F0 điều trị tại nhà cần làm gì và không nên làm gì?
Ngày 14/8, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà. Vậy người nhiễm COVID-19 cần làm gì khi điều trị tại nhà?
Ngày 14/8, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Chương trình được bắt đầu triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ 16/8/2021, với 3 hoạt động chính:
1. Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng
2. Cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19
3. Cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Dưới đây là những gì bạn cần biết về cách chăm sóc F0 tại nhà.
Cách chăm sóc F0 tại nhà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM mới đây đã có những hướng dẫn cụ thể với các trường hợp F0 khi cách ly tại nhà. Cụ thể như sau:
a) Chuẩn bị cơ sở vật chất, vật dụng cần thiết Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc một khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng. Lấy số điện thoại của cơ sở Y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn và chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như sau:
+ Nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%).
+ Khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng.
+ Một số loại thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt, và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe đông tây y (multivitamin, vitamin C).
+ 1 bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ Y tế chuẩn bị cho bạn.
+ Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm.
b) Lưu thông không khí Mở cửa sổ để tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
c) Đeo khẩu trang đúng cách Thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trừ những lúc ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày. Cần khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
d) Khử khuẩn Thường xuyên khử khuẩn tay và các vật dụng và bề mặt tiếp xúc (mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…).
e) Theo dõi thân nhiệt Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
f) Ăn uống Cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.
g) Vận động Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
h) Xét nghiệm Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly.
i) Liên hệ ngay với bệnh viện nếu thấy dấu hiệu nặng, nguy hiểm Khi có một trong các dấu hiệu như sau, bạn cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức:
– Ho, đau họng
– Tiêu chảy
– Khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây)
Cách ly F0 tại nhà khi nào kết thúc? Theo Bộ Y tế, nếu có kết quả xét nghiệm ngày 14 âm tính, người bệnh được kết thúc cách ly điều trị. Tình huống kết quả xét nghiệm ngày 14 dương tính với giá trị CT≥30, người bệnh không có triệu chứng thì tiếp tục cách ly điều trị tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm mỗi 7 ngày, cho đến khi có kết quả âm tính.
Điều tránh làm trong quá trình phòng và điều trị Covid-19 Không hoảng loạn, không dự trữ thực phẩm, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú, không lan truyền thông tin bịa đặt… là những việc làm cần tránh.
Đối với người bệnh, cần tránh những việc làm sau vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây nguy hiểm:
– Hút thuốc.
– Tự mua thuốc kháng sinh.
– Đeo nhiều lớp khẩu trang quá mức.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho kéo dài, khó thở, mệt mỏi, hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Trà My