8
category
329985

Gánh nặng xe công và lời hứa bộ trưởng “thí điểm xe máy” là việc cần làm ngay

25/10/2019 16:33

Cả nước có gần 40.000 xe ôtô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỉ đồng để nuôi xe công mỗi năm, chưa kể hàng chục nghìn tỉ đồng để sắm số lượng xe công này, và còn thêm xe mới. Dường như sau nhiều năm thực hiện “khoán xe công” vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 2015, khi thông báo về tình hình sử dụng xe công, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đã cho biết, cải nước có gần 40.000 xe công, mỗi năm “ngốn” hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).

Dư luận tỏ ra bất ngờ với con số trên, bởi lẽ từ năm 2015, chủ trương khoán xe công đã được thực hiện thí điểm và nhân rộng với hơn 20 bộ, ngành, địa phương. Nhiều người nghi vấn, chủ trương khoán xe công còn nhiều vấn đề.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đã tự chạy xe máy đến chỗ làm từ khi ông còn làm Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, hành động này đã tiết kiệm ngân sách nhà nước lên tới hàng tỷ đồng.

photo1566185301787
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chạy xe máy đến công sở

Đáng lưu ý, việc đi xe máy đến nơi làm việc không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện mà còn có nhiều cán bộ sở, ngành khác.
“Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh.

Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con. Bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân”, ông Dương nói.

Còn nhớ, tại phiên chất vấn của UBTVQH tháng 8 vừa qua, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt vấn đề, để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, dư luận cho rằng nên thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt.

“Đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay”, ĐB Thuỷ hỏi. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh sáng kiến của ĐB Thủy và đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

“Đây là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm.
Sau khi thí điểm chủ tịch tỉnh đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các đồng chí cán bộ TƯ đến địa bàn Hậu Giang đi xe buýt được thực hiện tốt thì chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay”, ông Thể nói.

Nhìn vào thực tế, chi tiêu thường xuyên hàng năm của Việt Nam vẫn ở mức quá cao, năm nào Việt Nam cũng phải đi vay để tiêu, hậu quả là nợ công tiếp tục tăng, gánh nặng tiếp tục đổ lên vai người dân, ông Thuận kiến nghị nên xem xét cân nhắc luôn cả việc khoán chi tiêu thường xuyên để các cơ quan, bộ ngành tự liệu cơm gắp mắm.

Thừa nhận, bước đầu thực hiện khoán chi thường xuyên có thể sẽ có những phản ứng, thậm chí là có tiêu cực trong chi trả lương thưởng, thu nhập cho người lao động… nhưng, nếu có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thì chắc chắn sẽ hạn chế được phần nào tiêu cực xảy ra.

Hơn nữa việc cán bộ đi xe máy là rất bình thường có gì đâu mà thí điểm. Chẳng qua ở ta cán bộ sử dụng xe công nhiều, nên Bộ trưởng cứ nghĩ chủ tịch tỉnh đi xe máy như là cái gì đó ghê gớm lắm, thần tượng lắm. Tôi cho rằng cán bộ muốn gần dân phải sống giản dị và gần gũi. Theo nghị định về tiêu chuẩn định mức và sử dụng xe công được Chính phủ ban hành, cơ chế khoán chỉ dừng lại tự nguyện đối với một số chức danh như Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban của Đảng ở Trung ương… thay vì áp dụng bắt buộc.

Đừng để xe công thành gánh nặng của ngân sách

Hiện nay việc khoán xe công đang ở giai đoạn thí điểm nên chỉ khuyến khích, kêu gọi sự tự nguyện. Chính vì thế, nhiều cán bộ thích thì làm, không làm cũng được. Điều đó là khó chấp nhận, việc khoán xe phải thực hiện từ trên xuống trở ngại khiến chủ trương tốt này chưa đạt kết quả như mong đợi. Đó là vẫn còn một bộ phận cán bộ thích sĩ diện, háo danh, quan cách. Trên thực tế chúng ta thấy, việc khoán xe công vẫn là cách hiệu quả nhất để quản lý và thực thi nghiêm chỉnh Luật Ngân sách, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Biết là vậy, nhưng cho đến nay, nhiều lần họp hành ồn ào chuyện khoán xe công, nhưng vẫn chưa có nhiều đơn vị tham gia hưởng ứng, cũng là “đánh trống bỏ dùi” mà thôi.

Lâu dài, bền vững hơn là giảm biên chế, sáp nhập các bộ, các sở, ban ngành và quận, huyện các địa phương. Bộ máy gọn nhẹ, giảm bớt chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe công thì sẽ giảm chi tiêu cho khoản này.

Chính vì thế câu nói: “chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay”, của Bộ trưởng Thể cần phải được xem là những việc cần làm ngay.
Cổ nhân đã có câu ‘Quan nhất thời, dân vạn đại’, vì thế không thể giữ kiểu quan cách đó được. Cán bộ có tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến dân, hòa mình vào quần chúng thì mới am hiểu dân, giải quyết được công việc.Việc này còn liên quan đến nhân cách con người, phải trải qua rèn luyện mới được.

Đinh Lực

Đọc nhiều