Gặp người từng cứu hộ 3 chiếm hạm tham chiến Hoàng Sa

19/01/2021 15:25

Mong ước của ông Lê Đình Rê, người đã từng cứu hộ 3 chiếm hạm tham chiến Hoàng Sa bị địch bắn trở về Đà Nẵng sáng ngày 20/1/1974 là: ‘Xin một đời làm thủy thủ Hoàng Sa’.

Ngày 19/1, đoàn công tác UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) đi thăm hỏi nhân chứng Hoàng Sa – những người từng làm nhiệm vụ tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhân 47 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19/1/1974 – 19/1/2021).

Đoàn công tác đã ghé nhà 128/8 Quang Trung (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thắp nén hương cho ông Phạm Khôi (mất năm 2014), là người từng làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa thời trai trẻ.

"Dù tuổi già đi nữa, tôi cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu!" - Ảnh 1.
Đoàn công tác UBND H.Hoàng Sa thăm gia đình ông Phạm Khôi.

Đưa chúng tôi lên căn gác nhỏ, nơi đặt bàn thờ ông Khôi, bà Phan Thị Hoa (con dâu đầu của ông Khôi) cho hay, dù bố đã mất được nhiều năm nhưng tài sản quý giá nhất mà ông để lại đó chính là tình yêu biển đảo luôn tồn tại nơi tim của mỗi người trong gia đình.

“Mỗi năm gia đình mình đều cố gắng đi biển, đi đảo, như một lời nhắc nhớ, một truyền thống của gia đình, để tụi nhỏ không quên Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, chị Hoa nói.

"Dù tuổi già đi nữa, tôi cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu!" - Ảnh 2.
Ông Lê Đình Rê (trái) là một trong những nhân chứng Hoàng Sa.

Quá trưa, theo chân Đoàn, chúng tôi không khỏi xúc động khi gặp ông Lê Đình Rê, một trong những nhân chứng Hoàng Sa, người đã từng cứu hộ 3 chiếm hạm tham chiến Hoàng Sa bị địch bắn trở về Đà Nẵng, đang ngồi sửa soạn lại những di vật được ông cẩn thận lấy ra từ ngăn tủ.

Theo thời gian, nước ảnh đã bợt màu, lấm tấm những vệt ố nhưng những ký ức về Hoàng Sa hơn 40 năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Trung úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa Lê Đình Rê, thuyền trưởng tàu QV 9708 thốt lên: “Cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên được”.

Chiều 19/1/1974, ông Rê đang cùng vợ đi chợ Tết thì nhận lệnh ra Hoàng Sa cứu nạn.

“23h ngày 19/1/1974, tàu QV 9708 bắt đầu ra khơi. Về khuya gió mùa đông bắc càng thổi càng mạnh, đi qua cầu cảng Thống Nhất, vòng qua núi Sơn Trà, hướng ra biển Đông. Qua máy vô tuyến PC46 của tàu, anh Đại úy hải quân bật tần số mật mã của các tàu , HQ-4 lên tiếng, HQ-5 lên tiếng, HQ-6 lên tiếng gọi nhau í ới… rồi bật tần số HQ-10. “10 đâu…? 10 đâu…?”, im phăng phắc. Gọi mãi nhưng không thấy tín hiệu nào cả, như vậy là HQ-10 mất rồi, nó đã ngủ yên mãi ngoài biển khơi”.

“0h rồi 1h-2h-3h ngày 20/1/1974, cả tàu không ai ngủ được, nghe tin tức từ các tàu báo về lòng ai cũng buồn, một anh lính cất tiếng nói: “Mình mất Hoàng Sa rồi hả Đại úy?”. “Ừ, mình mất Hoàng Sa thật rồi!…”, ông Rê chầm chậm nhớ lại.

Nén đau thương, ông điều khiển tàu QV 9708 tiếp cận được với 3 chiếm hạm nhưng xót xa thay các tàu đều bị dính đạn pháo, nghiêng mạn, ông vội vã cứu hộ, lai dắt các tàu vào bờ an toàn.

“Chưa có trận chiến nào khốc liệt như thế. Hạm trưởng Vũ Hữu San HQ-4 báo với thượng cấp: “Tôi một quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ Quốc!”. Ngày 18/1/1974, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng I: “Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả!”… Ôi! Sao mà buồn thế. Nỗi đau nhìn các anh em bị thương, kẻ ở người đi vẫn dai dẳng đeo bám tôi hơn 40 năm qua.”, ông Rê rưng rưng.

Hồi tưởng hơn 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng là một người lính đã trực tiếp làm nhiệm vụ cứu hộ 23 chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16…trở về sáng 20/1/1974, sâu trong tâm khảm của người đàn ông đã ngoài 70 tuổi này vẫn khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

“Tôi ao ước một ngày nào đó, chúng ta ra khơi, có mặt ở Hoàng Sa, lúc đó, dù có tuổi già đi nữa, tôi cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu! Xin các bạn thế hệ trẻ sau này tiếp nối ý chí bảo vệ Tổ quốc – đất, trời và biển, đảo quê hương”, ông Rê nói.

Tags :
Đọc nhiều