“Đường lưỡi bò” – tỉnh táo trước sự “bành trướng” của Trung Quốc

23/10/2019 16:20

Bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn thúc đẩy bằng được yêu sách “đường lưỡi bò” để tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Những chiến dịch quảng bá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không diễn ra riêng lẻ, và cũng chưa cho thấy có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng lại. Cảnh giác với Bắc Kinh không bao giờ là thừa.

Theo GS. TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, vấn đề Biển Đông cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông đã được Trung Quốc lên chiến lược và “lập trình” từ rất lâu và được phôi thai ngay từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) với tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới.

Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải độc chiếm và thống trị Biển Đông – kho tài nguyên thiên nhiên (hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

“Đường lưỡi bò” - mỗi người dân Việt Nam cần có tỉnh táo để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.
“Đường lưỡi bò” – mỗi người dân Việt Nam cần có tỉnh táo để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc đã tinh vi cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò vào nhiều ấn phẩm, sách báo, đồ áo cho đến cả phim ảnh. Dã tâm của Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ hơn, âm mưu trên Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn.

Mới đây, phóng viên một tờ báo ở Việt Nam trong quá trình tìm hiểu về mẫu Zotye T600 đời 2017 (Trung Quốc) được rao bán trên mạng với giá 500 triệu đồng đã phát hiện chức năng định vị trên xe sử dụng bản đồ Trung Quốc, ngôn ngữ màn hình cũng là tiếng Trung. Chủ nhân chiếc xe chia sẻ rằng, từ khi mua xe, anh chưa cập nhật hệ thống thông tin giải trí, và toàn bộ ngôn ngữ, giao diện, bản đồ vẫn nguyên bản.

Đáng chú ý, bản đồ định vị trên chiếc xe nói trên xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp bao khắp Biển Đông. Tìm hiểu thêm, phóng viên phát hiện một số mẫu xe khác do Trung Quốc sản xuất đang phân phối tại Việt Nam như Zotye Z8 giá dưới 800 triệu đồng, phần bản đồ định vị không có bản đồ Việt Nam, chỉ có bản đồ Trung Quốc và “đường lưỡi bò” phi pháp.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất rút khỏi rạp bộ phim Everest – Người tuyết bé nhỏ (do hãng DreamWorks của Mỹ và công ty Pearl Studio từ Trung Quốc hợp tác sản xuất) sau khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” – tuyên bố chủ quyền phi lý và đã bị bác bỏ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới chức Malaysia cũng yêu cầu bộ phim phải bị cắt bỏ cảnh có “đường lưỡi bò” mới được trình chiếu. Philippines đã rút bộ phim này ra khỏi rạp từ tuần rồi.

Câu hỏi đặt ra: Đây có phải trường hợp riêng lẻ và liệu Trung Quốc có đủ sức tác động lên Hollywood để nhào nặn những thông điệp chủ quyền theo ý mình? Và thực tế đã chứng minh: Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood có thể sẽ vượt xa hình dung của nhiều người.

Không có gì là lạ khi Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này.

Đây không phải là lần đầu tiên “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm văn hóa, thể thao, giải trí mang tính toàn cầu. Trước đó gần 1 tuần, cộng đồng mạng quốc tế phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter.

Dù ESPN sau đó lên tiếng nhận lỗi và thanh minh rằng việc sử dụng đồ họa nói trên “là sai lầm vô ý” và ESPN sửa sai bằng “một tấm bản đồ hoàn toàn khác” không bao gồm “đường lưỡi bò”, giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các hãng truyền thông và giải trí lớn có tác động đến cộng đồng quốc tế để truyền bá thông điệp đầy sai trái của mình”.

Về phim ảnh và sản phẩm giải trí, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ được công chiếu vào tháng 3/2018 là một minh chứng khác cho chiêu trò lồng ghép tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Cũng trong lĩnh vực này, kênh thể thao ESPN ngày 9/10 vừa qua bị chỉ trích mạnh mẽ khi một bản tin tường thuật phát trên kênh này tại Mỹ đã sử dụng tấm bản đồ “đường lưỡi bò”.

Nội dung này sau đó được tài khoản của một phóng viên ESPN đăng trên YouTube, theo Reuters. Trong bài viết ngày 11/10, tờ The Washington Post đã dẫn chứng đây là một ví dụ cho chiêu trò tuyên truyền chính trị của Bắc Kinh mà các doanh nghiệp cần “tỉnh táo” để không mắc phải. Và chiêu trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ chưa dừng lại.

Và điện ảnh chỉ là một phần trong chiến dịch tổng thể, rộng khắp của Bắc Kinh nhằm kiểm soát và phô diễn ra thế giới hình ảnh một đất nước Trung Quốc theo cách chính họ muốn kể.

Mới đây nhất, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên lặp lại quan điểm nói trên của giới chức Trung Quốc khi tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không có gì phải giải thích”.
Các nhà quan sát nhận định, đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông của nước này. Đây cũng là “bàn đạp quan trọng” để Trung Quốc tiến hành một loạt các hành động cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trên đó nhiều công trình dân sự và quân sự quan trọng nhằm “kiểm soát hoàn toàn” một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới không chỉ về địa chính trị, quân sự mà còn cả thương mại, hàng hải và hàng không.

Bản đồ định vị trên chiếc xe nói trên xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp bao khắp Biển Đông
Bản đồ định vị trên chiếc xe nói trên xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp bao khắp Biển Đông

Đáng chú ý, “những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông” mà ông Cảnh Sảng đề cập lại có cả khu vực bãi Tư Chính vốn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển nhưng lại đưa ra tuyên bố đi ngược hoàn toàn với hành động sai trái của nước này.

Để bao biện cho hành vi và tham vọng đầy sai trái của mình, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cho rằng, việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông là “hoàn toàn hợp pháp” vì những bãi đá này nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đã đề ra yêu sách chủ quyền dù yêu sách này không hề được cộng đồng quốc tế công nhận mà thậm chí còn bị phản đối gay gắt.

Có thể nói, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp và phản ứng của cộng đồng quốc tế để hoàn tất bằng được hành động cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông cho thấy, nước này muốn từng bước khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của mình. Thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn chứng tỏ nước này đang kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp, tạo thuận lợi cho Trung Quốc về dư luận và phần nào về pháp lý nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường 9 đoạn”.

Trung Quốc đang kết hợp cả sức mạnh kinh tế lẫn văn hóa. Bắc Kinh cuối cùng đã hiểu rằng dù nhiều chính phủ có thể tỏ ra cứng rắn với tham vọng của mình, các doanh nghiệp thường chỉ muốn đứng ngoài chính trị.

Biết rõ không doanh nghiệp nào muốn làm phật lòng mình, Trung Quốc đã tận dụng tối đa sức mạnh kinh tế để cưỡng ép nhóm này chấp nhận các tuyên bố chủ quyền – dù là vô lý.

“Đường lưỡi bò” là một hình ảnh sống động cho mối đe dọa từ Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp việc Tòa án Trọng tài thường trực bác bỏ tính pháp lý của mọi tuyên bố chủ quyền bên trong “đường lưỡi bò” vào năm 2016, Trung Quốc luôn tìm đủ mọi phương cách để quảng bá yêu sách này.

Việt Nam cần tiếp tục không ngừng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế cũng cần làm điều tương tự. Không gì có thể phủ nhận sức mạnh đang lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng sự phản đối từ các nước lớn hơn có thể khiến Bắc Kinh chùn bước.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của nước này trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. Vậy nên, các nước khác, dù có có liên quan trực tiếp hay không có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông vẫn cần phải luôn tỉnh táo trước những hình thức truyền bá chủ quyền sai trái mới của Trung Quốc cũng như cần lên tiếng kịp thời để ngăn chặn Trung Quốc đạt được mục đích của mình.

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều