Bắn một viên đạn về quá khứ, Ukraine nhận lại “một tên lửa hành trình”
Tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang tiếp tục diễn ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một số người dân Ukraine đã đẩy tình hình chiến sự tại đây trở nên căng thẳng hơn khi xuyên tạc lịch sử, thể hiện bằng những hành động phá bỏ Đài tưởng niệm hồng quân Liên Xô ở Chernivtsi hoặc tháo dỡ tượng đài hữu nghị Nga – Ukraine ở Kiev.
Những công trình này có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện sự thành kính đối với sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức trong Thế chiến thứ II. Hành động phá bỏ các tượng đài này đồng nghĩa với việc xóa bỏ mọi quan hệ giữa Ukraine và Nga, đồng thời xóa bỏ lịch sử, chối bỏ những gì ông cha đã hy sinh xương máu để giành lại cho con cháu ngày nay, chối bỏ ý nghĩa chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức.
Nếu không học lịch sử hoặc không tìm hiểu lịch sử, không ai có thể biết rằng Ukraine là một quốc gia Đông Âu, là một phần của Liên bang Xô Viết từ năm 1922. Những năm 1941-1942, phát xít Đức tấn công Liên Xô, Hồng quân Liên Xô (bao gồm cả Ukraine) đã chiến đấu chống cuộc sát hại người Do Thái và người dân Ukraine mạnh mẽ, kết quả cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã toàn thắng vào năm 1945. Đến năm 1991, Liên Xô sụp đổ, Ukraine trở thành một quốc gia độc lập.
Việc xét lại lịch sử đã dẫn đến cuộc “cách mạng màu” ở Ukraine năm 2014 với sự kiện Euromaidan, đây là sự kiện mà người dân Ukraine lật đổ Tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych, lựa chọn rũ bỏ nước Nga, bắt tay với phương Tây. Chính quyền mới do Tổng thống Petro Poroshenko nắm quyền đã ban hành đạo luật “phi Xô viết hóa” và “phi cộng sản hóa” Ukraine, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa phát xít, nghiêm cấm việc sản xuất, phân phối và sử dụng ở nơi công cộng các biểu tượng gắn với chế độ Xô viết như cờ, hình ảnh, huy hiệu búa liềm, sao 5 cánh; cấm sử dụng quốc ca Liên Xô và quốc ca các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa khác thuộc Liên Xô trước đây. Đồng thời tôn vinh các phần tử dân tộc cực đoan đã hợp tác với Đức Quốc xã để chiến đấu chống lại Liên Xô, coi các phần tử này là “anh hùng giải phóng dân tộc” của Ukraine. Những hành động đó là sự chối bỏ lịch sử trắng trợn, thể hiện tinh thần “vô nhân đạo” trước sự hy sinh của những người lính Hồng quân Liên Xô, nếu ở Việt Nam thì đó là hành động trái với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Đó thực sự là bài học đắt giá đối với Việt Nam nếu xem nhẹ lịch sử, tương tự như Ukraine nếu sự kiện Euromaidan xảy ra ở Việt Nam sẽ là chối bỏ sự hy sinh của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, chối bỏ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, nguy cơ xúc phạm thành quả cách mạng, tẩy trắng ý nghĩa, sự hy sinh, gian khổ trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc đưa lịch sử trở thành môn học tự chọn vẫn đang là vấn đề được bàn luận sôi nổi, không thể phủ nhận cái lợi về việc học sinh THPT được giảm tải, được tự do lựa chọn môn học yêu thích, giúp định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, thuận lợi hơn cho quá trình lập thân lập nghiệp sau này.
Thế nhưng, “lợi bất cập hại” là điều có thể dễ nhận ra hơn. Một điều hiện hữu ngay trước mắt đó là học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin xuyên tạc lịch sử, bởi thời đại công nghệ, mạng xã hội cực kỳ phát triển, thông tin chưa được kiểm duyệt xuất hiện tràn lan ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ. Nếu không có kiến thức lịch sử mà lại tiếp cận thông tin xuyên tạc thì làm gì có khả năng phản biện, càng không thể biết thông tin đó đúng hay sai, hệ quả của nó sẽ làm thay đổi nhận thức một thế hệ. Trong khi đó, hầu hết những trang mạng xã hội lớn nhất, những công cụ tìm kiếm lớn nhất đều do Mỹ và các nước phương Tây làm chủ, đó đều là những quốc gia luôn có ý đồ “nhồi sọ” người Việt Nam, để đưa Việt Nam đến bờ vực của “cách mạng màu”. Adolf Hitler từng nói: “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực”, và quả thực với tần suất thông tin sai sự thật do những thành phần “thiếu thiện cảm” với Việt Nam tuyên truyền hiện nay thì việc lịch sử Việt Nam đổi trắng thay đen chỉ là vấn đề thời gian.
Đưa lịch sử trở thành một môn học tự chọn chính là xem nhẹ lịch sử, đó là là mầm mống của việc suy giảm lòng yêu nước, bởi vì không học lịch sử thì làm sao biết các cuộc khàng chiến của dân tộc như thế nào? Ông cha ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu? Và càng không thể lý giải vì sao ở nước ta có người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Không hiểu biết những điều trên thì làm sao có thể yêu nước, quý trọng hòa bình, nếu ai đó cho rằng không cần học lịch sử mà vẫn yêu nước thì đó chỉ là yêu nước “mù quáng”.
Xóa bỏ lịch sử chính là việc làm nhằm mục đích “đồng hóa” của các nước thù địch. Nhà cách mạng yêu nước Nam Phi Nelson Madela đã nhận định: “Muốn phá hủy một dân tộc, không cần đến vũ khí hạt nhân mà chỉ cần phá hủy lịch sử của nó”. Thật vậy, giặc Minh (Trung Quốc) khi đô hộ nước ta đã đốt phá hầu hết các sách sử và văn chỉ của Việt Nam ta, trong đó có cuốn Đại Việt Sử ký của sử gia Lê Văn Hưu (đời nhà Trần) đã có thời điểm tưởng chừng như bị thất truyền.
Không chỉ có bài học từ Ukraine, chúng ta còn có một bài học khác của Hàn Quốc cũng rất cần suy ngẫm. Từ năm 2005, Hàn Quốc cho phép các môn khoa học xã hội trong khối phổ thông là môn tự chọn và tỷ lệ đăng ký học Lịch sử giảm dần đều theo thời gian. Kết quả là một thế hệ trẻ không biết chiến tranh Triều Tiên diễn ra vào thời gian nào, không biết gì về tướng Lý Thuấn Thuần – vị tướng nổi danh nhất lịch sử dân tộc Triều Tiên. Năm 2013, Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc công bố số liệu khảo sát giật mình rằng, có tới 52% học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc chiến tranh Triều Tiên, 31% không biết về việc lính Nhật đã từng hành hạ phụ nữ Triều Tiên, 86% không rõ về chủ quyền Hàn Quốc tại đảo Dokdo. Đó là những con số cay đắng sau khi Hàn Quốc đã biến Lịch sử trở thành môn “tự chọn”. Cuối cùng, Hàn Quốc đưa lịch sử trở lại giáo dục bắt buộc vào năm 2017.
Bài học của Ukraine và Hàn Quốc là vô cùng thực tế, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, hậu quả của việc xóa bỏ hoặc xem nhẹ lịch sử là điều hiện hữu trước mắt. Nhà thơ Gamzatov từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, thực tiễn đã cho thấy Ukraine đã bắn một viên súng lục vào quá khứ và nhận lại “súng đại bác” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Mai Anh