419
category
438007

Đừng hòng mượn chuyện về sách giáo khoa lớp 1 để xuyên tạc, chống phá

Hải Anh 12/10/2020 18:50

Gần đây, câu chuyện về sách giáo khoa lớp 1 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Trong đó nhiều nhất vẫn là quan điểm cho rằng sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh diều (do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên), có sử dụng nhiều từ ngữ khó hiểu, từ địa phương, trích những câu chuyện thiếu tính giáo dục đối với trẻ nhỏ. Và lợi dụng điều này, nhiều cá nhân tổ chức chống phá đã được dịp xuyên tạc, bịa đặt để dẫn dắt dư luận.

Ngày 9/10, trên trang facebook của mình, Trương Châu Hữu Danh đã đăng tải bài viết bàn về nội dung sách giáo khoa lớp 1, trong đó có một hình ảnh bài học số 4, với hình và dòng chữ “bốn cái làn”. Đọc được thông tin này, không ít người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự bức xúc, cho rằng sách sử dụng nội dung như trên là không phù hợp để dạy trẻ, rất dễ bị suy diễn. Sau đó, tổ chức Việt Tân cũng đã đăng tải bài viết có tiêu đề: “XIN ĐỪNG DẠY NHỊU” với nội dung suy diễn, xuyên tạc về sách giáo khoa mới từ đó hạ bệ hình ảnh của Bộ Giáo dục.

Lợi dụng sức nóng của câu chuyện sách giáo khoa lớp 1, nhiều cá nhân tổ chức chống phá đã được dịp xuyên tạc, bịa đặt để dẫn dắt dư luận.

Nhưng thực chất thông tin trên là thông tin bịa đặt hoàn toàn. GS. Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt khẳng định, không có bài học với nội dung “bốn cái làn” trong tất cả các sách giáo khoa lớp 1. Ông nêu rõ, ông đã kiểm tra từng quyển, từng trang sách và không có một trang nào có ví dụ về “bốn cái làn” như hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.

“Tôi đã hỏi Hội đồng thẩm định SGK Toán và được trả lời không có ví dụ này. Tôi cũng kiểm tra cả 5 bộ SGK Tiếng Việt 1 cũng không có ví dụ như vậy. Đây là hành vi dựng chuyện, bịa đặt, đưa sai sự thật làm ảnh hưởng đến sách Tiếng Việt”, GS Sử nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy chiêu trò của những kẻ chống phá thâm độc ra sao, chỉ với một bức ảnh giả được Trương Châu Hữu Danh copy của một người nào đó trên mạng xã hội đã có thể lừa hàng triệu người dân khiến họ bất bình với nền giáo dục Việt Nam, thậm chí xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân lãnh đạo trong ngành. Âm mưu của những kẻ chống phá rõ ràng là lợi dụng sức nóng của sự việc, cộng với chiều hướng dư luận đang tranh cãi gay gắt để đổ thêm dầu vào lửa. Vì thế mà chúng không từ thủ đoạn nào dùng hình ảnh giả để bôi nhọ, nói xấu khiến dư luận “hoang mang” về ngành Giáo dục Việt Nam.

Thực tế, cải cách, đổi mới là rất khó, cần có thời gian để hoàn thiện và khẳng định hiệu quả, cải cách giáo dục lại càng khó hơn rất nhiều. Do đó mà trong việc này đòi hỏi 2 phía phải lắng nghe nhau, Bộ Giáo dục cần lắng nghe ý kiến, tiếng nói của phụ huynh, học sinh và phụ huynh cũng cần lắng nghe, thấu hiểu Bộ Giáo dục. Chúng ta đừng tạo ra kẽ hở để những kẻ thù địch được lợi dụng chống phá, dẫn dắt bằng những thông tin sai sự thật.

Lời giải nào cho bài toán nội dung sách giáo khoa lớp 1 mới?

Thiết nghĩ, việc đổi mới sách giáo khoa là cần thiết để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, điều bất cập ở đây nằm ở khâu dạy thử nghiệm. Thời điểm Bộ đưa chương trình sách mới dạy thử nghiệm vào tháng 6/2020 không hề có ý kiến mâu thuẫn, tranh cãi về nội dung sách như hiện nay? Chỉ đến khi phổ cập chương trình sách trên toàn cả nước, nhiều phụ huynh mới lên tiếng về nội dung sách.

Trong khâu lựa chọn sách giáo khoa, điều quan trọng nhất là GV và học sinh phải được tiếp cận, dạy thử nghiệm từng sách. Nhất là trong hội đồng phải có đại diện cha mẹ học sinh, chắc chắn họ cũng phải được dự giờ các tiết dạy thử, họ cũng phải nghe con họ nói con thích học sách nào để có ý kiến xác đáng. Và để chọn được bộ sách Giáo Khoa phù hợp thì ít nhất giáo viên và học sinh phải có thời gian tiếp cận và trải nghiệm đủ dài để có quyết định đúng đắn. Việc tranh cãi gay gắt về nội dung sách như hiện nay khiến dư luận dễ hoài nghi về vấn đề bất cập trong công tác dạy thử nghiệm. Liệu Bộ đã thực sự thử nghiệm chương trình mới này đủ thời gian, đủ học sinh, giáo viên từ yếu đến giỏi, từ thành thị đến nông thôn?

Nhớ lại thời điểm đổi mới sách giáo khoa năm 2002, chúng ta xây dựng chương trình trước, biên soạn trong tài liệu dạy thử nghiệm đến 4 năm trời ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế, tranh cãi. Còn đối với bộ sách Tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết của bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” do ông làm Tổng chủ biên lại được ông khẳng định sách Tiếng Việt 1 mới, dạy được ngay, không cần tập huấn.

Thực tế, để chương trình, sách giáo khoa mới tạo ra một chất lượng giáo dục mới, trước hết, chương trình và sách giáo khoa phải hiện thực hóa được tư tưởng “phát triển năng lực, phẩm chất” của người học. Bên cạnh đó, cần phải có rất nhiều yếu tố khác kèm theo, đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học và nâng cấp cơ sở vật chất của các trường. Còn nếu chỉ trông vào mỗi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cũng không thể nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.

Mới đây, trước những thông tin tranh cãi gay gắt về nội dung sách mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, có phương án xử lý phù hợp trước những phản ánh tiêu cực về sách giáo khoa lớp 1 mới. Hy vọng, kết quả kiểm tra và những phương án xử lý của Bộ sẽ hợp tình, hợp lý để không tạo ra kẽ hở cho những kẻ phản động chống phá.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều