EVFTA – để đừng chỉ là những giấc mơ

05/07/2019 11:34

Đến năm nay, phần lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã bắt đầu già đi, nhưng những giấc mơ vẫn bảy phần chỉ là mơ. Có những FTA, chúng ta đã từng chút từng chút nỗ lực “mở khóa” các ưu đãi thuế quan, nhưng nhiều năm rồi mới chỉ đạt mức 30-40%. 

Cuối cùng thì Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và cả Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA, tách ra từ EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được ký kết, ngày 30-6-2019. Con đường tới những giấc mơ thịnh vượng về kinh tế, thể chế, phát triển bền vững từ hiệp định có quy mô lớn nhất này của Việt Nam đã tiến thêm được một cột mốc quan trọng.

Còn thêm một bước phê chuẩn nữa là hiệp định này có hiệu lực. Nhưng để hiện thực hóa những giấc mơ lớn từ hiệp định thì phía trước còn là cả một chặng đường dài.

9fe95_11_600

EVFTA và những giấc mơ

Còn nhớ năm 2011, khi EU ngỏ ý cùng Việt Nam đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện, không ít ý kiến phía Việt Nam lưỡng lự. Nhiều lý do được đưa ra. Đầu tiên, EU lâu nay vẫn đang cho xuất khẩu của ta hưởng ưu đãi thuế quan GSP, một cơ chế đơn phương (tức là ta chả mất gì cho EU) và tiện lợi (với các mức thuế ưu đãi 0-5% cho hầu hết các dòng thuế). Êm đẹp và miễn phí như vậy, mắc gì ta lại đi đàm phán với EU, để phải đưa ra những lợi ích đánh đổi?

Thứ nữa, một thỏa thuận thế hệ mới đâu chỉ đòi hỏi ta mở cửa thị trường, nó còn có những yêu cầu can thiệp vào không gian chính sách và thể chế của ta. Cải cách kinh tế thì tốt rồi, nhưng ta có thể tự làm, mắc gì phải “trả tiền” để người khác ép ta làm thế này thế kia?…

Đến nay, khi FTA quy mô và tham vọng nhất của Việt Nam được chính thức được ký kết, câu trả lời đã không thể rõ ràng hơn: EVFTA mở ra cho ta con đường tới những giấc mơ lớn về phát triển thịnh vượng và bền vững cùng đối tác lớn EU.

EVFTA cũng lần đầu tiên mở cánh cửa để hàng hóa Việt Nam tiếp cận khu vực khách hàng cực kỳ lớn (đôi khi chiếm tới 20-35% tổng cầu) khi được tham gia các gói thầu của nhiều đơn vị mua sắm công ở cả cấp EU, và các cấp trung ương, địa phương 28 nền kinh tế thành viên. Quan trọng hơn cả, đây là những cam kết ổn định vĩnh viễn và bình đẳng – hoàn toàn không phải phấp phỏng lo sợ lỡ một ngày nào đó trời không thật đẹp, EU tự nhiên rút lại ưu đãi như cơ chế GSP.

Kể cả ở chiều ngược lại, với EVFTA, doanh nghiệp cũng có quyền mơ về một giấc mơ khác. Giấc mơ cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhờ tiếp cận được những công nghệ nguồn, máy móc thiết bị hiện đại, các dịch vụ logistics, tài chính, bảo hiểm và dịch vụ thiết yếu khác phục vụ sản xuất từ EU với giá tốt nhất khi Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư từ EU. Và tất nhiên, cùng với đó là cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thậm chí xa hơn, vươn lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và lợi nhuận.

Một giấc mơ khác nữa cho không gian sinh tồn của các doanh nghiệp. Đó là giấc mơ về một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn, về một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh và an toàn hơn, về những chính sách nhân văn và bền vững hơn dưới tác động của các cam kết tiêu chuẩn cao trong EVFTA.

Không có các FTA như thế này, Chính phủ Việt Nam có thể vẫn sẽ làm những việc này, nhưng thiếu một động lực và sức ép quan trọng, cũng thiếu những tiêu chí chỉ đường, và đặc biệt thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật quan trọng từ đối tác lớn EU.

Và chuyện mở khóa những giấc mơ

Trước EVFTA, Việt Nam đã có 11 FTA, mà gần đây nhất phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mỗi lần ký kết, thực thi một FTA, Việt Nam lại có một hoặc một vài giấc mơ. Lớn nhỏ tùy FTA, nhưng đều có. Với hầu hết trong số đó, giấc mơ rõ ràng nhất là về những lợi ích xuất khẩu ở thị trường các đối tác.

Đến năm nay, phần lớn các FTA đã bắt đầu già đi, nhưng những giấc mơ vẫn bảy phần chỉ là mơ. Có những FTA, chúng ta đã từng chút từng chút nỗ lực “mở khóa” các ưu đãi thuế quan, nhưng nhiều năm rồi mới chỉ đạt mức 30-40%. Lại có những FTA ngay lúc bắt đầu tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan rất cao, lên tới 60-70%, chả hiểu sao vài năm sau lại giảm. Giống như việc tận dụng chỉ là một sự ăn may, chẳng phải do nỗ lực điều chỉnh sản xuất một cách hệ thống, do thiết lập được nguồn cung phù hợp hay tiếp cận nguồn khách hàng ổn định.

Nếu tình hình này không thay đổi, bao giờ chúng ta mới có thể thực sự mở khóa giấc mơ xuất khẩu vào EU qua EVFTA? Khi mà, các điều kiện về xuất xứ để hưởng ưu đãi trong EVFTA không dễ, thậm chí khó hơn các FTA, GSP đang có!

Khi mà, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa vào EU vốn nổi tiếng khắc nghiệt sẽ vẫn ở đó, không vì có EVFTA mà thấp hơn hay bớt đi! Khi mà, nguyên phụ liệu cho nhiều ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vào EU (dệt may, giày dép, thiết bị điện tử…) vẫn chủ yếu là từ các nguồn cung ngoài EU! Và khi thương mại thế giới mỗi lúc một khó khăn hơn, các đối thủ của hàng Việt Nam mỗi lúc một tài giỏi hơn – mà EVFTA thì may ra chỉ có thể giúp hàng Việt rẻ hơn, không thể giúp hàng Việt tốt hơn hay hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng!

Xuất khẩu đã vậy, còn những giấc mơ khác thì sao, những giấc mơ riêng có của một FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao như EVFTA?

Vậy hãy nhìn vào CPTPP, mà tiền thân là TPP – FTA gần như song sinh với EVFTA, được đàm phán trong cùng một thời kỳ, và mang những giá trị thể chế và phát triển gần tương tự. CPTPP mới có hiệu lực được chừng nửa năm, từ ngày 14-1-2019. Thời gian quá ngắn ngủi để biết những giấc mơ đầy kỳ vọng của doanh nghiệp từ hiệp định này sẽ thế nào. Dù vậy, cũng mới chỉ nửa năm, đã có quá nhiều thứ để người ta phải lo lắng.

CPTPP có thời gian “chuẩn bị” khoảng 10 tháng, từ ngày ký (8-3-2018) đến lúc có hiệu lực với Việt Nam. Đó là chưa kể quãng thời gian suốt cả hai năm trước đó, từ khi TPP được công bố, với nội dung gần như giống hệt với CPTPP. Gần ba năm “làm quen” với các cam kết CPTPP, nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn cứ vội vàng, như thể không có ngày nào chuẩn bị.

Hồi tháng 11-2018, Quốc hội phê chuẩn CPTPP. Mà chỉ phê chuẩn thế thôi, chưa sửa bất kỳ luật nào. Kể cả văn bản cấp Chính phủ về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo CPTPP, chìa khóa để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP của Việt Nam, cũng phải đợi tới cuối tháng 6-2019 mới có tin là “đã được ban hành” (nhưng chưa có ai được nhìn thấy nội dung cụ thể của văn bản này cả). Mà đây đều là các trường hợp đã được xác định phải sửa ngay, phải ban hành luôn theo cam kết CPTPP. Chưa nói gì tới những chính sách, pháp luật cần điều chỉnh hay thay đổi, không phải vì CPTPP yêu cầu, mà là vì nhu cầu nội tại của chính chúng ta, để ứng phó với các thách thức hay tận dụng cơ hội CPTPP.

