lại. Dự án phục vụ lợi ích công cộng, tác động đến đại đa số đời sống nhân dân, cần có sự giám sát của nhà chuyên môn, đánh giá của các tổ chức, hiệp hội chuyên nghiệp… Nếu đã đóng dấu mật, tất là bất khả xâm phạm, không ai kiểm soát, giám sát được, chặn đường giám sát kiểm soát của chuyên gia và người dân.

Ông Lê Đăng Doanh nói: “Quan điểm của tôi là ủng hộ sự công khai minh bạch, bớt dấu “mật” đi thì tự khắc minh bạch gia tăng. Kết quả đấu thầu các dự án hạ tầng lớn của quốc gia càng phải minh bạch để các nhà chuyên môn giỏi có ý kiến góp ý. Giá xăng nay đã có giá quốc tế thay đổi điều chỉnh từng giờ, từng ngày, người dân có thể nhìn vào đó để đánh giá, tính toán thực tế giá xăng mình sẽ mua trong nước thời gian tới là bao nhiêu, dựa vào chu kỳ điều chỉnh giá của liên bộ nên không có gì phải bí mật. Với giá điện cũng vậy, trước sau gì cũng phải công khai cho toàn dân, nếu đóng dấu mật thì công bố sao? Trên thế giới không có quy định giá điện, giá xăng “mật” thế này”.

Ngoài ra, ông Doanh cũng kiến nghị xem lại pháp lệnh về giá có quy định về việc giá điện, giá xăng đóng dấu “mật” không bởi tình trạng lạm dụng dấu mật trong quản lý đã đến lúc phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Nguyên Nga/Thanh Niên

Đọc nhiều