EU họp bàn về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga và loại thêm nhiều ngân hàng Nga ra khỏi Hiệp đội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Phát biểu trong chuyến thăm khu vực Mỹ La tinh, Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell hôm qua (3/5) cho biết Khối này đang xem xét gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Nga.
“Sẽ có thêm nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Chúng tôi cũng đang soạn thảo các đề xuất để hạn chế việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt là dầu mỏ”, ông Joseph Borrell nói.
Theo các nguồn tin ngoại giao châu Âu, EU chủ trương áp đặt lệnh trừng phạt theo giai đoạn, với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong 6 đến 8 tháng nữa.
EU đến nay vẫn là khách hàng lớn của Nga khi 30% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại EU được nhập khẩu từ Nga. Trong năm 2021, EU đã chi 71 tỷ Euro để mua dầu mỏ của Nga, so với con số 5 tỷ Euro dùng để mua than đá và 16 tỷ Euro để mua khí đốt.
Các nhà phân tích nhận định, khác với quyết định dừng sử dụng than đá của Nga được thông qua trong tháng 4/2022, biện pháp trừng phạt dầu mỏ nếu được thông qua thì sẽ là đòn đánh mạnh đối với Nga. Tuy nhiên, việc tìm tiếng nói chung giữa các nước thành viên EU trong vấn đề này được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh sự phản đối từ một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Hungary và Slovakia vốn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ Nga, EU cũng đã nhận được nhiều cảnh báo về nguy cơ leo thang giá dầu quốc tế và các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng các nước EU ngày 2/5 cũng đã bàn về biện pháp cấm dầu mỏ của Nga nhưng đã không đưa ra quyết định quan trọng nào.
Với lĩnh vực ngân hàng, EU dự kiến sẽ loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank ra khỏi hệ thống SWIFT. Các lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga cũng sẽ mở rộng sang các lĩnh vực hàng hải, kỹ thuật số cũng như bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga vào danh sách trừng phạt.
Các lệnh trừng phạt này cũng sẽ áp dụng đồng thời với Belarus vốn được EU đánh giá đồng minh thân cận của Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Đại sứ 27 nước thành viên EU hôm nay (4/5) sẽ nhóm họp để thống nhất các nội dung trong gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga./.
Khai Tâm