8
category
585831

Gần Tết Nguyên đán, số ca nhiễm tại một số địa phương tăng nhanh

27/01/2022 09:43

Bên cạnh Hà Nội, một số địa phương cũng cho thấy tốc độ lây nhiễm nhanh như Đà Nẵng, Bắc Ninh hay Hải Phòng.

Chủ trương của ngành y tế là điều trị F0 tại nhà.

Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, trong đó 69 ca nhập cảnh và 15.885 ca ghi nhận trong nước (tăng 186 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.571 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Trong khi đó, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Hải Phòng cũng duy trì tốc độ ghi nhận ca nhiễm mới tăng cao trong thời gian gần đây.

Biểu đồ ca mắc mới tại Hà Nội tiếp tục đi ngang

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 26/1, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.884 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Thành phố đã trải qua 23 ngày có số ca nhiễm trên ngưỡng 2.500 người.

Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 120.419 ca mắc Covid-19. Bộ Y tế cũng ghi nhận Hà Nội là một trong 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 26/1, cho thấy Hà Nội có 1.172 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.200 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 712 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 8,3% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 606 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 29 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 53 ca thở máy xâm lấn và 4 bệnh nhân được lọc máu.

Thành phố đã tiêm được tổng cộng 14.541.317 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 241.072, mũi nhắc lại là 2.193.061.

Tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết tuần qua (ngày 19-25/1), trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày. Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song, dự báo tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm “giả” do người dân về quê và sẽ tăng trở lại sau Tết. Việc phòng, chống dịch của Hà Nội đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân trong dịp Tết là điều kiện để dịch bùng phát.

Từ đây, ngành y tế đã xây dựng các phương án phòng chống sự lây lan của biến chủng mới, trong đó, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ chuyển tầng, diễn biến nặng và tử vong.

Bà Hà khẳng định ngành y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Sở Y tế đề nghị các quận, huyện đảm bảo tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.

Tình hình dịch trái ngược tại các địa phương

Sau 2 ngày có số ca mắc mới dưới 100 trường hợp, TP.HCM đã ghi nhận số người người dương tính tăng nhẹ trở lại với 121 F0 trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, đây đã là ngày thứ 4 liên tiếp thành phố ghi nhận số người mắc Covid-19 dưới ngưỡng 200 ca.

Trong ngày 26/1, Đà Nẵng ghi nhận 991 người mắc Covid-19, đứng vị trí thứ 2 trên toàn quốc về số F0 được ghi nhận trong ngày, chỉ xếp sau Hà Nội. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày của Đà Nẵng cũng đã tăng từ ngưỡng 100-200 lên khoảng 800-900 trường hợp.

Trung bình tuần qua, Đà Nẵng cũng đứng thứ 2 về số lượng F0 trong ngày với khoảng 911 ca/ngày.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh tỷ lệ tiêm vaccine trên địa bàn thành phố khá cao. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine. Việc tăng tỷ lệ tiêm vaccine sẽ góp phần quan trọng trong việc Đà Nẵng tiến tới mở cửa, thích ứng an toàn trong tình hình mới, phát triển kinh tế – xã hội.

Hải Phòng công bố 712 ca mắc Covid-19 mới. Trong 17.902 F0 đang được điều trị, 180 ca diễn biến nặng, nguy kịch. Tính tới thời điểm này, Hải Phòng đã ghi nhận 60 ca tử vong do Covid-19.

Theo thống kê, thành phố đã thực hiện gần 4 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine đạt 99,99%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%.

Bắc Ninh trong ngày 26/1 đã vượt qua Hải Phòng để đứng vị trí thứ 3 địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 865 trường hợp. Tỉnh này cũng là địa phương ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất so với ngày trước đó (+305).

Theo thống kê của Sở Y tế Bắc Ninh, tổng số F0 đang được điều trị và quản lý trên địa bàn là 5.980 trường hợp. Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi vaccine cho người trên 18 tuổi của tỉnh đã đạt 96,6%. Tỷ lệ này với nhóm trên 50 tuổi là 96,1%.

Từ ngày 26/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra một số hoạt động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Qua kiểm tra, giám sát thực tế và nghe doanh nghiệp báo cáo, các đoàn kiểm tra đã đưa ra những ý kiến góp ý một số nội dung có thể chỉnh sửa, bổ sung, cải thiện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các đoàn cũng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời đề xuất, tham mưu cho cấp trên, giúp những đơn vị này vừa hoạt động sản xuất, đồng thời phòng, chống dịch an toàn, nhất là trong thời gian nghỉ Tết và sau khi công nhân quay trở lại làm việc.

Các địa phương chuẩn bị chống dịch trong Tết Nguyên đán

Tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1 đến 28/2.

“Tôi đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xây dựng kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mùa xuân năm 2022 gồm các mục tiêu, biện pháp và hướng dẫn cụ thể”, ông nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xem xét công nhận vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19 được sản xuất trong nước theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, đảm bảo yếu tố khoa học, an toàn và hiệu quả.

Chiều 26/1, Sở Y tế TP.HCM đã thông báo 25 địa điểm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cố định trên địa bàn trong thời gian nghỉ Tết.

Mục tiêu của ngành y tế thành phố là tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.

TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bằng cách tiếp tục tổ chức tiêm vaccine trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

“Người dân đang ở thành phố, bất kể là thường trú hay tạm trú, có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước)”, Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Mục tiêu của thành phố là nỗ lực bao phủ vaccine Covid-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần cận kề, TP.HCM đã ghi nhận 88 ca nhiễm biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và người dân trong cộng đồng.

Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai những biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần; trực bảo vệ – tự vệ; có kế hoạch phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh.

Đồng thời, các đơn vị tuyến trên phải sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết. Các cơ sở cần chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron; có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.

Tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác.

Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường về sở để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Khai Tâm

Đọc nhiều