EVFTA: Cơ hội lớn để Việt Nam – EU hợp tác phát triển kinh tế số

06/11/2020 14:02

Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là một nền tảng quan trọng trên con đường chuyển đổi số của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tối ưu hóa lợi ích chuyển đổi số từ hiệp định này?

Ảnh minh họa

GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 162 tỷ USD nếu số hóa thành công

Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong ASEAN, với cơ sở hạ tầng viễn thông khá tốt. Nền kinh tế số của Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ và là thị trường phát triển nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á sau Indonesia.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu để giúp các doanh nghiệp dần quen với trạng thái kinh tế mới sau đại dịch Covid-19. Đối với Việt Nam, một khảo sát gần đây cho thấy, 61% lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đã nhận thấy những thay đổi trong hành vi và động cơ mua hàng của khách hàng kể từ đầu năm 2020.

Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nó cũng mở ra một cơ hội chưa từng có, tạo ra “cú huých trăm năm” để đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số.

Info TL

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, nắm bắt cơ hội này, Chính phủ đã thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, đưa ra 3 trụ cột chính là xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xác định 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi: y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp,  tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics. Chương trình cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin (CNTT) sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế.

Thí điểm và nhân rộng

Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã được Quốc hội Việt Nam phê duyệt vào ngày 8/6/2020 và Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực vào ngày 1/8. Hai hiệp định được phê chuẩn vào thời điểm Chính phủ Việt Nam liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19, trong đó có việc phát triển của các DN (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp), sự thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi số nắm giữ vai trò quan trọng.

Theo Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, kinh tế số có vai trò quan trọng trong chính sách phát triển bền vững của EU. Vào tháng 10/2020, EU đã thông qua chiến lược số hóa và đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để giúp châu Âu hạn chế khí thải vào trước năm 2050 và được coi là đối tác lý tưởng của Việt Nam để phát triển nền kinh tế số. EU có nhiều quốc gia tiên phong về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. EVFTA có hiệu lực trùng với thời điểm Việt Nam đưa ra Chương trình chuyển đổi số quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác lớn để hai bên khai thác các lợi thế của nhau để cùng phát triển.

EVFTA có hẳn 1 chương nói về thương mại điện tử. Vì vậy cơ hội để Việt Nam và EU hợp tác trong phát triển kinh tế số, nền tảng số từ hiệp định này rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng được lợi thế từ EVFTA cho lĩnh vực này.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Alexandre Sompheng – đại diện Ủy ban Kinh tế số của Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, không phải cứ ứng dụng các công nghệ hàng đầu là chuyển đổi số thành công. Việt Nam có thể tiếp cận từ những việc rất hiện hữu như làm sao áp dụng chữ ký điện tử xuyên biên giới, thay đổi các biểu mẫu, chứng nhận sao cho phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Ông cho rằng, Việt Nam sẽ phải xây dựng khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số và chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông đang xây dựng chương trình thí điểm thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan chính quyền từ cấp xã và thí điểm DN số tại một số DN nhỏ và vừa. Từ mô hình thí điểm này, sẽ nhân rộng ra áp dụng trong cả nước, bởi áp dụng được từ cấp xã, từ các DN nhỏ thì chắc chắn sẽ áp dụng được rộng rãi trong các cấp và các loại hình DN.

Nền kinh tế Internet của Việt Nam đã đạt giá trị 12 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 38% kể từ 2015 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Một nghiên cứu của Tổ chức Data61 dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Thảo Miên/ TBTCVN

Đọc nhiều