Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 4)
Lúc sinh thời, khi nhớ lại những tháng ngày tiễu trừ Fulro nóng bỏng, cố đại tá Vũ Linh như sống lại một quãng đời, một vùng ký ức không thể nào phai nhạt. Đó là những tháng ngày mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nội vụ, Khu ủy Khu 6 và Tỉnh ủy Lâm Đồng, trên cương vị của mình, ông cùng các đồng đội đã hao tâm, tổn trí, nhiều đồng chí hy sinh cả tính mạng, dốc toàn lực cho cuộc chiến đấu, giải quyết vấn đề Fulro, đập tan những mưu đồ của bọn phản động, trả lại sự bình yên cho buôn làng Tây Nguyên…
Chuyên án F101: “Hùm Xám rời hang”
Từ tháng 5/1976, một số tên cầm đầu Fulro Đêga bị chúng ta bắt giam tại Buôn Ma Thuột đã tổ chức vượt ngục ra rừng và sau đó ám sát ban lãnh đạo cũ để giành quyền lãnh đạo. Sau cuộc “đảo chính” này, Y Djao Niê – nguyên trung tá quân đội Sài Gòn cũ, đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là “thiếu tướng”, “Thủ tướng Fulro” và đưa Nahria Ya Duck, người K’Ho, sinh tại Đơn Dương, Lâm Đồng làm “Phó thủ tướng thứ nhất” kiêm Tư lệnh vùng 4. Sào huyệt của “Trung ương Fulro” chuyển về vùng núi rừng Bidoup thuộc khu vực Đầm Ròn, quê hương của Ya Duck. Trong khi “ngài thủ tướng” đang bám gót Pol Pot bên kia biên giới, “phó thủ tướng thứ hai” Paul Yưh người Ê Đê mất uy tín, tất cả quyền lực Fulro nằm trong tay Ya Duck, thanh thế của ông ta rất mạnh. Biệt danh “Hùm Xám Tây Nguyên” của Ya Duck bắt đầu nổi lên từ lúc này. Chính vì vậy, Ya Duck trở thành mối quan tâm hàng đầu của ta, giải quyết Ya Duck cũng có nghĩa là đập tan đầu não Fulro và làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng trên toàn tuyến.
Vào thời điểm này, Công an Lâm Đồng đã hình thành và triển khai một chuyên án cực kỳ táo bạo và lập nên những chiến công xuất sắc, chuyên án mang mật danh “Cao nguyên F101.” Sự hấp dẫn của chuyên án và tinh thần tài trí, táo bạo, quyết liệt, dũng cảm của những cán bộ, chiến sỹ an ninh tham gia chuyên án này đã được các nhà điện ảnh tái hiện trong một bộ phim cùng tên và được các trường an ninh trong nước đưa vào giáo trình nghiệp vụ. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin tóm tắt những thành công của chuyên án qua những tài liệu, hồi ức của những người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp đánh án như là một lần nữa tôn vinh chiến công xuất sắc và tinh thần hy sinh dũng cảm của các chiến sỹ công an nhân dân trên mặt trận đấu tranh chống lại một thế lực phản động cực kỳ nguy hiểm.
Từ hội nghị tại Nha Trang chuyên đề giải quyết Fulro do đồng chí Phạm Hùng – Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì trở về, đồng chí Đỗ Quang Thắng – Bí thư Tỉnh ủy và Phó Ty Công an tỉnh Lâm Đồng Vũ Linh lập tức triển khai công tác. Theo lời kể của cố đại tá Vũ Linh, đồng chí Đỗ Quang Thắng nói: “Bộ chỉ huy trung ương Fulro đang nằm ngay trong lãnh địa của chúng ta. Chỉ thị của đồng chí Phạm Hùng đã vạch ra cho Lâm Đồng phải tính toán như thế nào để triệt phá cái trung ương ấy của chúng…” Vũ Linh đã hạ quyết tâm đánh án thành công trước người lãnh đạo cấp ủy trực tiếp của mình.
