Đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài xuống cấp, có thể đóng cửa bất cứ lúc nào

23/08/2019 10:47

Đó là cảnh báo dành cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất – hạ cánh, đường lăn và sân đậu không còn phù hợp nên tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn gây khó khăn cho việc điều hành bay.

Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết tổng số lượt chuyến bay cất – hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến/ngày. Năng lực thông qua đường cất – hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài xuống cấp, có thể đóng cửa bất cứ lúc nào - Ảnh 1.
Máy bay của các hãng hàng không chờ cất cánh và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có hai đường cất – hạ cánh song song, nhưng chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh trong cùng một thời điểm.

Ngoài ra, việc di chuyển, lăn ra vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất – hạ cánh và ngược lại gặp không ít khó khăn, sở dĩ do bố trí phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn “độc đạo”.

Và khi được hỏi, lãnh đạo các hãng bay đều than trời vì sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đó khiến các hãng bay phải tăng thêm giờ khai thác hoặc bay lòng vòng chờ hạ cánh, gây tốn nhiên liệu khi phải “đốt” hàng trăm tỉ đồng trên trời.

Đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài xuống cấp, có thể đóng cửa bất cứ lúc nào - Ảnh 2.
Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ không ảnh – Ảnh: TTO

Ngoài việc sân bay quá tải, ngày 22-8, chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) – cũng thừa nhận: hai đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất và 1B của Nội Bài đã xuất hiện tình trạng phụt bùn, rạn nứt. Mặt đường bêtông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay dẫn đến nguy cơ đóng cửa bất thường.

“Tình trạng đường băng chúng tôi đã kiến nghị phải đầu tư mới lại từ năm 2016 đến nay nhưng vẫn chưa được. Khi nào không duy trì đảm bảo an toàn bay được nữa, chúng tôi phải đóng cửa đường băng bất thình lình” – ông Thanh nói và cho biết việc này sẽ đảo lộn lịch khai thác của các hãng và việc đi lại của hành khách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang chờ được “giải cứu” vì vướng thủ tục, chưa quyết định được chủ đầu tư. Đầu tháng 8-2019, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM có văn bản gửi các bộ, ngành xin ý kiến về quy trình thủ tục đầu tư nhà ga T3 của ACV. Với tiến độ thủ tục này, ACV cho biết phải ít nhất đến 3 năm nữa mới triển khai xây dựng được nhà ga mới này. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, ACV không được phép đầu tư vào khu bay, bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác an toàn, an ninh hàng không những tháng cuối năm, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay.

Theo Phó thủ tướng, khu bay, cụ thể là đường cất – hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp, trong khi cơ chế lại không cho phép ACV triển khai. “Tiền có mà cơ chế không cho làm là rất vô lý. Cơ chế vô lý, phải tập trung tháo gỡ nhanh” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cải tạo 2 đường băng tốn bao nhiêu tiền?

Theo ACV, tổng mức đầu tư cải tạo đường băng 07L/25R và đường lăn ở sân bay Tân Sơn Nhất là 2.238 tỉ đồng. Còn ở sân bay Nội Bài, cải tạo đường băng 1B, 1A và các đường lăn tốn 2.290 tỉ đồng.

CÔNG TRUNG/Tuổi Trẻ

Đọc nhiều