Cơ quan nhà nước đã vậy, chẳng khó đoán sự chuẩn bị của doanh nghiệp còn mỏng manh hoặc chật vật tới đâu. Với phần lớn các doanh nghiệp, những câu hỏi như cam kết nói gì, cơ hội ở đâu, cần phải làm gì… đều chưa có lời giải cụ thể. Cứ như vậy, liệu rằng CPTPP rồi có như các FTA khác, tiện thì tận dụng, chẳng tiện thì cứ để của cải lợi nhuận nằm trong giấc mơ thôi?

EVFTA được ký tuần trước. Từ nay tới lúc hiệp định này được phê chuẩn để có hiệu lực sẽ còn là một chặng không ngắn đâu. EU phức tạp, Nghị viện châu Âu nhiều đảng phái, nhiều nhóm lợi ích, nhiều mối quan tâm, cả thương mại lẫn phi thương mại. Thuyết phục cơ quan này đưa EVFTA vào Chương trình làm việc kỳ cuối năm 2019 là khó, vận động để cơ quan này bỏ phiếu phê chuẩn còn khó hơn. Chưa phê chuẩn thì EVFTA sẽ chưa thể có hiệu lực. Chưa có hiệu lực thì giấc mơ cũng chỉ để đó mà thôi.

Nhưng cũng đừng vì thế mà quên rằng, nếu ở trong nước, ta không có sự chuẩn bị nào, cả từ Nhà nước và doanh nghiệp, nếu giả thử mọi việc vẫn lặp lại như với CPTPP, EVFTA có sớm được phê chuẩn cũng chẳng giúp những giấc mơ từ hiệp định này sớm trở thành hiện lực.

Cũng như mọi khi, tương lai của những giấc mơ phần nhiều phụ thuộc vào chính chúng ta.

(*) Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI

Nút thắt tiêu chuẩn và xuất xứ

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) , tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 245,48 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỉ đô la, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm với mức 20,6 tỉ đô la, chỉ sau Mỹ với 27,5 tỉ đô la. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU đạt 6,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kỳ vọng những ưu đãi thuế quan trong EVFTA ở mức cao hơn sẽ tạo điều kiện cho thủy sản Việt Nam thâm nhập thị trường EU, vốn đã chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2018. Riêng trong năm tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 105,2 triệu đô la Mỹ, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Hòe, áp lực cho ngành thủy sản sẽ lớn hơn khi doanh nghiệp buộc phải thực hiện các quy định trong Chương về quy tắc xuất xứ của EVFTA, với yêu cầu chỉ hàng hóa có xuất xứ từ một trong các quốc gia ký thỏa thuận thương mại này mới được hưởng lợi.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xác nhận việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi trong EVFTA là không dễ do Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, ASEAN và một số nước châu Á khác – là những quốc gia không thuộc nội khối EVFTA.

Hiện, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan thông qua chương trình ưu đãi thuế quan đặc biệt (GSP) dành cho các nước kém phát triển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, cho rằng với EVFTA, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn so với các quy định trong GSP. Ngoài ra, vấn đề “thẻ vàng” về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) có thể tác động và làm giảm xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU.

Cao ủy về Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström, cho rằng lãnh đạo hai khu vực đã mở ra cơ hội, nhưng chính người dân, doanh nghiệp mới là người vận hành trực tiếp hiệp định này.  Nhưng thực ra, việc thực thi cam kết không chỉ phụ thuộc ở bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình hoạch định chính sách của nhà nước. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận: “Thách thức nằm ở công tác thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là nội luật hóa những nội dung trong hiệp định. Việc này phải theo hướng cải cách và kiến tạo”.

Chi phí tuân thủ các quy định trong EVFTA hiện vượt xa năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.  Theo ông Lộc, để doanh nghiệp thực hiện các cam kết EVFTA thuận lợi hơn, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất…

“Việc xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa vào EU chỉ có thể thực hiện được khi các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ được nguồn nguyên liệu. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo nguồn cung bền vững cho sản xuất trong nước”, ông Lộc nói.

(Theo Kinh Tế Sài Gòn)

Đọc nhiều