Ép quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất từ bỏ Nga – Mỹ đang hành động “vì Ukraine”?

08/04/2022 05:38

Được xem là đồng minh quan trọng của Mỹ, nhưng Ấn Độ lại chủ yếu nhập khẩu vũ khí của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh việc Ấn Độ tiếp tục mua các hệ thống vũ khí của Nga “không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước này”, cũng như sẽ có “yêu cầu” đối với các nhà lãnh đạo New Delhi chuyển sang mua một số vũ khí của Mỹ và các nước đồng minh. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và chiếm gần 1/2 tổng số vũ khí xuất khẩu của Nga.

Gọi Ấn Độ là “đồng minh quý giá”, nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho bang Nam Carolina là ông Joe Wilson đã đặt câu hỏi về việc Mỹ có thể làm gì để thuyết phục “các nhà lãnh đạo Ấn Độ từ bỏ ông Putin để sát cánh bên các nước đồng minh”, ông Austin nói rằng Mỹ có “các hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới” và sẽ đề xuất những khí tài này với New Delhi.

“Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với Ấn Độ để đảm bảo họ hiểu rằng việc đổ tiền đầu tư vào các thiết bị của Nga không mang lại lợi ích tốt nhất cho họ”, RT dẫn lời Bộ trưởng Austin nói tại cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 5/4.

Bộ trưởng Austin không phải là quan chức Mỹ đầu tiên nhắc tới chuyện thúc đẩy doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ. Bởi trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2020 để bán các trực thăng Apache và tên lửa Hellfire cho New Delhi.

Thương vụ này được cho nhằm giúp Ấn Độ tăng sức mạnh đối phó với quân đội Trung Quốc ở khu vực Nam Á.“Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với Ấn Độ để đảm bảo họ hiểu rằng việc đổ tiền đầu tư vào các thiết bị của Nga không mang lại lợi ích tốt nhất cho họ”, RT dẫn lời Bộ trưởng Austin nói tại cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 5/4.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, dù có những động thái tăng cường hoạt động mua bán vũ khí, nhưng Mỹ vẫn chỉ là nhà cung cấp khí tài lớn thứ 3 cho Ấn Độ. Khí tài của Mỹ chỉ chiếm 12% trong tổng số vũ khí sát thương mà Ấn Độ đã nhập khẩu trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021.

Trong cùng kỳ, Pháp giữ vị trí nhà cung cấp khí tài lớn thứ 2 cho Ấn Độ với tỷ lệ 27% và Nga đứng số 1 với 46%.

Một số phân tích nhận định 85% hệ thống vũ khí chính của Ấn Độ đang được sử dụng có nguồn gốc từ Nga hoặc từ thời Liên Xô cũ.

Những vũ khí được Nga sản xuất và đang nằm trong kho của Ấn Độ với số lượng lớn phải kể đến tiêm kích Su-30, MiG-21 và MiG-29; tăng chủ lực T90MS. Ngay cả chiếc tàu sân bay duy nhất của hải quân Ấn Độ là INS Vikramaditya cũng do Nga đóng.

Thậm chí, bất chấp những lời cảnh báo và đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt của Washington, New Delhi vẫn nhất quyết thực hiện thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Hiện không rõ loại vũ khí nào của Nga mà Bộ trưởng Mỹ Austin muốn Ấn Độ “dừng” đầu tư. Nhưng trong quá khứ, việc đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga đã khiến Mỹ vô cùng tức giận. Theo đó, Ankara bất chấp lời đe dọa của Washington để mua S-400 của Nga.

Hậu quả, Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tối tân F-35 vào năm 2019.

Một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ chia sẻ Thủ tướng Modi đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Mỹ và Australia về việc từ bỏ mối quan hệ với Nga. Bởi theo ông Modi, Ấn Độ cần các loại vũ khí của Nga để đối phó với cả Pakistan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn vũ khí cung cấp thay thế cho Nga được cho có giá quá đắt đỏ.

Không chỉ về mặt quân sự, giới chức Mỹ cũng đang gia tăng sức ép buộc Ấn Độ từ bỏ mối quan hệ thương mại với Nga.

Gần đây nhất, hôm 6/4, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng là ông Brian Dees cho hay chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Ấn Độ không nghiêng về phía Nga. Ngoài ra, giới chức Mỹ “thất vọng” trước phản ứng của Ấn Độ và Trung Quốc về cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Nga không kích loạt mục tiêu ở Kharkov, Donbass – “Đánh chặn” T-72 Séc chuyển cho Ukraine?

Trong khi Mỹ, châu Âu, Australia và Nhật Bản liên tiếp ban hành lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, Ấn Độ lại từ chối cùng tham gia và tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Phản ứng của Ấn Độ đối với cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine đang tạo ra thêm rắc rối cho mối quan hệ giữa New Delhi với Washington, dù thực tế Mỹ hiện xem Ấn Độ là đối tác quan trọng để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, theo Bloomberg.

Sau chuyến thăm của Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh tới Ấn Độ vào tuần trước, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nhấn mạnh, “Chúng tôi tin Ấn Độ sẽ không có lợi khi gấp rút hoặc tăng cường nhập khẩu năng lượng, cũng như các mặt hàng khác của Nga”.

Liên quan tới những lệnh trừng phạt mới được Mỹ áp đặt với Nga và công bố hôm 6/4, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington và các nước còn lại trong nhóm G7 sẽ tiếp tục cộng tác với Ấn Độ với hy vọng mở rộng những nỗ lực đối phó với Nga ở mức cao nhất.

Vị quan chức Mỹ giấu tên nói thêm, Mỹ – Ấn đang tích cực hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng trên toàn cầu.

Khai Tâm

Đọc nhiều