FLC hãy tha cho Gia Lai!
Dự án sân golf Đak Đoa được UBND tỉnh Gia Lai quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 16/11/2018. Dự án được thực hiện tại địa phận xã Glar và xã Tân Bình, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa.
Dự án sân golf Đak Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 174,01ha đất rừng (trong đó có 155,93ha đất rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000,9m3), làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế môi trường và xã hội.
Ngày 17/12, một đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết vừa có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án thể thao tại huyện Đak Đoa.
Trước đó, cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đak Đoa. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng tờ trình của UBND tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo nên chưa đủ cơ sở để thẩm định hồ sơ dự án.
Theo cơ quan này, khi dự án sân golf được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 174ha đất rừng, trong đó gần 156ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000m3. Đặc biệt, dự án sẽ làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
“Việc Gia Lai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để xây dựng sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội” – vị đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.
Trước đó, thông tin được chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) công bố cho biết quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng tại thị trấn Đak Đoa (xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 500ha.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính – phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có bao nhiêu sân golf trong quy hoạch không quan trọng, vấn đề phải tính toán, dự báo được nhu cầu chơi golf của người dân, du khách nước ngoài để tránh tình trạng làm sân golf không vì mục đích kinh doanh golf.
“Thực tế trong xã hội chỉ có số ít người dân đủ điều kiện chơi golf, khách du lịch cũng chỉ có một nhóm có nhu cầu chơi golf. Vì vậy, việc cấp phép đầu tư, xây dựng sân golf ở các địa phương thời gian tới phải gắn với các khu du lịch, các điểm du lịch”, ông Đính nói. Đồng thời cho rằng cần định hướng để quy hoạch sân golf phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Theo đó, việc phê duyệt xây dựng sân golf phải gắn với định hướng phát triển các khu du lịch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, chứ không thể chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. “Việc phát triển sân golf luôn cần quỹ đất lớn từ vài trăm hecta trở lên, vì vậy phải tính toán để phát triển sân golf hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, lấn rừng, hoặc đất sản xuất của người dân địa phương”, ông Đính khuyến nghị.
FLC quá mạnh, “đế quốc” của họ kéo dài theo bờ biển, lấn cả khu phòng thủ quân sự và hôm nay “vượt mặt” cả Nghị định Chính phủ lấy đất rừng làm sân golf
Tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trong đó quy định diện tích xây dựng sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ không quá 90ha, bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf; diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha cho sân golf quy mô 54 lỗ golf.
Cũng theo nghị định này, các loại đất không được sử dụng làm sân golf gồm: đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng khu – cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích… Không sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế.
Hoàng Linh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả