Fitch Ratings dự báo Việt Nam sẽ bức tốc bất chấp đại dịch và khủng hoảng

Bảo Trâm 29/03/2022 08:15

Mới đây, tổ chức xếp hạng Fitch Ratings vừa công bố thông tin xác nhận xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Việt Nam. Qua đó phân tích, đưa ra nhận định triển vọng trung hạn của Việt Nam sẽ vô cùng tốt bất chấp đại dịch COVID-19 và tác động kinh tế từ căng thẳng Nga – Ukraine cũng như nhờ nhiều chỉ số tốt hơn so với các nước cùng xếp hạng.

Theo đó, tổ chức xếp hạng Fitch Ratings vừa công bố thông tin xác nhận xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Việt Nam ở mức ‘BB’ với triển vọng tích cực.

Xếp hạng này hiện vẫn đang chịu hạn chế bởi rủi ro liên quan đến nhóm doanh nghiệp nhà nước (SOE) cũng như những yếu điểm cấu trúc trong ngành ngân hàng.

Về triển vọng kinh tế trung hạn, Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhanh lên mức 6,1% trong năm 2022 và 6,3% trong năm 2023 từ mức 2,6% của năm 2021. Kinh tế Việt Nam sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi sự hồi phục của nhu cầu nội địa, xuất khẩu tăng cao và dòng vốn FDI vào mạnh, đặc biệt ngành sản xuất.

Kinh tế Việt Nam từng suy giảm 6% so với cùng kỳ trong quý 3/2021 bởi các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19. Hoạt động kinh tế được nối lại trong quý 4/2021 khi mà các chính sách được điều chỉnh để thích ứng hơn với tình hình mới của dịch COVID-19, thực tế này có được là nhờ tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, gần như toàn bộ người trưởng thành ở Việt Nam giờ đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19.

Theo Fitch, rủi ro với triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn còn, trong đó phải kể đến tác động kinh tế từ căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt lên Nga, các cú sốc liên quan đến đại dịch COVID-19 và chi phí giá hàng hóa cao. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khi mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm xuống 3,5% trong năm 2022 từ mức 4,2% theo dự báo trước đó.

Fitch Ratings phân tích Việt Nam dễ hứng chịu các cú sốc bên ngoài. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn chịu ảnh hưởng từ sự dịch chuyển của nhu cầu bên ngoài do độ mở lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên Fitch Ratings cho rằng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong trung hạn bởi hưởng lợi từ lợi thế chi phí của Việt Nam, hoạt động điều hướng thương mại khỏi Trung Quốc cũng như việc thực thi các hiệp định thương mại quan trọng.

Dòng vốn FDI liên quan đến xuất khẩu không hề suy yếu bất chấp những gián đoạn về nguồn cung trong quý 3/2021. Đầu tư vào nội địa Việt Nam vẫn mạnh trong năm 2021 ở mức 19,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với con số 20 tỷ USD của năm 2020.

Fitch Ratings đồng thời dự báo về khả năng du lịch sẽ phục hồi trong năm 2022 dù rằng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn còn.

Theo cơ sở dữ liệu và thông tin mà Fitch Ratings có được, Việt Nam sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2022 và 2023 từ mức thâm hụt 1% trong năm 2021.

Fitch Ratings dự báo dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng lên khi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bình ổn tỷ giá tiền đồng. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục 109,4 tỷ USD vào cuối năm 2021, được hỗ trợ quan trọng bởi dòng vốn FDI vào mạnh.

Fitch cho rằng tỷ giá tiền đồng sẽ tăng lên trong năm 2022, đúng với dự báo về thặng dư tài khoản vãng lai dù rằng Fitch khẳng định SBV sẽ can thiệp trong trường hợp biến động tiền tệ lên mạnh hoặc tiền đồng đương đầu với áp lực lên giá mạnh. Dự trữ ngoại tệ lớn của Việt Nam giúp Việt Nam có “tấm chắn” quan trọng trước những cú sốc và đồng thời hỗ trợ cho tỷ lệ thanh khoản cao.

Gói kích thích tài khóa mới được thông qua giải ngân trong giai đoạn năm 2022-2023 tương đương khoảng 4% GDP năm 2021 sẽ dẫn đến thâm hụt tài khóa 4,8% trong năm 2022 và 4,2% GDP trong năm 2023. Gói này có bao gồm các biện pháp như giảm thuế hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm cũng như tăng cường năng lực cho hệ thống y tế.

Nợ chính phủ của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn so với nhiều nước cùng xếp hạng, Fitch chỉ ra. Theo Fitch, so với các nước có cùng xếp hạng ‘BB’ đại dịch COVID-19 đã tạo ra ảnh hưởng nhỏ hơn lên tình hình tài chính công. Fitch dự báo tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ tăng lên mức 42% trong năm 2023 từ mức 39,7% trong năm 2021, dựa trên số liệu GDP điều chỉnh. Con số này thấp hơn so với mức trung bình của nhóm nước cùng xếp hạng ‘BB’ là 54,5% GDP trong năm 2022 và 55,3% trong năm 2023.

Thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số phát triển của con người của Việt Nam thấp hơn so với nhóm nước có cùng xếp hạng tín nhiệm. Fitch ước tính thu nhập bình quân đầu người ở mức khoảng 3.685 USD ở thời điểm cuối năm 2021 trong khi đó mức trung bình của nhóm nước xếp hạng ‘BB” là 5.261 USD.

Việt Nam đứng thứ 38 trong bảng chỉ số phát triển con người của UN, trong khi đó mức trung bình của nhóm nước xếp hạng ‘BB’ là 50. Trong xếp hạng quản trị chính phủ của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 43 còn mức trung bình của nhóm nước ‘BB’ là 46.

Bảo Trâm (Theo Fitch Ratings)

Đọc nhiều