86
topics
52612

Đường cao tốc Bắc – Nam: Lắng nghe dân và đặt lợi ích quốc gia làm trọng!

15/07/2019 17:06

Hiện nay người dân cả nước đang rất hoang mang, lo lắng trước luồng thông tin cho rằng nhà thầu Trung Quốc sẽ trúng thầu dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Trước bài học nhãn tiền từ dự án đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém đang có nguy cơ trở thành “phế tích” Cát Linh – Hà Đông, việc chọn nhà thầu cho dự án Cao Tốc Bắc Nam trở thành một vấn đề quan trọng ảnh hưởng không những đến kinh tế mà còn là an nguy của quốc gia. Thế nhưng, với tình hình thực tế và những dấu hiệu hiện có, nguy cơ “nỏ thần trao tay giặc” có lẽ sẽ tiếp tục lặp lại.

Để xây được một dự án cao tốc kéo dài từ Bắc chí Nam chắc chắn sẽ ngốn một nguồn ngân sách KHỦNG. Vậy huy động vốn đầu tư từ đâu?

Ngày 01/07/2017 trên trang tin tài chính của báo Nhà Đầu Tư có đăng bài “Vốn vay ưu đãi cạn dần, Bộ Tài chính đưa phương án để “ngăn” nợ công vượt trần”. Trong bài có nói rằng “từ tháng 7/2017, Việt Nam không còn được vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) theo điều kiện ODA, sau đó sẽ đến các đối tác phát triển khác, vì vậy Việt Nam phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường”. Nghĩa là cạn nguồn vay ODA thì móc đâu ra 58,7 tỷ đô la Mỹ để làm đường cao tốc?

Trong các đối tác cho Việt Nam vay ODA thì đối tác đáng nói nhất là Trung Quốc. Khi WB, Nhật và lần lượt những nước khác siết chặt cho vay ODA thì còn ai cho Việt Nam vay đây? Trong khi đó trên báo Tài Chính hôm ngày 10/05/2019 có đăng bài “Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam không phải là vốn vay ODA” đã cho biết như sau “Chính phủ Trung Quốc tài trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản vay ưu đãi, không phải vốn vay ODA, các khoản vay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: đường sắt, nhiệt điện, sản xuất công nghiệp…”. Thực tế cho thấy, các ngành: ngành đường sắt, nhiệt điện, sản xuất công nghiệp .. hầu hết rơi vào tay Trung Quốc thì điều đó cũng có nghĩa, khi cạn ODA thì nguồn vay của chính phủ Việt Nam sau này chủ yếu từ Trung Quốc.

Vậy rõ ràng, ODA của WB và các nước đóng lại, khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc tràn vào chiếm lấy ngành đường sắt, nhiệt điện và sản xuất công nghiệp. Vậy thì dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam làm sao thoát khỏi tay Trung Quốc? Điều đó đủ chứng minh, dù cho chi phí 58,7 tỷ đô hay chỉ 26 tỷ đô thì dự án khủng này đều có bàn tay Trung Quốc nhúng vào.

Chưa kể, Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc năm lần bảy lượt đề xuất được tham gia đầu tư vào dự án Cao tốc Bắc Nam. Trong một năm rưỡi qua, Tập đoàn này chạy khắp nơi ngược xuôi cả nước Việt Nam. Họ đi từ Đồng Nai, Bình Dương, TpHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… để “năn nỉ” cả nước Việt Nam cho họ xây dựng hạ tầng và cho Việt Nam vay tiền. Mới đây khi nghe tin Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm TQ, Tập đoàn này lại tranh thủ vận động cả Quốc hội. Lòng tốt quá mức bất thường của Tập đoàn Trung Quốc liệu có tiềm ẩn một âm mưu sâu xa đằng sau hay không? Trong khi các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu về dự án thì TQ lại ngày đêm ve vãn thế này thì chuyện dự án này rơi vào tay TQ chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

Vấn đề là TQ được lợi lộc gì mà lại nhăm nhe đòi làm Cao tốc Bắc Nam của Việt Nam cho bằng được?

Thực tế, Cao tốc Bắc Nam có mối liên hệ mật thiết với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Việt Nam có vị trí địa chính trị độc nhất vô nhị so với tất cả các quốc gia mà cả Vành đai và Con đường đi qua. Không một nước nào như Việt Nam, là nơi mà tất cả hệ thống trọng điểm cả Vành đai và Con đường đi xuống và tiền đề để tiến tiếp xuống Đông Nam Á, Biển Đông, Ấn Độ Dương. Việt Nam là điểm khởi đầu của con đường Biển – Đảo mà Vân Đồn là điểm đảo đầu tiên của Con đường trên biển. Quảng Ninh – Lào Cai là điểm đầu tiên của con đường tơ lụa trên bộ đổ xuống. Sông Mê Kông, điểm đến sau cùng cũng là Việt Nam. Và nay, cao tốc Bắc Nam là trọng tâm của Vành đai – Con đường của Trung Quốc.

Không nghi ngờ gì nữa, cùng với chuỗi đảo ở vị trí cực kỳ then chốt của Tổ quốc được định danh từ góc độ kinh tế là đặc khu như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, đại dự án cơ sở hạ tầng – chính trị cao tốc Bắc Nam Việt Nam sẽ là trọng tâm chiến lược của chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc ở Việt Nam. Điều này có nghĩa, dự án này sẽ được cả hệ thống chính trị Trung Quốc đứng đằng sau để bằng mọi giá thắng thầu. Nếu nhìn sâu hơn, Trung Quốc đã ém sau lưng chúng ta ở Lào và Campuchia cũng bằng dự án Vành đai – Con đường. Nếu họ thực hiện điều đó ở Việt Nam và chúng ta lại thông qua luật đặc khu thì có thể hình dung đất nước ta sẽ bị bao vây từ tất cả mọi hướng, mọi phía.

Cuối cùng, với việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang dở dang vì còn 1% chưa hoàn thành, mặc dù Bộ trưởng Thể nhiều lần hứa hẹn nhưng Trung Quốc hoàn toàn có thể dựa vào điểm yếu này để gây sức ép buộc VN phải giao Cao tốc Bắc Nam cho nhà thầu của Tàu, nếu không sẽ không hoàn thiện đường sắt ở Hà Nội.

Mặc dù vậy, lật ngược lại vấn đề, hơn 97 triệu người dân VN hoàn toàn có thể dựa vào chính sự dở dang của Cát Linh Hà Đông để kiên quyết phản đối nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc Nam. Vấn đề là ai thắng?

Nếu vì tư lợi mà đồng loã với TQ sẽ là tiền đề cho những dự án tiếp theo lặp lại vết xe đổ vì sẽ bị khống chế gây áp lực mãi mãi. Điều quan trọng bậc nhất của quốc gia là không đánh đổi phát triển kinh tế, độc lập chủ quyền khiến đất nước rơi vào tình thế bị áp đặt sao cũng phải nghe, dẫn đến tình trạng nội xâm diễn biến phức tạp. Cần đề cao cảnh giác và lấy tự chủ, tự cường cũng như sử dụng nguồn lực nội tại để giảm chi phí, tạo công việc cho người dân cũng như những công ty, tập đoàn có khả năng, tiềm lực thế mạnh trong nước. Hà cớ gì cứ phải sử dụng những tập đoàn nước ngoài?

Thiết nghĩ những cán bộ cấp cao ở tầm vĩ mô, hoạch định đường lối những dự án tầm cỡ quốc gia hãy cẩn trọng suy xét đặt tổ quốc giang sơn lên trên hết, cũng như lắng nghe tham khảo ý kiến đóng góp của dân, vì dân là tai mắt của Đảng, luôn mong muốn đất nước văn minh cường thịnh và tốt đẹp.

(Theo Bút Danh)

Đọc nhiều