8
category
373425

Dung túng cho sai phạm Mã Pì Lèng Panorama… tấn hài kịch cạn lời?

16/03/2020 10:19

Hà Giang bất ngờ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia về phương án cải tạo  Mã Pì Lèng Panorama và thống nhất chủ trương đồng thuận cho công trình được phép tồn tại, chuyển đổi công năng thành điểm dừng chân, không lưu trú. Việc xử lý công trình vi phạm nghiêm trọng đúng là một tấn hài kịch đến cạn lời.

Du khách ngắm cảnh dòng sông Nho Quế từ nhà hàng Panorama – Ảnh: Huy Thanh

Chậm trễ… xử lý

Công trình không phép tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mọc ngay điểm ngắm vực Tu Sản – vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á từng khiến dư luận có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt suốt nửa năm qua, nay lại tiếp tục gây nóng dư luận khi Hà Giang đề xuất phương án xử lý.

Panorama Mã Pì Lèng một công trình “4 không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL.

Thậm chí, theo quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, Mã Pì Lèng là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Công trình này dù nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Một công trình 4 không ngang nhiên mọc lên, không chỉ thách thức dư luận, thách thức pháp luật mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và UBND tỉnh Hà Giang. Dư luận lên án mạnh mẽ hành vi của chủ công trình đồng thời đòi hỏi Hà Giang phải xử lý nghiêm vi phạm tại công trình này, thậm chí xử lý trách nhiệm của những người đã buông lỏng quản lý để công trình mọc lên, tồn tại dù chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng.

Ma Pi Leng Panorama “chot” so menh: Cat 1 tang tren mat dat... tan hai kich can loi?
  Panorama Mã Pì Lèng.

Thời điểm cuối năm 2019, sau khi dư luận phản ứng, tỉnh Hà Giang nêu quan điểm là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, khắc phục những sai phạm trong xây dựng nhà nghỉ Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả cuộc họp liên ngành và đề xuất hướng xử lý công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11/2019.

Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó, UBND tỉnh Hà Giang lại chậm trễ chỉ đạo xử lý sai phạm tại công trình này. Đến tháng 3/2020, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã tiếp tục ký công văn gửi Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang yêu cầu xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang.

Văn bản nêu rõ, ngày 14/10/2019, Bộ VHTTDL có công văn số 4141 gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc đề nghị xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Trong đó có đề nghị UBND tỉnh Hà Giang “… chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: Cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang…”.

Tuy nhiên, cho đến nay, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có báo cáo về phương án xử lý vấn đề nêu trên.

Do đó, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh Hà Giang có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng để danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thất vọng khi Hà Giang “chốt” số mệnh Mã Pì Lèng Panorama

Suốt một thời gian dài im hơi lặng tiếng trong việc xử lý công trình vi phạm Mã Pì Lèng Panorama, mới đây khi cả nước đang căng mình chống dịch Covid 19, tỉnh Hà Giang bất ngờ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia, thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về phương án cải tạo công trình.

Cuộc họp kỳ lạ khi “đóng cửa” với báo chí diễn ra ngày 12/3 nhưng lạ lùng hơn UBND tỉnh Hà Giang lại có chủ trương đồng thuận cho công trình được phép tồn tại và quyết định chuyển đổi công năng nhà hàng này thành điểm dừng chân, không lưu trú.

Trước đó, ngày 10/3, bà Vũ Thị Ngọc Ánh – Chủ đầu tư nhà hàng Panorama, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.

Trước đó 4/3, UBND tỉnh Hà Giang có công văn đề nghị các sở, ngành đôn đốc triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư một số dự án trong đó có công trình này. Chủ đầu tư trình bày “nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn chu đáo chi tiết của cán bộ thuộc các ban ngành liên quan và nhận thức rõ kiến trúc do con người tạo ra, tồn tại phù hợp và hữu cơ với cảnh quan thiên nhiên”.

Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa đảm bảo hài hòa với thiên nhiên xung quanh.

Trao đổi với báo chí về Hội nghị trên, ông Trần Đình Thành – phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, nhiều chuyên gia từ Viện Bảo tồn di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư dự hội nghị lấy ý kiến này của Hà Giang đều thống nhất quan điểm cần có một điểm dừng chân ở vị trí công trình Panorama, và “công trình xây dựng ở vị trí đó là đúng quan điểm”.

