419
category
456073

Đừng “suy bụng ta ra bụng người” chỉ qua một bức ảnh!

Bảo An 09/12/2020 18:34

Trên cộng đồng mạng xã hội đang “sốt xình xịch” trước bức ảnh Hoa hậu Đỗ Thị Hà về trường và PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đón tiếp hoa hậu. Và từ đó, những lùm xùm cũng dần nảy sinh trước bức ảnh ông Phạm Hồng Chương đan tay vào nhau và phát biểu.

Bức ảnh gây tranh cãi

Sau đêm chung kết, cái tên Đỗ Thị Hà – sinh viên lớp Luật Kinh doanh K61, Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã xuất sắc đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam. Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi nhan sắc uy tín do báo Tiền phong phối hợp cùng công ty Sen Vàng tổ chức. Đây là cuộc thi không chỉ đề cao nhân sắc mà hơn hết, nó là nơi đề cao vẻ đẹp của trí tuệ, lòng nhân ái.

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức gặp gỡ Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà và đại diện đơn vị tổ chức cuộc thi. Tại buổi làm việc, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong nhấn mạnh: “Ban Tổ chức cuộc thi chính thức đưa và gửi gắm Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà trở lại trường để tiếp tục quá trình giáo dục đào tạo và rèn luyện. Ban Tổ chức rất mong nhà trường tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ, thương yêu để Hoa hậu Việt Nam – sinh viên nhà trường hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ trong thời gian tới”.

Đừng bao giờ suy bụng ta ra bụng người!

Việc hoa hậu quay trở lại trường học cũng là điều bình thường. Vì thực tế, dù bạn là ai, có là hoa hậu hay không thì bạn vẫn là một người công dân của Việt Nam, một học sinh của các thầy cô. Vậy nhưng những lùm xùm phát sinh khi bức ảnh chụp hoa hậu Đỗ Thị Hà đang ngồi trịnh trọng trên ghế trong chuyến về thăm trường, trong khi thầy hiệu trưởng đứng chắp tay ‘báo cáo’ được lan truyền trên mạng xã hội. Không ít ý kiến dè bỉu, mỉa mai, “đá xoáy”, móc mỉa đã được đưa ra. Một mặt, họ công kích Hoa hậu Đỗ Thị Hà và cho rằng cô đang thất lễ, thiếu tôn trọng giáo viên. Mặt khác, không ít người lại xuyên tạc thông tin, đưa ra luận điệu tấn công các thầy, cô giáo của Đại học kinh tế Quốc dân nói chung và cá nhân TGS.TS Phạm Hồng Chương nói riêng bằng luận điệu quy chụp: “Mọi giá trị giáo dục đã bị đảo lộn. Nếu trước đây một ông giáo làng, một thầy cô dạy tiểu học đã được mọi người cung kính, thì ngày nay một hiệu trưởng đại học cũng dễ dàng tự biến thành một tên hề rẻ tiền trước mắt thiên hạ. Không phải vì dân Việt không còn coi trọng giáo dục mà vì giáo dục tự hạ thấp mình, như bức ảnh này, một bức ảnh mô tả rõ ràng sự hạ cấp của nó”.

Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối, phản động cũng ngay lập tức “bắt sóng”, lợi dụng sự việc để xuyên tạc thông tin, vu khống, đổ lỗi cho nền giáo dục, chống phá chính quyền. Như vậy, câu chuyện hoa hậu về thăm trường không chỉ đơn thuần là một vấn đề xã hội bình thường mà nó đã trở thành một cái cớ tấn công về chính trị.

Luận điệu xuyên tạc

Thực tế, bức ảnh được lan truyền trên mạng không hề nói lên điều gì. Tất cả những thông tin, luận điệu được đưa ra chỉ mang tính chất “suy bụng ta, ra bụng người”.

Trước những thông tin trái chiều về bức ảnh đang được lan truyền, những người trong cuộc đã có ý kiến giải thích. Đại diện truyền thông của Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định: “Đây là phòng VIP đón tiếp của nhà trường nên chỗ ngồi được xếp như nhau, không hề có việc cố tính xếp ghế trước”, “Khoảnh khắc thầy Hiệu trưởng khoanh tay chỉ là vô tình và do góc máy chụp. Hôm đó nhà trường không hề báo cáo thành tích hay hoạt động. Nội dung là cảm ơn BTC Hoa hậu và gửi lời chào đến gia đình em Hà đã đến thăm trường. Khi thầy Hiệu trưởng đang quay sang trò chuyện với BTC, thì phóng viên vô tình chụp phải khoảnh khắc này”.

Ông Lê Hồng Chương cũng giải thích không phải ông đang “báo cáo” với tân hoa hậu mà là ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn – trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam – sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu và quan trọng hơn là phải hoàn thành quá trình học tập.
Như vậy, hà cớ gì chúng ta chỉ vì một bức ảnh mà thêu dệt lên những câu chuyện ảo tưởng, hoang đường?

Hoa hậu: hãy sống đẹp!

Nhân câu chuyện của hoa hậu Đỗ Thị Hà, nhìn lại thực trạng các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam, có không ít điều khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Rõ ràng, bên cạnh những cuộc thi lớn, có uy tín, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng thì không ít cuộc thi nhan sắc kém chất lượng, không phù hợp đang được tổ chức tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc không ít người lạm dụng, lợi dụng danh xưng hoa hậu, hoa khôi, á hậu, á khôi, người đẹp… để thực hiện những hành vi thiếu chuẩn mực. Thậm chí, có không ít người chỉ lợi dụng vẻ bề ngoài, không chịu trau dồi, học hỏi, nâng cao tri thức. Điều này dẫn đến việc không ít người nảy sinh ác cảm với hoa hậu.

Mang trên mình danh xưng hoa hậu, thiết nghĩ Đỗ Thị Hà nói riêng và nhiều người đẹp khác nói chung cần phải trau dồi, rèn luyện để phát triển bản thân một cách toàn diện. Đặc biệt, mọi hành xử, hoạt động, tư thế, tác phong cần thanh lịch và tinh tế để không bị các đối tượng xấu xuyên tạc, biến tướng, bẻ lái thông tin.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều