Đừng nhầm lẫn giữa tự do ngôn luận với công kích
“Trong hoàn cảnh chưa có tự do ngôn luận mà lại có nhiều tin giả như hiện nay thì một trong những cách tốt để biết sự thật là tổ chức đối thoại”. Đây là trích đoạn nội dung mà Nguyễn Đình Cống đã viết trong “Thư ngỏ Chủ tịch nước” mới đây.
Tài khoản Nguyễn Đình Cống đã đăng tải bức thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chưa vội bàn về lời lẽ, thái độ của bức thư, chỉ bàn về một số nội dung mà Nguyễn Đình Cống chia sẻ. Theo đó, Nguyễn Đình Cống cho rằng, Việt Nam chưa có tự do ngôn luận, chưa có tự do báo chí.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền. Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số). Thử hỏi nếu bị hạn chế thì những kết quả đó ở đâu ra?
Từ những nhận định sai lầm, Nguyễn Đình Cống yêu cầu: “Chủ tịch nước xúc tiến nhanh việc ra luật về quyền tự do của công dân đã ghi trong Hiến pháp như tự do ngôn luận và báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình”.
Điều 25, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm, “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, quyền tự do ngôn luận không phải là tự do tuyệt đối. Trong một số trường hợp nhất định, tự do ngôn luận có thể xung đột với các giá trị hay quyền chính đáng khác.
Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia khác đều có bối cảnh, điều kiện cụ thể để đưa ra giới hạn nhất định đối với việc tự do ngôn luận. Ở Mỹ, Tòa án Tối cao cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn, mà không bị xem là vi hiến. Nhiều nước châu Âu cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề này nhằm chống lại mọi hình thức tuyên truyền kích động, tiến hành xử lý hình sự đối với những phát ngôn thù ghét và kích động. Italia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hình sự hóa các hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự của Tổng thống hay các thành viên Hoàng gia. Không biết những điều này có đủ khiến ông Nguyễn Đình Cống suy nghĩ thêm về khái niệm “tự do ngôn luận” của mình?
Lại nói về việc, ông thách thức nhà nước tổ chức đối thoại về đại đoàn kết dân tộc, tự do dân chủ. Vậy, ông đã ở đâu trong những buổi livestream trực tiếp “Dân hỏi- Thành phố trả lời”? Không chỉ bỏ qua những buổi livestream trực tiếp, mà hàng loạt các buổi gặp mặt tri thức, thị sát của lãnh đạo đất nước… ông ở đâu? Nếu tự xưng là người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước, chắc chắn Nguyễn Đình Cống không thể nào không biết.
Thực ra, ai cũng vậy thôi, rất muốn lắng nghe nhận xét, góp ý của người khác. Đặc biệt là lãnh đạo, họ chỉ là một người nhưng quản lý hàng trăm đầu việc, hàng trăm hàng nghìn thậm chí hàng triệu con người, vậy nên càng cầu thị. Tuy nhiên, điều đó phải xuất phát từ tinh thần góp ý xây dựng để phát triển chứ không phải là hằn học, thậm chí là thách đố. Nực cười ở chỗ, những việc ông thách đố là những điều mà Việt Nam đã, đang làm trong suốt thời gian qua.
Tin chắc rằng, lãnh đạo đất nước luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp để sửa đổi, phát triển. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa việc đóng góp ý kiến và thể hiện thái độ hằn học, công kích Chính quyền.
Đinh Thảo