Đứng giữa “ngã ba đường”, Việt Nam phải làm gì?

Huy Hoàng 15/09/2022 10:15

Trong khi Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì một số nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ lại đi ngược xu hướng với việc hạ lãi suất. Việt Nam đã duy trì tình trạng giằng co khi là một trong số những quốc gia giữ nguyên mức lãi suất từ đầu năm đến nay. Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát hay bơm tiền ưu tiên phục hồi cho nền kinh tế cũng vì vậy mà đang ngày một trở nên thách thức…

Việt Nam đang làm gì để ổn định vĩ mô?

Nếu giai đoạn 2020-2021, kinh tế giảm tốc vì đại dịch Covid-19 thì bước sang đầu năm 2022, các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước đều trông đợi một đà hồi phục mạnh mẽ . Thế nhưng, thay vì lãi suất được nới lỏng thêm để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ nguyên mức lãi suất là 6,5% suốt đầu năm đến nay. Hiện nay, việc bơm tiền ra nền kinh tế đã trở nên rất nguy hiểm khi nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế đó chính là mất cân bằng về tỷ giá.

Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao, nên việc các đồng tiền thế giới tăng phi mã những tháng qua đã khiến cho đồng tiền trong nước trượt giá. Mất cân bằng tỷ giá có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam. Trong đó, dễ thấy nhất là giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, khiến lạm phát lăm le vượt mục tiêu. Chưa kể còn có áp lực nợ công, nợ doanh nghiệp… Để bình ổn tỷ giá VNĐ, suốt hai tháng qua, NHNN đã bơm một lượng lớn tiền mệnh giá USD ra thị trường, nhằm giữ cho khoảng cách VNĐ so với USD luôn không vượt quá 3%.

Tỷ giá đang là ưu tiên hàng đầu mà NHNN ra sức bảo vệ để đảm bảo Việt Nam có một nền kinh tế ổn định. Nên dễ thấy, không phải lạm phát, tỷ giá mới là mấu chốt của vấn đề. Kiểm soát được tỷ giá, lạm phát sẽ tăng dưới mục tiêu, tỷ giá ổn định, nền kinh tế ổn định. “Tấm đệm chống xóc” đầu tiên là dự trữ ngoại hối đã được NHNN tận dụng hiệu quả để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam khỏi các tác động của thế giới.

Ngoài ra, việc một số ngân hàng trung ương như PBOC của Trung Quốc hạ lãi suất vừa qua lại càng tạo thuận lợi cho Việt Nam. Bởi trong khi VNĐ giữ giá so với đồng USD, thì đồng NDT lại trượt giá so với đồng USD, tất nhiên sẽ trượt giá với cả VNĐ. Trung Quốc là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam, nên trong ngắn hạn, khi đồng tiền VNĐ mạnh lên sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc được nhiều hơn. Điều đó một mặt tạo trợ lực để kiềm hãm giá cả hàng hóa và lạm phát trong nước. Mặt khác, nó giúp cho doanh nghiệp giảm bớt giá thành sản xuất, từ đó giữ được mức giá cạnh tranh cho thành phẩm, không để việc tỷ giá VNĐ quá cao làm ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu.

Tuy nhiên, dù hoạt động điều chỉnh trên có khác với việc tăng lãi suất, nhưng việc bơm tiền USD ra cũng đồng nghĩa với việc hút một lượng lớn tiền VNĐ về. Do đó, trước khi có dấu hiệu lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương thế giới và kể cả NHNN Việt Nam vẫn sẽ rất thận trọng đối với việc bơm tiền ra nền kinh tế. Nên vì vậy, bên cạnh lợi ích giữ ổn định tỷ giá VNĐ so với USD, thì chính việc không thể bơm tiền ra nền kinh tế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các gói tín dụng cho doanh nghiệp. Tháng 9 sắp kết thúc, mùa kinh doanh quý III đã tới rất gần, những áp lực chính đến từ việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thì vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Điều này đang đe dọa đến triển vọng tăng tốc phục hồi của nền kinh tế giai đoạn cuối năm. Vậy giải pháp nào để nền kinh tế vừa có thể đảm bảo phục hồi hậu covid trong khi vẫn kiềm chế được mức lạm phát dưới 4%?

Để giải được bài toán này, chúng ta cần đề cập đến tấm đệm giảm xóc thứ hai – vốn đầu tư FDI, nguồn ngoại hối dồi dào đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đang nhận nhiều vốn FDI trên nhiều lĩnh vực, nguồn ngoại hối mang tính chất đầu tư này chính là nguồn tiền cần thiết cho đà hồi phục nền kinh tế, điều này giúp NHNN không cần phải hạ lãi suất để bơm tiền ồ ạt cho các doanh nghiệp, thay vào đó là có thời gian để điều tiết cung tiền một cách hợp lý.

Vừa qua, rất nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đã được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng trong mức room 14% của toàn nền kinh tế. Lãnh đạo các NHTM chia sẻ, room tín dụng được cấp thêm sẽ được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Không khó để thấy, dòng tiền đã trở nên kỹ tính hơn trước, sự phân hóa sẽ rất mạnh nên giờ đây chỉ những nhóm ngành nào mang lại sức bật tốt cho nền kinh tế mới được dòng tiền quan tâm. Dòng tiền khó tính là có lợi cho vĩ mô trong bối cảnh hiện nay, bởi chỉ khi tiền được đặt đúng vào nhóm ngành mang lại sức bật cao, thì nền kinh tế mới mau chóng hồi phục. Kết hợp với tấm đệm FDI cùng việc bán mạnh đồng USD ra thị trường để ổn định tỷ giá, việc cung tiền có kiểm soát chính là cách để kinh tế Việt Nam vừa có thể tăng trưởng vừa đảm bảo được tính bền vững lâu dài.

Huy Hoàng

Đọc nhiều