FED hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm

01/08/2019 06:58

Chiều 31/7 theo giờ Washington (rạng sáng 1/8 giờ Hà Nội), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm qua. 

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở thủ đô Washington D.C.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED. Theo đó, FED quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% hiện nay xuống biên độ 2-2,25%.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất đồng USD kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008. Lần gần đây nhất FED giảm lãi suất là vào năm 2008, thời điểm ngân hàng này hạ lãi suất về “mức tượng trưng” 0,25% để hỗ trợ kinh tế Mỹ giữa tâm bão khủng hoảng tài chính.

Sau cuộc họp, FOMC ra tuyên bố nêu rõ: “Trước những tác động của triển vọng kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát, ủy ban đã quyết định hạ lãi suất”. Ngân hàng này đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục “bám sát tình hình” kinh tế trong thời gian tới và “hành động một cách phù hợp” nhằm đảm bảo nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng về dài hạn.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hai ngày họp của FOMC, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng giảm lãi suất đồng USD là bước đi cần thiết để Mỹ ứng phó với các bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay, trong đó có rủi ro từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, ông Jerome Powell khẳng định động thái này sẽ không báo hiệu “một chu kỳ” cắt giảm lãi suất kéo dài.

Hạ lãi suất đồng USD là biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của FED nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Song quyết định trên của FED cũng khiến không ít người ngạc nhiên, bởi các số liệu thống kê đều cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi tốt và sức khỏe của nền kinh tế số một thế giới là rất lạc quan.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của FED dường như đã nhận thấy những tín hiệu đảo chiều tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian gần đây, và đó là lý do để ngân hàng này hạ lãi suất.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/7, nền kinh tế Mỹ trong quý II vừa qua đã tăng trưởng chậm lại do hoạt động sản xuất và xuất khẩu đều sụt giảm. Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% của quý I/2019 xuống 2,1% trong quý II/2019.

Trong báo cáo trên, giới chức Mỹ cũng đã giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2019 xuống 2,5%, giảm đáng kể so với tuyên bố trước đó của Tổng thống Donald Trump là đặt mục tiêu tăng trưởng 3%.

FED cho rằng một đợt cắt giảm lãi suất được ví là “cắt bảo hiểm”, sau 4 lần tăng liên tiếp hồi năm ngoái, có lẽ là bước đi cần thiết để giảm thiểu các rủi ro suy thoái, vốn đang xuất hiện ngày càng rõ kể từ khi Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Có những dấu hiệu cho thấy các cuộc chiến thương mại bắt đầu tác động đến kinh tế Mỹ và giá cổ phiếu giảm mạnh. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu cũng đang có những dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm tốc ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell trong cuộc họp báo tại Washington DC., ngày 19/6/2019.

Một số nhà kinh tế cho rằng với tình trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước hệ quả không đoán định được khi Anh rời EU tác động bất lợi tới niềm tin của giới doanh nghiệp Mỹ và nợ doanh nghiệp gia tăng, Mỹ cần phải cắt giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại.

Ông Drew Matus, người phụ trách chiến lược thị trường và kinh tế toàn cầu của MetLife Investment Management, cho rằng FED đang nỗ lực trấn an thị trường nên không thể không cắt giảm lãi suất như đã “đánh tiếng” trước đó.

Thông tin FED điều chỉnh lãi suất ảnh hưởng mạnh tới thị trường Mỹ và toàn cầu những ngày qua. Trong phiên giao dịch ngày 31/7, giá dầu châu Á đảo chiều tăng lên trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng FED nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế số 1 thế giới này.

Việc FED hạ lãi suất đồng USD sẽ tiếp thêm lực đẩy cho giá vàng. Trong phiên giao dịch ngày 30/7 (theo giờ New York), giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.417,72 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn “đi ngang” ở mức 1.419,30 USD/ounce.

Hầu hết các thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 31/7 ngay sau khi FED công bố quyết định trên. Tại sàn giao dịch New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất gần 290 điểm (tương đương 1,07%); Chỉ số Nasdaq 100 giảm 105 điểm (1,35%); S&P 500 giảm 1,1%. Trong khi đó, đồng Euro cũng giảm giá 0,42% song với đồng đôla Mỹ.

Trong khi đó, theo đánh giá của nhà kinh tế Roberto Perli thuộc tổ chức Cornerstone Macro, nếu tình hình kinh tế Mỹ không “xấu đi đáng kể” thì việc FED cắt giảm lãi suất tại cuộc họp lần này sẽ không phải là động thái đánh dấu một chu kỳ cắt giảm lãi suất liên tục.

(Theo Tin Tức)

Đọc nhiều