262
topics
452650

Gần 3 km đường Vành đai 2 TP HCM vẫn dang dở

30/11/2020 08:27

Sau ba năm khởi công, đường nối từ tuyến Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức gần 3 km dang dở do chưa được thanh toán chi phí, chờ điều chỉnh dự án.

Đây là một trong 4 đoạn chưa khép kín thuộc dự án Vành đai 2 TP HCM, khởi công cuối năm 2017 với tổng đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1.410 tỷ đồng, tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức triển khai. Dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư.

Lộ trình toàn tuyến Vành đai 2 sau khi khép kín. Đồ họa: Thanh Huyền.
Lộ trình toàn tuyến Vành đai 2 sau khi khép kín.

Công trình dài 2,75 km, rộng 67 m, giai đoạn một làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m cho 6 làn xe. Dự án tính hoàn thành cuối năm 2020, song khoảng một năm nay bị ngưng thi công khi đạt gần 44% khối lượng. Trên công trường ngày 28/11, toàn bộ máy móc, công nhân đã rút. Ở nhiều đoạn, vật liệu xây dựng chất đống, các đoạn bêtông làm dở xám xịt, cỏ dại mọc um tùm…

Nguyên nhân dự án bị ngưng, theo ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, đơn vị đang chờ TP HCM gỡ vướng mắc thanh toán các chi phí đã bỏ ra từ năm 2017 đến nay. “Nhà đầu tư đã ứng gần 1.400 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng và thi công nhưng chưa được thanh toán”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, công trình đang chờ triển khai một số thủ tục pháp lý điều chỉnh dự án do phải thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, cơ quan kiểm toán đề nghị UBND TP HCM xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; cập nhật chỉ tiêu, số liệu tài chính và nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT…

Dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, dang dở sau 3 năm khởi công, ngày 28/11. Ảnh: Gia Minh.
Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dự án Vành đai 2 chưa thể hoàn thành sau 3 năm khởi công, ngày 28/11.

Cơ quan kiểm toán cũng đề nghị thành phố làm thủ tục đối với các khu đất trong danh mục thanh toán đã ký tại hợp đồng BT với nhà đầu tư. Việc này nhằm đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính và giảm chi phí dự án do chậm thanh toán dẫn đến phát sinh lãi vay.

Báo cáo UBND TP HCM mới đây, Sở Giao thông Vận tải cho biết khó khăn hiện nay tại dự án là hai Sở Tài nguyên – Môi trường và Tài chính chưa hoàn tất rà soát, dự thảo văn bản để thành phố trình Thủ tướng chấp thuận các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị đẩy nhanh.

Dự án còn gặp vướng mắc khi tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đang chậm. Hiện, việc chi trả bồi thường mới đạt khoảng 79% và diện tích mặt bằng bàn giao hơn 74%.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo quận Thủ Đức gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Sở Kế hoạch – Đầu tư sớm tham mưu thành phố các thủ tục pháp lý để điều chỉnh dự án, đàm phán với nhà đầu tư điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT.

Cỏ mọc um tùm, sắt thép tua tủa ở đoạn làm dở tại dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, ngày 28/11. Ảnh: Gia Minh.
Cỏ mọc um tùm, sắt thép tua tủa ở đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, ngày 28/11.

Vành đai 2 tại TP HCM dài hơn 64 km, đến nay đầu tư hoàn thành 50 km. Ngoài dự án nói trên, phần chưa khép kín của tuyến vành đai này còn hơn 11 km, chia làm ba đoạn: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (quận 9 và Thủ Đức), dài 3,5 km; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức), dài 2,5 km; đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) dài 5,3 km.

Trong đó, đoạn 1 và 2 chuẩn bị hoàn tất các thủ tục chờ phê duyệt chủ trương đầu tư công với tổng mức 14.600 tỷ đồng. Riêng đoạn 4 chờ bố trí vốn để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tuyến Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP HCM.

Trục đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong phân luồng, giảm áp lực giao thông nội thành cũng như tăng kết nối các tuyến vành đai khác sắp triển khai, cùng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Gia Minh/ VNE

Đọc nhiều