Mời Trung Quốc hợp tác làm đường sắt cao tốc: Đừng vì tư tưởng cực đoan mà đánh mất đi cơ hội vàng
Cuốn 1 vòng trái đất vẫn dư hơn 5.000km, hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang khiến cả phương Tây cũng phải hụt hơi đuổi theo dù từng tiên phong. Trung Quốc đã chứng minh hệ thống giao thông đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của mọi quốc gia.
Với 40.000 km đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã tạo ra một kỳ tích trong lĩnh vực giao thông. Họ không chỉ nắm giữ kỷ lục về độ dài mà còn về hiệu suất vận chuyển, với khả năng đưa đón 20 triệu hành khách trong một ngày. Đây là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của công nghệ và năng lực quản lý dự án quy mô lớn của Trung Quốc.
Nhìn về Việt Nam, hệ thống giao thông công cộng của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Với chỉ một tuyến đường sắt trên cao đang hoạt động và một số dự án đang trong giai đoạn xây dựng chưa biết ngày vận hành, hơn 2.000 km đường sắt, với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa hiệu quả. Rõ ràng chúng ta đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ còn 6 năm để thực hiện kế hoạch phát triển 5.000 km đường bộ cao tốc và các tuyến đường sắt kết nối chính. Để hiện thực hóa kế hoạch này, việc hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc là một lựa chọn hợp lý và thực tế.
Công ty CRRC của Trung Quốc, với kinh nghiệm trong các dự án lớn như tuyến đường sắt Trung-Lào, có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam thông qua việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Cần phải nhìn nhận rõ Trung Quốc đã giúp rất nhiều tuyến đường sắt trên thế giới khởi hành từ việc chuyển giao công nghệ.
Chính vì vậy mà vừa qua tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Tất nhiên với bài học từ tuyến Cát Linh – Hà Đông, việc hợp tác này cần được tiếp cận một cách cân bằng và thận trọng. Nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cần được đặt lên hàng đầu, đảm bảo rằng các dự án hợp tác mang lại lợi ích thực sự cho Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn như chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ.
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc hợp tác phát triển đường sắt, đặc biệt là với Trung Quốc, là một cơ hội vàng cho Việt Nam để bắt kịp xu hướng phát triển giao thông hiện đại của thế giới. Không nên để những quan điểm cực đoan hay định kiến cản trở cơ hội phát triển này. Việc gì có lợi cho sự phát triển của đất nước là làm!
Tâm