F0 có dấu hiệu bệnh nặng chưa tới được bệnh viện: Chuyên gia hướng dẫn 5 cách xử trí cấp cứu tại nhà rất quan trọng
Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 < 94% và chưa tới được cơ sở y tế, tham khảo với bác sĩ và hướng dẫn sau.
XỬ TRÍ CẤP CỨU TẠI NHÀ KHI CHỜ CẤP CỨU:
Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 < 94% và chưa tới được cơ sở y tế, tham khảo với bác sĩ và hướng dẫn sau.
1. Thở oxy kính mũi (2-6l/ph) hoặc mask (5-10ph) với lượng tối thiểu sao cho SpO2 tăng trên 92%. Liên lạc với bác sĩ để chuyển viện. Lưu ý, không bao giờ cho thở oxy mask dưới 5 l/ph hoặc bệnh nhân bị nôn/sặc.
Cách lắp bình oxy tại nhà, theo dõi qua video này:
2. Liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc steroid, bất cứ loại nào dưới đây (5-10 ngày) và có thể dừng khi không cần thở oxy nữa. Liều người lớn:
Dexamethasone 6 mg x 1 lần/ngày ; hoặc
Methylprednisolone 16mg x 2 lần/ngày; hoặc
Prednisolone 40 mg x 1 lần/ngày ; hoặc
Hydrocortisone 50 mg x 3 lần/ngày hoặc 100mg x 2 lần/ngày.
Tất cả steroid đều thận trọng với người có tiền sử loét dạ dày, có thể gây xuất huyết dạ dày, giữ nước gây phù, cao huyết áp. Phải uống thuốc sau ăn, tốt nhất sau ăn sáng. Nếu bệnh nhân bị tiểu đường, không tự dùng steroids ở nhà. Nếu tự uống thì đường huyết sẽ tăng cao, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, hãy báo với bác sĩ.
3. Nằm sấp để tăng quá trình trao đổi oxy ở phổi, giúp dễ thở hơn.
4. Nếu bệnh nhân cao huyết áp thì cho bệnh nhân uống 1 viên hạ áp trước khi chuyển tới bệnh viện (Nifedipin 20mg).
5. Liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc chống đông đường uống hoặc tiêm.
LƯU Ý: Không tự ý dùng thuốc Steroid, thuốc chống đông, kháng sinh, kháng vi rút. Các thuốc này cần được dùng đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách. Nếu không, thuốc sẽ có hại hơn là có lợi. Ví dụ:
Uống thuốc steroid ở giai đoạn sớm của bệnh sẽ khiến cơ thể không chống lại được sự nhân lên của virus. Chỉ uống khi cơ thể phản ứng quá mức với sự nhân lên của virus. Đồng thời, thuốc steroid có thể gây chảy máu dạ dày ở người bị loét dạ dày, tăng đường huyết bất thường ở người tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà có thể gây tác dụng phụ với cơ thể, khiến cơ thể không đủ khỏe mạnh để chống lại virus. Chỉ sử dụng kháng sinh khi bị nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc chống đông cần sử dụng rất thận trọng, với sự giám sát của bác sỹ, vì có thể gây chảy máu bên trong cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng.
Khai Tâm