Giá điện Việt Nam ở đâu trên thế giới?
Từ ngày 4/5, dưới sự đồng ý của Chính phủ, EVN đã tăng giá điện lên 3%, so với giá bán lẻ hiện hành thì mỗi kWh tăng thêm gần 56 đồng. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó mặc dù đã 4 năm chưa được tăng giá.
Hiện nay, trước các biến động trên thế giới và các yếu tố cung – cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao. Năm 2022, giá than pha trộn tăng bình quân từ 34,7% đến 46,4%; than nhập khẩu tăng 163%, đặc biệt có thời điểm tăng 411% so với bình quân năm 2021, dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao. Giá khí thị trường bình quân năm 2022 tăng 27,4%. Nhiều quốc gia trên thế giới đã rơi vào cảnh thiếu điện, khí đốt khiến Chính phủ nhiều nước phải kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo số liệu cập nhật vào tháng 4/2023 thì giá điện tại Italy là 211,2 Euro/kWh (khoảng 5.714 VNĐ/kWh). Kế đến là Pháp là 178,9 Euro/kWh (khoảng 4.847 VNĐ/kWh); Đức là 157,8 Euro/kWh (khoảng 4.278 VNĐ/kWh); Tây Ban Nha là 127,22 Euro/kWh (khoảng 3.439 VNĐ/kWh) và tại Vương quốc Anh là 136,60 Euro/kWh (khoảng 3.710 VNĐ/kWh).
Tại châu Á, giá điện ở Tokyo (Nhật Bản) cũng tăng gần 27%. Tại Hàn Quốc là 228,96 Won/kWh (khoảng 4.287 VNĐ/kWh). Còn tại Thái Lan, giá điện sinh hoạt đã tăng lên 4,72 baht/kWh (khoảng 3.273 VNĐ/kWh) từ tháng 9/2022.
Như vậy, so với các quốc gia kể trên, thì mức giá 1.920VN/kWh của Việt Nam sau khi bằng khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới và ở mức trung bình thấp so với giá điện bình quân của thế giới (101/147).
Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, khoảng 550 – 600 tỷ kWh điện. Trong khi lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào và Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây. Giá thành sản xuất điện và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo phát triển ngành điện bền vững và cấp điện ổn định.
Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng, EVN cần tiếp tục thực hiện định hướng chung của Chính phủ đó là tiết kiệm, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Diệu Hương