Ngay trong đêm hôm ấy, đại úy Nguyễn Văn Độ – Phó phòng bảo vệ chính trị (sau này là đại tá, giám đốc Công an Lâm Đồng) báo cáo cho đồng chí Vũ Linh một thông tin đặc biệt: “F1 (mật danh trinh sát nằm vùng của ta) đưa tin khẩn, Nahria Ya Duck vừa liên lạc với một đường dây để xuất ngoại, thông qua mục sư Tri Lâm ở TP HCM. Cụ thể đường dây này như thế nào, tôi đã bố trí trinh sát tiếp tục theo dõi”. Với sự nhạy cảm và kinh nghiệm của một cán bộ tình báo lâu năm (Vũ Linh nguyên là đại đội trưởng điệp báo A2, được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cử vào nam hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ), Vũ Linh hình thành ngay ý tưởng: “Tốt lắm! Thời cơ đã đến. Sáng mai, tôi sẽ trao đổi tin này với đồng chí trưởng ty và các anh KĐ4 (Bộ Nội vụ) để bàn phương án. Không ngờ, đúng lúc này ta lại có đường để “dụ hùm ra khỏi hang”.
Chuyên án F101 đã được triển khai ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng làm Trưởng ban. Thượng tá Vũ Linh trực tiếp chiến đấu, là Phó ban Thường trực. Các đồng chí Lương Quyền, Cục trưởng KĐ4 (Bộ Nội Vụ) cùng 3 đồng chí cấp phó: Đức Minh, Văn Bá Đạt, Nguyễn Phước Tân và đại tá Trần Đức Hoài – Trưởng Ty Công an Lâm Đồng thời kỳ đó làm phó ban. Thành viên ban chuyên án là thượng úy Nguyễn Văn Độ, thượng úy Phan Văn Thái (Phó phòng Bảo vệ chính trị, sau này là đại tá – Trưởng Công an huyện Đức Trọng) cùng thiếu tá Trịnh Lương Hy – Trưởng Công an huyện Đơn Dương (sau này là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an). Nhiệm vụ của Ban chuyên án là phải đánh tan quân khu 4 – quân khu mạnh nhất của Fulro mà con át chủ bài là Nahria Ya Duck, ngăn chặn việc chúng tiến hành lập Fulro vùng 5, góp phần cùng công an các tỉnh Đăk Lăk – Đăk Nông, Gia Lai – Kon Tum, Sông Bé, Đồng Nai… phá toàn bộ hệ thống “Trung ương Fulro”, giải quyết cơ bản tổ chức phản động này…
Như đã nói về nguồn tin của F1, qua một cô gái người Kinh tên là Thu Phương, làm y tá tại xã N’Thol Hạ (Đức Trọng), nhóm Ya Duck đang tìm đường để ra nước ngoài trong một “chương trình” mang tên “Xuduvicaon” (xuất dương vì cao nguyên). Phương tìm được một mục sư tên là Tri Lâm, đại diện một tổ chức từ thiện quốc tế (thực ra là một kẻ mạo danh, ông mục sư này đã xuất ngoại trước đó), sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm Fulro ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo, trang bị để sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên”. Phương sốt sắng, hứa hẹn với thầy trò Ya Duck qua tên “trung tá” To Na – liên lạc đặc biệt của Ya Duck. Dù rất khát khao xuất dương, nhưng còn nhiều nghi vấn, Ya Duck đã cử hai sĩ quan cận vệ của mình là “đại úy” Ha Póh và “thiếu tá” Ya Theng tìm mọi cách bám theo Phương để liên lạc trực tiếp với mục sư Lâm nhằm bảo đảm một đường dây xuất ngoại chắc chắn và tránh bị Phương lừa gạt. Chỉ đạo này của Ya Duck đã được ta nắm hết. Kế hoạch bắt giữ Thu Phương và hai tên Ha Póh, Ya Theng được tính đến. Đây là khâu đột phá, là mắt xích của chuyên án. Cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Công an, Công an Lâm Đồng đã vào cuộc thực hiện chuyên án “Cao nguyên F101” sau khi nắm chắc kế hoạch của Nahria Ya Duck và “Trung ương Fulro”…
Giăng bẫy
Chúng ta đã đón lõng và bắt giữ Thu Phương, Ha Póh và Ya Theng, cũng như làm rõ nhân thân của “mục sư Tri Lâm”. Sau khi bị bắt, nhận thấy việc làm của mình là sai trái, Phương ân hận và mong muốn được lấy công chuộc tội. Sau đó, cô đã hợp tác với công an một cách nhiệt tình trong vai một “con thoi” liên lạc giả tạo giữa Ya Duck và Tri Lâm. Từ những thông tin mà Ha Póh, Ya Theng và Phương khai báo, cùng với những nguồn tin khác, Ban chỉ đạo chuyên án quyết định đặt cho “tổ chức từ thiện quốc tế” mà mục sư Tri Lâm (giả) nằm trong đường dây đang hấp dẫn Ya Duck và đồng bọn một cái tên khá Tây: Tổ chức từ thiện Caritas. Các cán bộ công an gồm Lâm Văn Thạnh (thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng bảo vệ chính trị, sau là liệt sĩ, Anh hùng LLVTND), Nguyễn Ngọc Diêu (thiếu úy, sau là liệt sĩ), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là thượng sĩ, cán bộ Phòng hậu cần), Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của Vũ Linh) và đồng chí Nguyễn Văn Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) được huấn luyện để tham gia chuyên án.
