Fan K-pop ở Mỹ không chỉ đơn thuần là Fan
Từ lâu nay, K-pop fan vẫn được biết đến là nhóm người hâm mộ cuồng thần tượng, hoạt động mạnh và có tổ chức rõ ràng. Không chỉ ở Hàn Quốc – cái nôi sản xuất ra công nghiệp giải trí với các Idol Hàn, mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Với một số lượng đông đảo, có quy mô tổ chức và nhiệt thành như vậy, fan k-pop dần không chỉ ở trong vị trí người hâm mộ mà đã chuyển mình thành một tổ chức có tính chính trị. Ở Mỹ, điều này càng thuận lợi để diễn ra một cách hợp pháp khiến các nhà tư bản khá “đau đầu”.
Fan K-pop ở Mỹ “cuồng” như thế nào?
Chắc hẳn bạn có thể từng nghe, từng chứng kiến hoặc chưa, tuy nhiên danh tiếng của Fan k-pop ai cũng hiểu họ có sức mạnh và cuồng nhiệt như thế nào. Fan có thể giúp đưa một nhóm nhạc lên đỉnh cao, nhưng chính những người là fan đó cũng có thể đạp đổ thần tượng xuống đáy vực. Bởi vậy những nhóm Fan khác cũng phải dè chừng và công nhận Fan K-pop điên cuồng đến như thế nào.
Như một chiến lược bài bản của Hàn Quốc, quốc gia này đã ủng hộ và hỗ trợ rất mạnh cho nền công nghiệp giải trí để đi đầu cho quảng bá quốc gia. Chỉ mới vài chục năm trước, khi kpop bắt đầu xuất hiện và trở thành trào lưu nổi tiếng khắp châu Á và lan sang cả khu vực Âu Mỹ, thì kpop vẫn là một điều gì đó còn mới mẻ và chưa được chào đón nồng nhiệt. Các thần tượng, nhóm nhạc Hàn Quốc như Girl’s Generation, BoA, Big Bang,… đã phải rất cố gắng để được biểu diễn tại các sân khấu nhỏ, cho ra nhiều bài hát phiên bản tiếng Anh để quảng bá danh tiếng tại xứ sở cờ hoa.
Nhưng chỉ 10 năm sau, thời điểm hiện tại kpop đã thành công ở cả những thị trường âm nhạc khó tính như Mỹ. Mỹ là một quốc gia vốn chủ yếu tiếp nhận âm nhạc Anh ngữ và ủng hộ, khuyến khích các nghệ sĩ trong nước. Nhờ những chiến lược thông minh, đón đầu của các ông lớn trong ngành giải trí cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, k-pop đã phát triển rất mạnh tại Mỹ với những cộng đồng fanclub có quy mô lớn.
Nhóm BTS là một điển hình cho sự thành công tại Mỹ. Đa số các lượt xem trên Youtube của BTS không phải đến từ Hàn Quốc mà đến từ các nước khác, đứng đầu là Mỹ với 590 triệu lượt xem. BTS cũng là nhóm nhạc Hàn Quốc vinh dự được biểu diễn tại Quảng trường thời đại với chương trình đón giao thừa lớn nhất tại Mỹ, được tôn vinh là “nhóm nhạc thời đại”, nhận giải thưởng cao quý tại lễ trao giải Grammy – lễ hội âm nhạc lớn nhất tại Mỹ.
Đi kèm với đó là số lượng người hâm mộ đông đảo và cuồng nhiệt sẵn sàng mua bất cứ album nào khi thần tượng ra mắt, bất cứ sản phẩm nào được idol quảng cáo, những sân khấu âm nhạc, những chương trình mà idol “khuấy động” đều có số lượng fan đông đảo dõi theo. Đúng như theo dự đoán của nhiều người, BTS hay các nhóm nhạc Hàn Quốc đã tạo ra những tín đồ trung thành và tập hợp được một số đông đáng kể để có thể gây ảnh hưởng lớn trên cộng đồng nước Mỹ. Và một ngày không xa, cũng không bất ngờ lắm khi thấy BTS xuất hiện trong vị trí hội viên của Đảng cầm quyền Hàn Quốc.
Fan kpop lấn sân sang chính trị
Nước Mỹ và thế giới vừa trải qua một khoảng thời gian khó khăn, gần như trở nên bất lực trước dịch bệnh Covid-19, nước Mỹ nổi lên những vụ án gây chấn động dấy lên một lần nữa về vấn đề phân biệt chủng tộc không hồi kết. Khi Donald Trump sắp hết nhiệm kỳ, một cuộc bầu cử tổng thống mới sắp diễn ra, thì cộng đồng người hâm mộ k-pop lại tham gia vào cuộc đua chính trị rất hăng hái, tạo nên một đấu trường chính trị tại Mỹ trên mạng xã hội và cả hành động thực tế có động cơ đáng gờm. Đáng lưu ý, số lượng những fan kpop này không phải đến từ các nước khác mà đến từ chính nước Mỹ như một thách thức lớn mà đất nước này không thể chủ quan.
Ngày 20/6 vừa qua, cuộc mít tinh của tổng thống Donald Trump tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma đã gặp rắc rối lớn. Fan kpop đã tuyên bố kế hoạch “phá hoại” này là của họ khi đông đảo fan kpop đã đăng kí tham dự mít tinh rầm rộ nhưng không đến khiến cho số lượng người tham dự giảm đáng kể. Câu hỏi đặt ra, tại sao họ lại làm như vậy trong khi sự việc không động chạm đến thần tượng của họ? Lại xảy ra ở thời điểm nhạy cảm nhất của nước Mỹ.
