“Giá” của dự án thủy điện TQ xây ở Campuchia: Người mất nhà, sông mất cá, cộng đồng tan vỡ

12/08/2021 09:59

“Chúng tôi đã mất ngôi nhà nơi tổ tiên chúng tôi sinh sống, những ngôi mộ chìm dưới nước. Chúng tôi mất nông trại, lúa gạo, rau, xoài và cây dừa”, Sran Lanj nói.

"Giá" của dự án thủy điện TQ xây ở Campuchia: Người mất nhà, sông mất cá, cộng đồng tan vỡ

Người dân mất nhà, sông mất cá

Bốn năm trước, các cửa của đập thủy điện Lower Sesan 2 lần đầu tiên đóng lại, dồn nước vào nơi sẽ trở thành một hồ chứa rộng 300 km vuông bao phủ vùng đất từng là nơi sinh sống của gần 5.000 người.

Sran Lanj chứng kiến ​​mực nước sông dâng cao và vùng đất – nơi sinh sống của cộng đồng người Bunong bản địa của cô qua nhiều thế hệ – biến mất.

“Chúng tôi đóng gói đồ đạc trong một chiếc thuyền và di chuyển đến vùng đất cao hơn cách đó 3 km”, bà mẹ 3 con nói với Nikkei Asia. “Chúng tôi đã mất ngôi nhà nơi tổ tiên chúng tôi sinh sống, những ngôi mộ chìm dưới nước. Chúng tôi mất nông trại, lúa gạo, rau, xoài và cây dừa. Chúng tôi mất danh tính của mình”.

Giá của dự án thủy điện TQ xây ở Campuchia: Người mất nhà, sông mất cá, cộng đồng tan vỡ - Ảnh 1.
Vị trí đập thủy điện Lower Sesan 2. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Lanj đã chuyển đến sống ở vùng đất cao hơn, và gia đình cô là một trong hơn 180 gia đình từ chối tái định cư và thay vào đó chuyển đến những khu đất nhỏ hơn của tổ tiên còn lại gần hồ chứa mới. Cô ấy nói, không có số tiền nào có thể bù đắp cho một cộng đồng tan vỡ.

“Cộng đồng của tôi luôn ở bên nhau,” cô nói, “nhưng bây giờ chúng tôi đang mắc kẹt ở hai phía khác nhau của dòng sông.”

Con đập cao 75 mét, dài 6 km đã làm giảm đáng kể sản lượng đánh bắt cá và nhấn chìm đất nông nghiệp quan trọng đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa sống trong khu vực.

Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba, Tổ chức Human Rights Watch (HRW) nêu chi tiết về tác động về mặt xã hội do dự án thủy điện lớn nhất của Campuchia được xây dựng ở giao điểm của sông Sesan và sông Srepok – các nhánh thuộc dòng Mekong ở phía bắc Campuchia.

Các cộng đồng phụ thuộc vào nghề đánh cá cả ở thượng nguồn và hạ lưu đều phàn nàn rằng con đập đã làm gián đoạn luồng di cư của cá và khiến sản lượng khai thác bị thu hẹp, đặc biệt là các loài cá lớn và sinh lợi hơn.

“Trước khi đập Lower Sesan 2 được xây dựng, chúng tôi có thể đánh bắt khoảng 5 kg đến 10 kg mỗi ngày”, Narin, một ngư dân 59 tuổi sống ở thượng nguồn nói. “Bây giờ chúng tôi chỉ có thể bắt được khoảng 1 kg – 2 kg, và đôi khi còn không có con cá nào”.

Công ty Trung Quốc đánh giá dự án “thúc đẩy phát triển kinh tế

“HRW cho biết dự án phát triển gần 800 triệu USD – là một trong 6 đập thủy điện lớn do Trung Quốc tài trợ được xây dựng ở Campuchia trong thập kỷ qua.

Nằm gần biên giới phía bắc của đất nước với Lào, cách thủ đô Phnom Penh 260 km về phía đông bắc, con đập có thể tạo ra 400 Megawatt ở công suất cao nhất và khoảng 1.998 Gigawatt giờ mỗi năm, hơn 15% sản lượng điện hàng năm của Campuchia.

Tuy nhiên, HRW cho biết, nhà máy thủy điện có khả năng chỉ tạo ra 1/3 công suất tối đa, theo một tính toán dựa trên doanh thu thuế được báo cáo từ con đập là 30 triệu USD.

Con đập do tư nhân điều hành nhưng sẽ thuộc quyền sở hữu của chính phủ sau 40 năm. Hydrolancang, hiện đang nắm giữ 51% quyền sở hữu là một công ty con của Tập đoàn Huaneng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Trên thực tế, China Huaneng đã công bố một nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong đó thừa nhận rằng những người dân tái định cư phải đối mặt với “chi phí ngày càng cao” từ việc trả tiền cho nước sạch và, mất quyền tiếp cận ngư trường và thức ăn.

Báo cáo viết, người dân không thể đánh bắt cá và với các sản vật từ rừng “khó kiếm hơn”, những người dân tái định cư “khó tạo thu nhập”. Mặc dù vậy, báo cáo kết luận rằng con đập “nâng cao sinh kế của người dân địa phương” và “thúc đẩy phát triển kinh tế.”

Hơn 700 gia đình đã nhận các gói bồi thường, thường là một thửa đất và một ngôi nhà xây sẵn hoặc 6.000 USD. Tuy nhiên, các gói bồi thường không tính đến việc mất thu nhập liên tục do mất mùa, cây ăn trái và sản lượng đánh bắt cá giảm.

Minh Khôi

Đọc nhiều