EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng, có chấp nhận được?

Thu An 21/09/2022 06:01

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 với kết quả lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng. Đây là kết quả gây bất ngờ, bởi các năm gần đây EVN chưa từng thua lỗ, thậm chí lợi nhuận còn liên tục tăng giai đoạn 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, nếu EVN… không lỗ mới là điều đáng bàn.

Công nhân điện lực sửa chữa trên đường dây trong mùa nắng nóng. Ảnh: EVN

Năm nay từ xung đột Nga – Ukraine và tình hình biến động địa chính trị thế giới đã khiến giá nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện như than, khí… tăng thẳng đứng. Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước, lên gần 200-220 USD/tấn. Giá khí đốt hóa lỏng (LNG) cũng tăng gấp ba, lên 18-20 USD/mmBtu. Điều tương tự cũng xảy ra với giá thép, vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện. Các yếu tố này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào (đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh), trong khi giá bán đầu ra 3 năm nay chưa được điều chỉnh.

Cần nhấn mạnh một lần nữa, 2022 là năm thứ 3 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên dù giá nhiên liệu đầu vào cho phát điện tăng rất cao. Nếu lấy mốc tăng giá điện gần nhất vào tháng 3/2019 thì giá than bình quân lúc đó chỉ rơi vào khoảng 75-85 USD/tấn. Trong khi vào trong 8 tháng đầu năm 2022, giá than nhập khẩu bình quân lên tới trên 300 USD/tấn. Theo Reuters, giá than nhiệt điện Australia (đối tượng xuất khẩu than chính cho Việt Nam) chào bán cuối tháng 8 vẫn duy trì trên 400 USD/tấn, cao gấp 170% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 770% năm 2020.

Thậm chí, để bình ổn giá ở mức hiện tại, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã phải hỗ trợ mức phí thấp bằng 1/2 giá than thế giới. Nói vậy để thấy rằng, con số hơn 16.000 tỷ thua lỗ của EVN đã được các ngành khác chung tay gánh bớt, nếu để thả nổi tự bơi thì không biết còn lớn đến mức nào! Và tất nhiên, thời điểm này chúng ta không còn ngồi bàn về việc thua lỗ, mà là bài toán làm cách nào giảm giá tiền điện tăng vọt!

Thực tế, không riêng Việt Nam đang chịu những áp lực đầu vào sản xuất, kinh doanh điện. Soi chiếu với các nước bạn trong khu vực, ngay trong tháng 8, Thái Lan thông báo tăng giá điện tới 18% trong 3 tháng cuối năm, Indonesia tăng giá 19%, Philippines tăng giá lên tới 20%, khiến giá điện của quốc gia này cao gấp 2-2,5 lần giá điện Việt Nam.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 4, cơ quan quản lý của Singapore đã quyết định tăng 30% giá bán lẻ điện so với mức giá 26 cent/kWh hiện nay. Cuối tháng 8, giá điện tại Pháp lên tới 1100 euro/MWh, còn ở Đức lên tới 995 euro/MWh… Theo đánh giá của France24 thì mức giá trên cao cấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo tăng giá điện và khí đốt lên gấp đôi vào 1/10/2022 vì nhu cầu mùa đông tăng đột biến và khan hiếm nhiên liệu. Cần nói rằng, các quốc gia trên sở hữu nguồn điện hạt nhân rẻ, ổn định và dồi dào, vậy mà họ còn không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Dù sao, EVN đến nay cũng đã giữ được lời hứa “không tăng giá điện” với Chính phủ, một điều có thể xem là kỳ tích. Và ngay tại thời điểm này, Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN-6 cam kết không tăng giá điện trong năm 2022. Nếu sòng phẳng thêm về vai trò của EVN là “tấm đệm giảm sốc” và đảm bảo an ninh quốc gia thì rõ ràng, những gì mà ngành điện đang làm được cần phải được ghi nhận.

Thu An

Đọc nhiều