Cho đến một ngày, Ya Duck nhận được tin: Tổng thư ký của tổ chức từ thiện Caritas đã đến Việt Nam và nôn nóng “đón ngài Đệ nhất Phó thủ tướng cùng các chiến binh Fulro qua Hoa Kỳ”. Sau nhiều cuộc thương thảo mà Thu Phương là liên lạc, thiếu úy Lâm Văn Thạnh nhập vai Nguyễn Văn Bình (Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas”, thiếu úy Nguyễn Duy Hưng là người lái xe chở Ba Bình đến điểm hẹn để đón “chuyến hàng” đầu tiên, “chuyến hàng” mang tính quyết định. Toàn Ban chuyên án, lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Cụm An ninh Tây Nguyên và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng hồi hộp đến khó tả khi cầm bản danh sách 10 người theo Fulro sẽ “trở về” trong “chuyến hàng” đầu tiên này có “Đệ nhất Phó thủ tướng” Nahria Ya Duck, “trung tá” Lơ Mu Yem – “tổng trưởng ngoại giao”, cùng hai “trung tá”, hai “thiếu tá” và bốn cấp “úy”. Đúng 4 giờ 30 ngày 13/8/1980, bên kia sông Tùng Nghĩa (Đức Trọng), một đoàn người gồm 60 Fulro đang hộ tống Ya Duck cùng 9 người khác lội qua sông, giữ đúng giao ước với Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) và lên chiếc Microbus Desoto biển số 52… bên hông treo dòng chữ “Đoàn khách Campuchia tham quan” thẳng tiến về hướng TP.HCM.
8 giờ sáng 13/8/1980, chiếc xe chở Ya Duck và đồng bọn đến vị trí ta chờ. Một chiếc ôtô khác “hộ tống” phía sau, bất ngờ vượt lên, chia lực lượng ra hai xe và thay biển số xe rồi đưa “khách” về thẳng một biệt thự trên đường Trần Bình Trọng – Đà Lạt. Nahria Ya Duck không ngờ, “Tổ chức từ thiện Caritas” mà ông ta và cả bộ máy “Trung ương Fulro” gửi gắm kỳ vọng cho những chuyến “xuất dương vì cao nguyên” lại chính là những cán bộ chiến sỹ an ninh trong một chuyên án bí mật, mà mục tiêu đầu tiên “dụ Hùm Xám rời hang” đã thành công. Sau một quá trình đấu tranh, sự “cải tà quy chính” và hợp tác của Nahria Ya Duck và những người khác trong bộ máy “Trung ương Fulro” đã giúp chúng ta thực hiện thành công chuyên án F101, đập tan đầu não, dẫn đến rã ngũ và xóa sổ tổ chức Fulro trên địa bàn Lâm Đồng và cả Tây Nguyên trong những năm sau đó…
Chuyên án này có tám chuyến đi đón các “vị lãnh đạo cao cấp” của Fulro như thế, tại các địa điểm khác nhau. Cố đại tá Vũ Linh từng kể, phía sau mỗi chuyến xe chở “hàng”, bao giờ cũng có một chiếc ôtô khác do anh Phi chở ông chạy sau đề phòng bất trắc nhằm xử lý kịp thời tình huống xấu xảy ra. Phía sau nữa, lại có một chiếc ôtô lớn ngụy trang như xe chở khách, luôn giữ khoảng cách nhất định với hai xe phía trước để làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết. Người cựu chỉ huy ban chuyên án trầm ngâm: “Thật đau lòng, có những chuyến xe, chúng tôi phải đón thi hài của các liệt sỹ Lâm Văn Thạnh và Nguyễn Ngọc Diêu vì các đồng chí thân yêu của chúng ta bị bọn quá khích trong Fulro sát hại…”
Uông Thái Biểu