419
category
406107

EVN cần đảm bảo tính minh bạch trong việc thu giá điện

sông trà 01/07/2020 18:21

Điều quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm tính thuận tiện, minh bạch để người dân dù có đóng tiền cao, cũng không bức xúc như hiện nay.

Mới đây, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định từ 1/7, sẽ đảm bảo hạn chế tối đa sai sót như ghi chỉ số tiêu thụ điện tăng đột biến hoặc tình trạng hóa đơn lặp lại nhiều lần.

“Sự đảm bảo” trên được phát đi trong bối cảnh câu chuyện hóa đơn tiền điện bị ghi nhầm, tăng tới vài chục lần và diễn ra ở nhiều địa phương. Việc ghi nằm chỉ xảy ra ở chiều tăng mà không nhầm ở chiều giảm đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận vừa qua.

Hóa đơn tiền điện của một hộ dân lên đến gần 90 triệu khiến ai cũng phải ái ngại

Sai sót lạ?

Khách quan mà nói, nhiều năm qua, ngành điện có nhiều cố gắng để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là triển khai hệ thống công tơ điện tử, giúp thu thập chỉ số tiêu thụ điện một cách tự động và thực hiện từ xa để tránh can thiệp, tiếp xúc của con người.

Nhưng, khi mà hàng tháng tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí vài chục lần…thì “đến hẹn dân kêu”, ấm ức chưa dứt, khách hàng giật mình âu cũng là điều dễ hiểu.

 Chẳng hạn: Một hộ nghèo ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nhà có 3 nhân khẩu, nhận hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến gần 90 triệu đồng (tương đương xài 27.000 kWh điện) trong khi thực xài chỉ 200 kWh với số tiền 368.335 đồng.

Một hộ dân ở Hà Tĩnh trong khi tháng 5, gia đình thanh toán 71.000 đồng thì sang tháng 6 nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 13,5 triệu đồng. Hay có hộ dân ở huyện Quế Phong (Nghệ An) nhận được hóa đơn tiền điện lên đến 16 triệu đồng trong khi thực xài chỉ 501.000 đồng (cao gấp 32 lần so thực tế tiêu thụ)..v..v.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam: “Chúng tôi đã lập tức tổ chức kiểm tra, làm rõ và xác minh từng vấn đề cụ thể ở từng trường hợp một. Qua xác minh thì thấy, những trường hợp tăng đột biến hoá đơn tiền điện là do lỗi của các cá nhân trong ngành điện thực hiện các nhiệm vụ này trên địa bàn”.

Tức là, EVN khẳng định, một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là “những sai sót cá nhân”, và hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu EVN phải làm rõ với tinh thần phải bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Chỉ đạo rất kịp thời của người đứng đầu Chính phủ nhằm giải tỏa bức xúc của nhân dân, khi cái nóng đang hoành hành.

Ngay lập tức, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và các Công ty điện lực thiết lập các nấc kiểm tra, kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu chỉ số công tơ, lập hoá đơn tiền điện, phúc tra và công tác dịch vụ khách hàng, từ đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ nhân viên. Quy định này đã được ban hành ngày 29/6 và thực hiện ngay từ 1/7/2020.

Một vấn đề mà dư luận thấy ở đây đó là: Ngành điện đã tìm ra đủ mọi lý do để giải thích cho việc tăng số điện tiêu thụ, có một sự nhầm lẫn… nhưng không giải thích được sao lại “nhầm tăng mà không phải là nhầm giảm?” Sao lạ vậy?

Và EVN sẽ giải thích như thế nào nếu tới đây các hộ gia đình và báo chí sẽ tiếp tục phát hiện ra những khoản thu “hố” trong các hóa đơn tiền điện?

EVN cần chuẩn bị cho “cuộc chiến” lâu dài

Chúng ta đã chứng kiến một đợt nóng kéo dài nhất trong lịch sử 27 năm qua. Sự tăng trưởng mạnh của nền nhiệt như vậy đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về tiêu dùng điện của người dân trên cả nước.