Đồng thời, Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia dự hội nghị đã đề xuất phương án đối với công trình này là cắt bớt một tầng trong tổng số 2 tầng và một tầng mái trên mặt đất. Phần kiến trúc còn lại bao gồm một tầng và một tầng mái trên mặt đất, cộng với 5 tầng giật cấp xuống triền dốc sẽ được cải tạo cho hài hòa tỉ lệ và hài hòa với cảnh quan. Một thay đổi được cho là quan trong khi đề xuất biến công trình này trở thành điểm dừng chân, không lưu trú.

Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản – Ảnh: Huy Thanh

“Phá bẫy việt vị”, giải cứu thành công hay dung túng cho sai phạm?

Việc UBND tỉnh Hà Giang cùng các chuyên gia đều thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama Mã Pì Lèng, điều chỉnh thành điểm dừng chân, không có lưu trú hoặc cùng lắm 1 tầng trên mặt đất được xem như Hà Giang đã Hà Giang chốt phương án cho phép công trình sai phạm toàn bộ này tồn tại khiến dư luận tiếp tục có nhiều ý kiến phản ứng.

Độc giả Trần Hoàng Nam cho rằng, dù Mã Pì Lèng cần một điểm dừng chân nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận di sản và hưởng thụ, trải nghiệm các giá trị khoa học của khu Công viên địa chất và khu danh thắng Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, điểm dừng chân này không thể là công trình Panorama Mã Pì Lèng.

“Một công trình không phép xây dựng, không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL thì theo quy định của pháp luật buộc phải dỡ bỏ toàn bộ chứ không thể hợp thức hóa cho sai phạm để cho tồn tại. Hơn nữa, công trình hoàn toàn sai phạm, không có phép chứ không phải trái phép như vậy hoàn toàn ở thời điểm xây dựng không được quy hoạch làm điểm dừng chân nên không thể cho phép điều chỉnh thành điểm dừng chân. Cần phải dỡ bỏ hoàn toàn để giữ gìn cảnh quan và tránh tình trạng nhờn luật”, anh Nam cho biết.

Đồng quan điểm, độc giả Nguyễn Hoài Hoa cho rằng, nếu cho phép công trình này tồn tại sẽ là một hệ lụy xấu trong việc giữ gìn kỷ cương pháp luật về xây dựng. Rồi sau này, Hà Giang có thể xử lý nghiêm được các công trình xâm phạm di sản hay không khi đã nương tay, dung túng cho một công trình sai phạm nghiêm trọng thế này.

“Đến nay Hà Giang đã làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trong việc để công trình sai phạm này mọc lên và tồn tại hay chưa? Bởi không chỉ có trách nhiệm của UBND huyện Mèo Vạc mà ai cũng có thể thấy còn có trách nhiệm của chính UBND tỉnh Hà Giang và các sở ngành liên quan. Việc xử lý vi phạm xây dựng tại công trình này không nghiêm có phải để làm nhẹ đi trách nhiệm của các cá nhân tổ chức liên quan khi để “con voi chui lọt lỗ kim” rồi xử lý kiểu cho có. Thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu mới gìn giữ được kỷ cương hành chính, mới giữ được uy tín lãnh đạo.?’, độc giả Hoa nêu ý kiến.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng bản thân ông không đồng tình với quyết định của UBND tỉnh Hà Giang.

“Luật đã quy định rất rõ với công trình không có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì trong vòng 60 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm, chủ công trình không đưa ra được giấy phép thì buộc phải tiến hành phá dỡ, trả nguyên hiện trạng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế. Nếu như nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng không có giấy phép mà lại vẫn cho tồn tại, cải tạo thành điểm dừng chân thì rõ ràng là trái quy định pháp luật. Ở đây có dấu hiệu của sự bao che cho một công trình gây bức xúc trong dư luận”, ông Hòa nói.

Đại biểu Hòa cũng nói rằng, nếu UBND tỉnh Hà Giang quyết định cải tạo nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân thì phải đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng điểm dừng chân đó có cần thiết hay không. Nếu chỉ vì công trình đã được xây dựng mà bây giờ không thể phá bỏ mà lại biến nó thành điểm dừng chân là điều không thể chấp nhận được.

Đồng thời cho rằng, các bộ ngành của Trung ương, đặc biệt là Bộ VHTT&DL cần phải thực tế để đưa ra ý kiến của mình bởi công trình này ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng – địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Đây không phải là câu chuyện riêng của tỉnh Hà Giang nữa mà đó là câu chuyện của ngành quản lý văn hóa, du lịch của Việt Nam.

Tâm Đức/KT

Đọc nhiều