Giả đau bụng né thổi nồng độ cồn khiến CSGT Hà Nội ‘mướt mồ hôi’
Thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra “ma men” trên phố cũng là lúc nhiều người tham gia giao thông uống rượu bia bắt đầu các “vở diễn” quen thuộc để né tránh lỗi vi phạm.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang tới gần. Những ngày này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội phải làm việc nhiều hơn để ngăn chặn các trường hợp vi phạm giao thông tăng cao vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là những vi phạm về nồng độ cồn. Theo lực lượng chức năng, cuối năm Âm lịch nhiều tiệc tùng nên số lượng người vi phạm về uống rượu bia khi tham gia giao thông càng tăng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
“Người ta cố tình chống đối bằng nhiều cách: gọi điện thoại cầu cứu, cố tình kêu đau bụng không thổi được, yêu cầu về nhà, ốm, không chấp hành quy định kiểm tra. Người ta không thổi thì không lên được hơi vào máy đo nồng độ cồn để xử lý.
Những trường hợp này chúng tôi yêu cầu thổi 3 lần. Nếu trong 3 lần không chấp hành thì chúng tôi sẽ lập biên bản không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Việc kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn của công an TP dịp cuối năm rất khó khăn. Trong tình hình dịch bệnh, các trường hợp vi phạm né tránh. Các quán bia rượu, người của quán sẽ đi ra trước để xem có lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn hay không. Người ta sẽ thông báo về cho khách hàng đã uống bia rượu đi cung đường khác để né tránh kiểm tra vi phạm, rất khó khăn trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn”, Đại úy Nguyễn Văn phú, Đội CSGT số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết.
“Hôm nay bên em có liên hoan tổng kết cuối năm nên em có uống một chút thôi. Đến giờ làm xong em về ăn cơm tối ở nhà. Em uống ít thôi, uống có vài chén rượu. Em định để xe ở công ty nhưng mà mang xe về để mai còn đi về đón cháu. Em thấy bây giờ là em khỏe rồi giờ muộn rồi nên em về nhà ăn cơm mà ở công ty không còn xe. Em biết mình vi phạm nồng độ cồn. Em biết là sẽ bị xử lý rất nặng. Nhưng bây giờ em vẫn còn đang tỉnh táo, vẫn có thể đi về được. Em rút ra bài học sau này không dám vi phạm nữa, sau này em sẽ để xe ở lại rồi nhờ bạn chở về”, một người dân vi phạm nồng độ cồn khi đi xe máy cho biết.
“Với các trường hợp chống đối kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng chúng tôi cũng khuyến cáo người tham gia giao thông là bia rượu là văn hóa cổ truyền của dân tộc ta. Nhưng nếu mình có uống bia rượu, bằng nhiều cách, có thể nhờ người nhà hoặc bạn bè đưa về và có thể đi bằng các phương tiện công cộng như xe ôm, taxi để đi về nhà an toàn, tuyệt đối không lái xe khi đã uống bia rượu”, Đại úy Văn Phú cho biết thêm.
Nhiều người dù chỉ uống một vài ly rượu, cốc bia liên hoan dịp cuối năm vẫn phải đối mặt với mức phạt nghiêm với hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông của nghị định 100/2021, có thể lên đến 8 triệu đồng/ lần vi phạm và tước bằng lái xe 2 năm.
Minh Ngọc