Cũng trong thời gian này, những fan kpop đã sử dụng mạng xã hội như facebook, twitter, instagram, tiktok… nhiều đột biến, đến mức làm quá tải cảnh sát Dallas sử dụng ứng dụng truy tìm ra thông tin của nhóm người biểu tình phản đối chủ nghĩa tôn vinh người da trắng thượng đẳng. Vấn đề về phân biệt chủng tộc vốn đã rất nhạy cảm, chỉ một tình huống không may nổi lên cũng ngay lập tức trở thành một đề tài lớn cho việc phản đối, biểu tình quá khích tại nước Mỹ.
Nhưng fan kpop lại quá nhanh nhạy với việc này. Hòa chung trong không khí biểu tình, phản đối gay gắt của dòng người, fan BTS còn tuyên bố họ đã góp được 1 triệu đô cho phong trào “Mạng người da màu cũng quan trọng” – Black Lives Matter, và nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo dư luận.
Đối với một quốc gia, sự tự hào dân tộc và bảo vệ văn hóa của mình là rất quan trọng. Chưa bàn đến vấn đề chất lượng trong các sản phẩm giải trí, cao hơn nữa là nghệ thuật , một quốc gia tự tôn, hòa nhập mà vẫn coi trọng văn hóa nước nhà trên hết là điều cần thiết. Donald Trump đã có lần thẳng thừng chê bai bộ phim Parasite (Kí sinh trùng) của Hàn Quốc và cho rằng chúng ta (nước Mỹ) đang gặp vấn đề với thương mại Hàn Quốc, ông đồng thời đề cao những tác phẩm kinh điển xứng đáng thực thụ như “Cuốn theo chiều gió”.
Tất nhiên, các kpop fan không hề vui khi nghe những ý kiến này, điều mà họ quan trọng hơn hết là thần tượng của họ, thần tượng là hay nhất và đã yêu thì sẽ yêu hết sức, hết mình. Họ đa số là những người trẻ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, mạng xã hội, cập nhật tình hình và bắt trend rất nhanh. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi lại có nhiều thời gian để nghiên cứu qua mạng nên việc họ theo đuổi các vấn đề chính trị hay cùng chung sức cho một ý đồ nào đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra trên đất Mỹ.
Nguyên nhân nào cho những hiện tượng trên?
Nền công nghiệp giải trí đã mang lợi ích khổng lồ cho Hàn Quốc, không chỉ về lợi ích kinh tế mà đã quy tụ được số lượng đông đảo những người cuồng nhiệt và sẵn sàng vì thần tượng. Các sản phẩm của kpop ít thiên về thông điệp chính trị, tuy nhiên các thông điệp này khuyến khích con người được là chính mình, cái tôi của mỗi cá nhân, đứng về phía những người yếu thế, chịu bất hạnh, bất ổn trong cuộc sống, nó như một liều moocphin tiêm thẳng vào trong tâm lý của đông đảo những khán giả đang ở trong trạng thái đó. Họ trẻ, họ có cái tôi, có lòng tự trọng, có ước mơ nhưng cuộc sống áp lực và dễ gặp những vấn đề về tâm lý. Nên một cách vô tình, những thông điệp của họ lại bao gồm cả chính trị, đề cao quyền lực cá nhân và nhóm người yếu thế, tự ti, luôn muốn yêu bản thân và thể hiện cảm xúc bị đè nén.
Hàn Quốc luôn quan tâm sát sao đến vấn đề chính trị của Mỹ vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự kết nối giữa 2 quốc gia. Cho nên, họ vẫn luôn cảnh giác giữa phe phái chính trị của Mỹ.
Chúng ta từng thấy những buổi Fan Meeting đông đặc người hâm mộ cuồng nhiệt, những biển đỏ, biển xanh, biển vàng từ ánh đèn Light Stick, hay việc fan club cùng nhau góp tiền để mua điện thoại, mua nhà, mua quà tặng thần tượng. Điều đó cho thấy khả năng tổ chức theo nhóm của các “fansite” Hàn là rất tốt và rất có đường lối, kỷ luật.
Không phải tự nhiên mà hàng chục ngàn vé bán ra được tẩu tán trong vài phút, hay việc “cày view” để thêm lượt xem đứng đầu trong xếp hạng cho thần tượng, tôn vinh thần tượng như một vị thần… Tất cả các hoạt động này khi chuyển hướng sang tổ chức chính trị sẽ mang ảnh hưởng vô cùng lớn hơn cả đào tạo quân đội, vì lòng yêu và niềm tin là quá lớn, lại thêm mức độ cuồng và bạo hơn bất cứ đâu.
Nếu những thông điệp chính trị này chỉ dừng lại ở hành vi tích cực như một sự tuyên dương, tự hào cho thần tượng thì không quá đáng lo ngại. Nhưng khi họ tự cảm thấy sức mạnh và ảnh hưởng của mình là lớn và lạm dụng quyền lực sang cả chính trị lại là một vấn đề đáng lưu tâm tại nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Fan K-pop ở Mỹ không đơn thuần là fan hâm mộ, điều này khiến các chính trị gia Mỹ có vẻ không thích.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả