419
category
419798

Đừng xem công tác cán bộ như một “ván cờ người”!

sông trà 12/08/2020 17:29

Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặc biệt lưu ý về công tác nhân sự. Tuy nhiên, vụ tai tiếng mới nhất ở tỉnh Bắc Ninh là bài học đắt giá cho lãnh đạo nhiều địa phương, bộ – ngành khác trong việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 35. 

Theo đó, trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh – 36 tuổi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh – được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy TP Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây đang gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Chuyện “đánh cờ người”

Dùng người cũng giống như đánh cờ, ván cờ xuất phát như nhau từng vị trí nhưng “điều binh khiển tướng” ra sao để giành thế thượng phong hoàn toàn phụ thuộc vào người chơi.

Thế trận của “ván cờ người” có giá trị sâu sắc trong công tác cán bộ

Trong một ván cờ, đa số kỳ thủ đấu cờ, đều vô cùng trân quý các quân cờ “xe- pháo – mã” của mình, còn về sự tổn thất của binh tốt thì lại không bận tâm. Binh tốt sẽ chết trước. Là vì không chỉ do vị trí của nó đứng ở ngay hàng trên cùng nhất, còn vì quy tắc quy định những quân cờ khác sau khi quá hà (qua sông) còn có thể tụt lùi về phía sau, binh tốt sau khi quá hà thì không được tụt lùi về phía sau nữa.

Cho dù gặp phải quân địch lớn mạnh ra sao, cũng chỉ có thể dũng cảm tiến về phía trước. Do vì nguyên nhân này, tuy số quân của binh tốt là nhiều nhất, nhưng binh tốt có thể sống sót đến phút cuối thì lại rất ít.

Áp dụng những điều ấy vào trong cuộc sống thì thấy rằng cuộc sống này vốn dĩ không phân nặng nhẹ hay địa vị cao thấp. Tương tự như vậy, chỉ cần đưa quân tốt đến vị trí thích hợp, đưa ra cú đánh quyết định vào thời điểm mấu chốt, một bước chiếu tướng để giành được thắng lợi. Vây nên tôi nghĩ tầm quan trọng của mỗi quân cờ đều như nhau, chỉ là kỳ thủ sắp xếp chúng ở vị trí như thế nào mà thôi,

Và bất luận thế nào, ván cờ mạnh là ván cờ được phối hợp hài hòa giữa các quân cờ, bởi mỗi quân cờ có mỗi thế mạnh yếu khác nhau, lấy thế mạnh của quân cờ này “vá” lỗ hổng yếu kém của quân cờ kia…

Vậy nên, không có chuyện một quân cờ có thể quán xuyến mọi nhiệm vụ trên bàn cờ. Dùng người cũng vậy, hiếm khi có chuyện cả gia tộc nào đó đều toàn là người tài năng nắm hết các vị trí chủ chốt.

Vậy mà, vẫn có hiện tượng cả đại gia đình nắm giữ các chức danh chủ chốt tại nhiều địa phương, cũng với một lý do mang tên “đúng quy trình”. “Nhân vật” đúng quy trình đã gánh tội lỗi ngập đầu nên thôi không bàn đến nó nữa, coi như để nhân để đức cho hậu thế.

Công tác cán bộ đang như một “ván cờ người”?

Thời gian qua, trên diễn đàn các cơ quan thông tấn báo chí bỗng trở nên “nóng” khi có một bộ phận không nhỏ con em, người thân của lãnh đạo trở thành lãnh đạo, quan lộ “thần tốc” đến lạ kỳ.

Trường hợp “quan lộ thần tốc” mang tên Nguyễn Nhân Chinh là bài học mới nhất cho công tác nhân sự, nhất là khi Đại hội XIII đang đến gần

Trường hợp của ông Nguyễn Nhân Chinh nói trên đã bị cho là thần tốc mới nhất, dấy lên nghi ngờ có sự dàn xếp con ông cháu cha (ông Chinh là con ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh); và nay, lần điều chuyển này cũng thần tốc không kém, vừa quá nhanh vừa bất thường.

Phải nói rằng, câu chuyện “quan lộ thần tốc”, “gia đình trị” gây xôn xao, bức xúc trong dư luận không chỉ ở ngay chính địa phương đó, mà nó gây bất bình cho nhân dân cả nước, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân về công tác nhân sự, tổ chức cán bộ.

Trước đó, tại Thanh Hóa, Thị ủy Bỉm Sơn đã phải thu hồi các quyết định bổ nhiệm Trưởng phòng Tài chính thị xã Bỉm Sơn Tống Văn Thọ do được bổ nhiệm “thần tốc”. Lý do, ông Thọ không đảm bảo các quy định, thời điểm bổ nhiệm còn thiếu bằng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Hơn nữa lúc bổ nhiệm, ông Tống Văn Thọ mới được tuyển công chức được 10 tháng là vi phạm quyết định 1138 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại địa phương này, không thể không nói đến trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Nhà và quản lý bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa, và những câu chuyện xung quanh “hot girl” này đã “ngốn” không ít giấy mực của báo giới; Hay vụ việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu.

Rồi, người ta cứ ngỡ chỉ dưới thời ông Vũ Huy Hoàng và chỉ ở Bộ Công thương mới có những cuộc thăng tiến đến chóng mặt của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng), Vũ Đình Duy thì giờ đây, tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lại xuất hiện một “thiên tài” 9X còn có bước thăng tiến “xuất thần” hơn. Đó là câu chuyện ông Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990) được bổ nhiệm Vụ phó  Vụ Kinh tế – Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ một cách “thần tốc”  khi mới 26 tuổi (2016).

Hoặc, sự vụ Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu hay vụ việc 10 người thân làm quan 1 xã ở Quảng Nam…  Tiếp theo là việc bổ nhiệm “thần tốc” Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Vũ Hùng Sơn…v..v.

Dư luận đặt câu hỏi họ có thực tài không, hay là có sự nâng đỡ và ưu ái nào đó? Và rằng, giá như người ta đừng xem công tác tổ chức cán bộ, bố trí cán bộ như “ván cờ người” để bất chấp bổ nhiệm nhằm tạo “vây cánh”, tạo “thế và lực” xung quanh cho mình thì có lẽ không có kết cục buồn.

Cổ nhân dạy rằng: “Đời người tựa như một ván cờ, đi sai một bước, thua cả ván cờ.” Song, nếu xem ván cờ lớn chính là cuộc đời này, một khi đã hạ nước cờ thì bất luận là thắng hay thua, đều không thể thu lại được nữa.

Và tất thảy những trường hợp trên đều cho thấy rõ điều đó, những “trái cây chín ép sẽ không bao giờ cho vị ngọt” và hầu hết những người bổ nhiệm và được bổ nhiệm “thần tốc” đều đã “ngã ngựa”. Đây là bài học đắt giá cho những ai lợi dụng ảnh hưởng, chức vụ quyền hạn sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân.

Nói thẳng ra, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, đúng quy trình pháp luật nhưng yếu tố người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã” lại quyết định.

Hơn nữa, sự công bằng cho mọi người sẽ không bao giờ có được, nếu có một bộ phận cán bộ có chức, có quyền lợi dụng vị trí của mình, bất chấp quy định để bổ nhiệm người thân vào những vị trí cao hoặc những vị trí không xứng đáng.

Nói theo các cụ: “Đừng nhìn gà hóa quốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”… Do vậy, phải có con mắt tinh đời, “anh hùng đứng giữa trần ai mới là…”, phải biết được, phát hiện được những người tài” –  Dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Từ đây có thể thấy, điểm hay và cũng là điểm yếu của đánh cờ là chủ nhân có thể thoải mái bố trí quân của mình theo ý muốn chủ quan, tất nhiên thua một ván trên bàn cờ không nghiêm trọng như lỗi bố trí sai một con người!

“Sa cơ”, “lạc nước” “gặp thời”… chỉ nên tồn tại trên bàn cờ thật chứ không thể áp dụng với “ván cờ người”. Bởi vì, thua một “ván cờ người” phải trả giá rất đắt, khiến chủ nhân ván cờ thân bại danh liệt, tiếng dơ muôn đời.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều