128027
category
507126

Đường 9 – Nam Lào: “Bà già K2” lập công xuất sắc, thủy quân lục chiến VNCH đại bại, tháo chạy tán loạn

26/03/2021 09:37

Khi còn cách SCH lữ đoàn địch 50m thì xe 265 trúng đạn M72 bốc cháy, hai xe còn lại tiếp tục xung phong. 22h30, toàn bộ quân VNCH trên mỏm 550 đã bị tiêu diệt.

Đầu năm 1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tổ chức ở Đường 9 – Nam Lào nhằm mục đích chủ yếu là ngăn chặn tuyến đường tiếp vận từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Kế hoạch hành quân được chúng xây dựng một cách chặt chẽ và có lực lượng tham gia rất hùng hậu.

Thủy quân lục chiến VNCH yểm trợ mặt Nam

Ngoài chiến đoàn chủ lực VNCH tiến theo đường 9 thì còn có các lực lượng yểm trợ mặt Bắc, mặt Nam. Lực lượng yểm trợ mặt Bắc do Lữ đoàn Dù 3 đảm nhiệm. Còn lực lượng yểm trợ mặt Nam lúc đầu do Sư đoàn BB 1 đảm nhiệm.

Tuy nhiên, khi cần một “thắng lợi tinh thần”, Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút Sư đoàn 1 BB ra để trực thăng vận đến Sê Pôn thì Sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) được trám vào chỗ trống đó.

Cụ thể: Lữ đoàn 258 chiếm giữ điểm cao 640 và núi Cô Rốc, Lữ đoàn 369 đứng chân ở Hướng Hóa và Lữ đoàn 147 chiếm đóng điểm cao 550.

Điểm cao 550 nằm cách Đường 9 khoảng 9 km và Huội San 6 km về phía Nam. Khu vực điểm cao dài 1.800 m, rộng từ 70- 150 mét, gồm 3 mỏm: 480, 550, 500 tính từ Bắc xuống Nam. Hai sườn Đông và Tây có độ dốc lớn, sườn phía Nam và Tây Nam độ dốc thoải, xe tăng có thể cơ động được.

Từ ngày 2 đến ngày 6.3.1971, Lữ đoàn TQLC 147 lần lượt đổ bộ xuống khu vực điểm cao 550 bằng trực thăng. Chúng xây dựng 3 điểm cao thành 3 cụm điểm tựa, mỗi cụm có từ 1-2 đại đội TQLC và 1-2 đại đội Pháo binh. Sở chỉ huy (SCH) lữ đoàn bố trí tại mỏm 550. Đoạn yên ngựa nối giữa 480 với 550 sử dụng làm sân bay trực thăng.

Trên các điểm tựa, công sự phòng ngự chủ yếu là hầm dã chiến có nắp và giao thông hào đứt đoạn. Hầm chỉ huy có nắp và bao cát xếp dày. Xung quanh sở chỉ huy và phía Nam cứ điểm có 5 hàng rào dây thép gai. Đặc biệt, phía Nam có bãi mìn dài 300 mét, rộng 10 mét.

Thủ đoạn hoạt động của địch là hàng ngày tung khoảng 2 tiểu đoàn ra lùng sục xung quanh 2- 4 km nhằm phát hiện lực lượng ta để tiêu diệt hoặc gọi phi pháo, máy bay B-52 đến ném bom hủy diệt.

Nhìn chung, lực lượng địch ở đây khá mạnh song tinh thần bắt đầu bị sa sút khi Chiến đoàn đặc nhiệm bị bao vây ở Bản Đông.

“Bà già K2” tưởng về hưu vẫn làm nên chuyện

Nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 550 được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao cho Sư đoàn BB 324 được tăng cường một số đơn vị binh chủng, trong đó có Đại đội xe tăng 3 thuộc Tiểu đoàn XT 397, trang bị 10 xe tăng T-34.

Tiểu đoàn 397 được rút ra từ Trung đoàn 202 là 1 trong 3 tiểu đoàn xe tăng tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (hai tiểu đoàn kia là 198 và 297 thuộc Trung đoàn XT 203).

Theo kế hoạch của mặt trận, Tiểu đoàn XT 397 tập kết ở khu vực Ta Lao có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 48 của Sư đoàn BB 320 “đón lõng” tiêu diệt địch khi chúng cơ động đến Sê- Pôn. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra bởi Chiến đoàn đặc nhiệm đã bị chặn lại tại Bản Đông rồi rút chạy về nước.

Đường 9 - Nam Lào: Bà già K2 lập công xuất sắc, thủy quân lục chiến VNCH đại bại, tháo chạy tán loạn - Ảnh 3.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch tác chiến chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971)

Nhà thơ Hữu Thỉnh khi đó là Trợ lý tuyên huấn binh chủng đã đến thăm đơn vị này ở đây và kíp xe tăng T-34 của Lê Đức Tuân, bạn của anh, đã là nguồn cảm hứng để anh sáng tác bài thơ: “Trên một chiếc xe tăng”, sau này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát “Nam anh em trên một chiếc xe tăng”.

Khi nhận nhiệm vụ phối thuộc cho Sư đoàn BB 324 tiến công Lữ đoàn TQLC tại điểm cao 550, cán bộ chiến sĩ Đại đội XT3 vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, thử thách đầu tiên mà họ phải vượt qua là khoảng cách hơn 100 km từ Ta Lao về vị trí tập kết chiến đấu ở phía Nam điểm cao 550.

Thực ra, hơn 100 km không phải là chặng đường quá dài song vào thời điểm đó, cơ động trên con đường quân sự làm gấp dưới sự ngăn trở quyết liệt của Không quân Mỹ bằng loại xe tăng T-34, loại xe ra đời từ Thế chiến 2, mà anh em chiến sĩ xe tăng vẫn gọi vui là “Bà già K2” – là cực kỳ khó khăn.

Ngày 13.3.1971, Đại đội XT 3 bắt đầu hành quân và phải mất hơn 1 tuần – ngày 21.3- mới đến được vị trí tập kết.

Trên đường hành quân, đại đội đã 2 lần bị máy bay B-52 đánh vào đội hình, nhiều lần bị không quân chiến thuật địch ngăn chặn, một số cán bộ chiến sĩ bị thương nhưng đã đưa được 100% xe tới đích.

Ngay sau khi đến vị trí tập kết, đại đội nhanh chóng bắt tay vào củng cố kỹ thuật xe pháo và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu

Vì địa hình hẹp, Sư đoàn BB 324 quyết định chỉ sử dụng 6 xe tăng phối thuộc cho Trung đoàn BB 10 tiến công từ phía Nam.

15h00 ngày 22.3, Đại đội XT3 chuẩn bị chiến đấu xong và tiến vào tuyến điều chỉnh cuối cùng ở phía Nam điểm cao 550 khoảng 4 km, sẵn sàng đánh địch.

Theo kế hoạch, 15h15 ngày 22.3 trận đánh sẽ bắt đầu. Ngẫu nhiên, vào lúc 15h00, hai tốp máy bay B-52 của Không quân Mỹ đến ném bom tại phía Nam điểm cao khoảng 2 km. Trận bom đã làm cây lớn đổ ngổn ngang trên đường cơ động xe tăng, phá hủy toàn bộ mạng thông tin hữu tuyến… buộc phải lùi trận đánh đến 16h15.

Đúng 16h15, pháo binh bắt đầu bắn vào cứ điểm, các xe tăng cũng bắt đầu xuất kích. Tuy nhiên, việc vượt qua một bãi bom B-52 vừa rải thảm xong là hết sức khó khăn. Hết xe này đến xe khác bị sa xuống hố bom phải cứu kéo. Vì vậy, 18h15 hai xe đi đầu mới tới vị trí triển khai, phát huy hỏa lực diệt địch.

Đường 9 - Nam Lào: Bà già K2 lập công xuất sắc, thủy quân lục chiến VNCH đại bại, tháo chạy tán loạn - Ảnh 5.
Máy bay của địch bị quân ta tiêu diệt trong chiến thắng Đường 9- Nam Lào. Ảnh: Viện lịch sử quân sự Việt Nam.

18h37, toàn đại đội mới có mặt đủ tại tuyến triển khai và nhanh chóng chuyển sang xung phong đánh vào mỏm 500.

Địch chống cự quyết liệt, cộng với trời tối và rừng cây rậm rạp nên tốc độ tiến công rất chậm, thậm chí có xe (266) sa xuống vực không tham gia chiến đấu được. Đến 21h00 mới chiếm được mỏm 500, phần lớn quân địch rút về mỏm 550.

Không để chúng chạy thoát, ta tiếp tục tổ chức tiến công sang mỏm 550. Hai xe 265, 269 tiến phía trước, vừa tiến vừa bắn mãnh liệt; xe 254 tiến phía sau yểm trợ; xe 132 của đại đội trưởng bị hỏng phải dừng tại mỏm 500 để chỉ huy.

Khi còn cách sở chỉ huy lữ đoàn địch 50 mét thì xe 265 trúng đạn M72 bốc cháy, hai xe còn lại tiếp tục xung phong lao vào SCH. 22h30, toàn bộ quân địch trên mỏm 550 đã bị tiêu diệt, một số chạy được sang mỏm 480. 23h30, xe tăng và bộ binh tiếp tục tiến sang mỏm 480.

Lúc 0h30 ngày 23.3, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm. Lữ đoàn TQLC 147 bị đánh thiệt hại nặng nề với 65% quân số bị tiêu diệt, 87 tên bị bắt sống. Cánh quân yểm trợ mặt Nam cho cuộc hành quân Lam Sơn 179 coi như bị xóa sổ, góp phần làm cho thất bại của cuộc hành quân này thêm đậm đà hơn.

Bài học quan trọng được rút ra sau trận đánh này là: Mặc dù trang bị đã lạc hậu, cũ nát song nhờ quyết tâm chiến đấu cao, trình độ kỹ chiến thuật và hiệp đồng chiến đấu tốt vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguyễn Khắc Nguyệt

Đọc nhiều