432
category
326261

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt

25/09/2019 14:48

Bị cáo Phạm Văn Thông có biểu hiện khó thở, mệt mỏi và phải uống thuốc. Sau khi truyền nước nhưng không đỡ, bị cáo này được đi cấp cứu do sức khoẻ yếu, bị bệnh tim.

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt

Ngày 25/9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử vụ án buôn thuốc chữa bệnh ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma) với thẩm vấn các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường và 10 bị cáo đồng phạm.

Dược sĩ Thông được đưa đi cấp cứu

Trong thời gian nghỉ giải lao, bị cáo Phạm Văn Thông (65 tuổi, dược sĩ) có biểu hiện khó thở, mệt mỏi và phải uống thuốc ngay trước bục khai báo. Sau khi truyền nước nhưng không đỡ, ông được cơ quan chức năng chở đi cấp cứu do sức khoẻ yếu, bị bệnh tim.

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt - Ảnh 1.
Dược sĩ Thông được cơ quan chức năng đưa đi cấp cứu.
Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt - Ảnh 2.

Dược sĩ Thông mắc rất nhiều bệnh gồm cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, lọan nhịp tim, thoái hóa cột sống, bệnh gút. Người đàn ông 65 tuổi cũng là bị cáo được Nguyễn Minh Hùng thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita.

Cũng từ đó bị cáo Thông phát hiện công thức thuốc trên Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (viết tắt FSC) không đúng. Sau đó Cường cung cấp lại FSC mới để Hùng chuyển Thông, bổ sung hợp thức hóa hồ sơ gửi Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu thuốc giả.

Trong phần trả lời thẩm vấn tại phiên xử, bị cáo Thông cho biết tháng 5/2013, ông ta được phía Công ty VN Pharma soạn tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc H-Capita.

Sau khi ông nhận lời, VN Pharma gửi qua các tài liệu về nhà máy sản xuất thuốc, địa chỉ công ty tại Canada, giấy phép bán hàng tự do và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc. Qua đó, bị cáo Thông viết tiêu chuẩn thuốc, hoàn thiện hồ sơ thuốc để VN Pharma trình Cục Quản lý dược.

Bị cáo Thông đã có nhiều đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng. Ông cho rằng bản thân là người phụ trách mảng quản lý chất lượng thuốc và biên soạn hồ sơ đăng ký thuốc của nhiều công ty dược, trong đó có phần việc soạn hồ sơ thuốc nhập khẩu. Bị cáo Thông cho rằng bản thân không cố tình tiếp tay cho VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả.

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt - Ảnh 3.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng bản thân phạm tội vì thiếu hiểu biết.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 hồi năm 2017, ông Thông bị tuyên phạt 2 năm tù (cho hưởng án treo) về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau khi bản án này bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, ông Thông và số bị cáo trong vụ án bị thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội ‘buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh’.

Hồi tháng 6/2918, ông Thông bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Lộ diện những bộ mặt thật

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) khai thực hiện các chỉ đạo của Nguyễn Mạnh Hùng ký hợp đồng mua bán, hợp đồng phân phối giữa 3 bên với Công ty Austin Hồng Kông (đã hết hạn hoạt động), Công ty Helix Canada nhằm hợp thức hồ sơ, chứng từ, nâng giá mua lô thuốc H-Capita từ 27 USD/hộp lên 75 USD/hộp.

Điều này cũng được cho là cơ sở để VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita, nhưng thực tế Công ty Austin Hồng Kông không có hàng mà chỉ là bình phong để hợp thức hóa việc mua bán thuốc.

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt - Ảnh 4.
Bị cáo Võ Mạnh Cường giữ bình tĩnh tại phiên xử.

Trong khi đó, bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cho rằng bản thân không tham gia đàm phán cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ lô thuốc. Tuy nhiên, nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma này biết việc nâng giá mua lô thuốc H-Capita từ 27 USD/hộp lên 75 USD/hộp.

Bên cạnh đó, Quốc cho hay anh ta theo lệnh Hùng, hợp thức hồ sơ, chứng từ thanh toán và chỉ đạo bị cáo kế toán trưởng VN Pharma, bà Lê Thị Vũ Phương không hạch toán khoản tiền này để sử dụng chi phí hao hồng cho việc tiêu thụ thuốc tại các bệnh viện.

Nguyên Phó trưởng phòng XNK VN Pharma, bị cáo Phan Cẩm Loan theo lênh Hùng lấy mẫu dấu trên FSC, các thuốc đã nhập khẩu những năm trước cung cấp nhân viên phòng Hành chính nhân sự đi làm. Sau đó, Loan đưa cho bị cáo Hoàng Trúc Vy (nguyên nhân viên Phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) quản lý và sử dụng.

Dược sĩ Thông gục ngã giữa phiên xử, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma tái mặt - Ảnh 5.
Bị cáo Ngô Anh Quốc từng tìm đường thoát thân nhưng bất thành.

Hồi tháng 9/2013, Loan theo lệnh Hùng đến nhà Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Saphaco) lấy con dấu của Công ty Austin Hồng Kông để sử dụng. Hùng sau đó sử dụng con dấu này đóng lên hợp đồng mua bán thuốc H-Capita giữa Công ty Helix Canada và Công ty Austin Hồng Kông.

Trước đó một ngày, trong phần thẩm vấn, ông Nguyễn Minh Hùng thừa nhận hành vi phạm tội của mình là sai nhưng lại cho rằng bản thân thiếu hiểu biết.

“Tất cả là do sự thiếu hiểu biết của bị cáo. Do bị cáo không tìm hiểu về nguồn gốc thuốc. Làm rất nhiều điều sai trái dẫn đến ngày hôm nay. Bị cáo xin lỗi người dân, xin lỗi các cơ quan chức năng về hành vi sai trái của mình”, bị cáo Nguyễn Minh Hùng nói trước tòa.

Phải làm rõ “hoa hồng” chi cho ai ?

Ngày 18/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra ngày 24/9, và những phiên tòa trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị triệu tập do có liên quan, nhưng đều không xuất hiện tại phiên tòa.

Liên quan vụ án mua bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma, trong phiên phúc thẩm lần 1 năm 2017, tòa trả hồ sơ yêu cầu đầu tra bổ sung, làm rõ VN Pharma đã chi 14,1 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho các y bác sĩ , bệnh viện nào để “bôi trơn” bán thuốc. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 vào sáng nay 24/9, cáo trạng của Viện KSND TP HCM cũng nêu rõ không thể làm rõ số tiền 14,1 tỷ đồng chi “hoa hồng” cho ai?

Quốc Chiến/ Trí Thức Trẻ

Đọc nhiều