Trước đó, một nghiên cứu của Giáo sư David Dapice, một chuyên gia có nhiều năm theo dõi Việt Nam, cho biết, Việt Nam đã tăng mạnh sản lượng điện từ năm 2000 và điện đã được cung cấp đến hầu hết các thôn bản. Mức tiêu thụ hiện của Việt Nam vượt quá 2.000 kwh trên đầu người, cao hơn Ấn Độ và Indonesia và gần bằng Thái Lan – tất cả đều giàu có hơn Việt Nam.

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nhu cầu điện là 12%, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á tương đương nào khác và được dự đoán là 8-9% hàng năm đến năm 2030 – nhanh hơn nhiều so với khả năng tăng trưởng GDP. Việt Nam cần tăng gấp đôi lượng điện để sản xuất cùng một lượng GDP, mà nói tóm lại, Việt Nam sử dụng điện “quá kém hiệu quả” do giá điện thấp.

Trong khi đó, theo báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN – nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.

Nói như vậy để thấy, ngành điện đã có cải cách rất mạnh mẽ và vượt trội trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện nếu không muốn suốt ngày dân kiện và phản đối vì cái công tơ điện, nhất là khi EVN hiện vẫn độc quyền về truyền tải và phân phối điện.

Dẫu vậy, người dân rất băn khoăn về cách tính giá điện hiện nay của ngành điện. Một số ý kiến người dân cho rằng, giá đầu vào của ngành điện không có quá nhiều nấc nhưng giá bán ra lại có nhiều mức khác nhau theo lượng điện tiêu thụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng không hài lòng và nghi ngờ về việc dễ phát sinh tiêu cực vậy.

Cùng đó, sự nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện tử cũng như cách thức tính giá điện bậc thang một lần nữa tiếp tục được dư luận nêu ra, được các chuyên gia và người trong ngành đặt ra một cách nghiêm túc.

Nhiều ý kiến trái chiều, quy trách nhiệm, đổ lỗi hay né tránh e rằng khó có thể thuyết phục khách hàng sử dụng điện, kể cả việc kỷ luật cán bộ trực tiếp và gián tiếp cũng không thể xóa bỏ nghi ngại hay truy tìm đúng nguyên nhân để khắc phục triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng tái diễn.

Nói cách khác, cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích thấu đáo và chỉ ra nguyên nhân để khắc phục cụ thể, khách quan, khoa học. Không chỉ đơn thuần là kiểm điểm trách nhiệm hay cách chức ai đó bởi ngay cả phần mềm “thông minh” nhưng thực tế “kém thông minh” do không có các cảnh báo bất thường trong khi con người đang quá lạm dụng và ỷ lại hết vào máy tính và phần mềm ứng dụng hay đổ lỗi do khách quan, do “chủ quan ghi nhầm, nhập nhầm”.

Theo đó, để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, vận hành nền kinh tế, cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân. EVN cần có những giải pháp nhằm cung ứng điện an toàn, ổn định như: Khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vừa góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, vừa tránh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến. Song song, cần thực hiện một loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đang chậm trễ hiện nay.

Dẫu sao đi nữa, câu chuyện giá điện là câu chuyện lâu dài. EVN nên chuẩn bị tư tưởng cho “cuộc chiến” lâu dài vì còn rất nhiều thách thức như nắng nóng, hạn hán, nhu cầu sinh hoạt – sản xuất.. còn chờ đợi EVN ở phía trước. Và EVN cũng nên nhớ, điều quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm tính thuận tiện, minh bạch để người dân dù có đóng tiền cao, cũng không bức xúc như hiện nay.

Những thiệt hại của dân, nếu mang lợi ích cho ngành điện thì cũng là vấn đề cần lên án, nhưng nếu thiệt hại của dân mà mang lợi ích cho nhóm nào đó trong ngành điện thì phải bị truy tố là lẽ thường.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều