2
category
326345

Đường cao tốc Bắc – Nam: Quyết định hết sức hợp lòng dân!

25/09/2019 20:54

Việt Nam sẽ không đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc -Nam do lo ngại về an ninh – quốc phòng và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế không lớn.

Bộ Giao thông – Vận tải hủy hồ sơ mời thầu quốc tế

Bộ GT-VT cho biết thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, bộ này nhận thức rất rõ đây là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt đối với những địa phương có dự án đi qua.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, bộ quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu, đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), thời gian qua bộ đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại buổi phát lệnh khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại buổi phát lệnh khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn

Tính đến cuối tháng 7-2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.

Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Theo Bộ GT-VT, để triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được đánh giá lại.

“Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GT-VT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước”, thông cáo của Bộ GT-VT nêu rõ.

Hiện nay, Bộ GT-VT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được bộ cung cấp tới các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể nhân dân được biết, giám sát.

Lựa chọn nhà đầu tư nội là “tiếp sức” cho những doanh nghiệp Việt

Như vậy, trước thời gian quyết định mở đợt mời thầu nhà đầu tư quốc tế đã có nhiều tranh luận, ý kiến trái chiều, lo ngại về an ninh quốc gia, nhất sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật: “Cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm”.

Phát biểu này khiến dư luận bất bình, nghi ngờ nhà quản lý đã tính toán hướng tới chọn nhà đầu tư Trung Quốc, làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nản lòng không tham gia. Hơn nữa, những yếu tố khách quan, chủ quan từ nhà thầu Trung Quốc đã tác động gây nên hậu quả là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, lại càng làm cho người dân lo ngại hơn về chất lượng công trình mà các nhà thầu đơn vị này thực hiện.

Dự án cao tốc Bắc – Nam dài 654km có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Trong đó, 3 dự án đầu tư bằng tiền ngân sách, 8 dự án đầu tư PPP theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là dự án đường bộ có quy mô rất lớn từ trước đến nay, đi qua nhiều tỉnh thành cả nước, tổ chức đấu thầu quốc tế, làm cả nước quan tâm.

Có rất nhiều kẽ hở chính sách và chỉ “phe cánh”, “thân hữu” mới được chọn. Bên mời thầu có thể lợi dụng chính sách đưa vào hồ sơ mời thầu những yêu cầu khá

ngặt nghèo mà chỉ những “phe cánh”, “thân hữu” mới có. Nếu “phe cánh”, “thân hữu” là những nhà đầu tư hay nhà thầu lớn, thì đặt ra tiêu chí vượt quá yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn để loại các đối thủ nhỏ hơn. Lúc này những nhà đầu tư khác không thể tham gia, hoặc không đủ điều kiện tham gia.

Thực tế ở nước ta, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có khả năng làm những dự án giao thông có quy mô lớn. Như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tổng chiều dài hơn 84km, vốn 12.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Hay cao tốc Vân Đồn – Móng Cái gần 11.200 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư vừa được khởi công. Không ai có thể nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư tư nhân này sau khi đã đầu tư thành công sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước là Vân Đồn và rất nhiều dự án “khủng” khác.

Không những thế, nhà đầu tư trong nước làm hầm Đèo Cả vượt tiến độ, giảm tổng mức đầu tư từ 15.600 tỉ đồng xuống còn dưới 12.000 tỉ đồng, nhờ đó dư ra gần4.000 tỉ đồng để làm tiếp hầm đèo Cù Mông. Chưa có nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc nào làm lợi được như thế. Việc này là thực tế ma nhiều nhà quản lý không thể phớt lờ.

Ở nhiều nước phát triển, chính quyền vẫn luôn tạo điều kiện để nhà đầu tư nội, phát huy tiềm lực trong nước. Năm 1964, Hàn Quốc có chủ trương làm cao tốc Seoul – Busan, sau khi nghiên cứu và tính toán, ngành giao thông nước này đưa ra tổng chi phí xây dựng khoảng 65 tỉ won. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong muốn tham gia, nhưng chính quyền đã điều chỉnh dự án và tăng thêm vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong nước để thực hiện là Tập đoàn Hyundai.

Dự án cao tốc Bắc – Nam nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước đủ năng lực tham gia bằng nhiều cách, phù hợp với pháp luật như liên kết, liên doanh, góp vốn với các nhà đầu tư trúng thầu. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước chính là “tiếp sức” cho những doanh nghiệp có khả năng trong cuộc chơi mang tên cạnh tranh toàn cầu, thu hút thêm nhiều lực lượng lao động, giải quyết việc làm, … Cần có thêm quy định, nhà đầu tư nào trúng thầu dự án cũng phải liên kết với doanh nghiệp trong nước để thực hiện, cam kết chất lượng và không đội vốn khủng, chỉ được sử dụng lao động nước ngoài với những công việc đặc thù mà trong nước không thể đảm nhận.

Hồng Đinh

Đọc nhiều