Đụng độ biên giới: Cơn ác mộng hóa sự thật với Trung Quốc và Ấn Độ

24/06/2020 17:56

Cuộc khủng hoảng biên giới Trung – Ấn làm tăng thêm sự bất ổn và phức tạp của một năm vốn đã khó khăn của châu Á. Cơn ác mộng thực sự vẫn chưa kết thúc với 2 nước và cả khu vực, theo SCMP.

Các cuộc đụng độ giống như những gì diễn ra dọc biên giới Trung Quốc – Ấn Độ đêm 15/6 từ lâu đã trở thành cơn ác mộng. Nhưng năm nay, cơn ác mộng này trở thành hiện thực khi căng thẳng sôi sục dọc khu vực biên giới Ladakh, được phân định bởi Đường kiểm soát thực tế (LAC), biến thành đụng độ đẫm máu nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn bị cuốn vào giữa cuộc khủng hoảng mà chưa rõ nó sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, một điều chắc chắn xảy ra là sự thay đổi quan điểm của Ấn Độ về mối quan hệ với Trung Quốc.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các khảo sát công khai cho thấy người Ấn Độ không có ấn tượng tốt với Trung Quốc. Cuộc đụng độ biên giới mới nhất khiến nhiều quân nhân Ấn Độ thiệt mạng và sự phẫn nộ của người dân có thể dẫn đến đánh giá lại chính sách ngoại giao của New Delhi với Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể giành được lợi thế chiến thuật trên thực địa nhưng họ cần cân nhắc về “cái giá” phải trả dài hạn. Tất cả điều này chắc chắn sẽ có hậu quả đáng kể cho an ninh châu Á.

Theo SCMP, có nhiều nguồn tin đưa về diễn biến vụ đụng độ xảy ra đêm 15/6. Hậu quả cuối cùng là 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Binh lính Trung Quốc cũng thương vong nhưng nước này không tiết lộ chi tiết. Một điểm đáng chú ý trong cuộc đụng độ lần này là 2 bên đều không dùng súng, tuân thủ các thỏa thuận cấm sử dụng súng dọc đường LAC trước đó.

Thay vì súng, binh sĩ 2 nước tấn công nhau bằng gậy gắn đinh, thanh sắt và gạch đá. Chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác những gì xảy ra đêm 15/6 nhưng vụ đụng độ đã phá tan sự tự mãn của một số người về căng thẳng biên giới vì không có phát đạn nào được bắn ra kể từ năm 1975.

Nếu không có gì thay đổi, điều này sẽ thúc đẩy việc khẩn trương giải quyết các tranh chấp biên giới trong hòa bình và không để khủng hoảng biên giới kéo dài.

Tờ SCMP cho hay, có một cuộc tranh luận lớn ở Ấn Độ về ý định chiến lược của Trung Quốc. Khủng hoảng biên giới phát sinh từ các cuộc diễn tập gần như đồng thời của Bắc Kinh hồi đầu năm tại 3 địa điểm ở đông Ladakh: Hot Springs, thung lũng Galwan và hồ Pangong.

Cuộc tranh luận của Ấn Độ ban đầu tập trung vào 2 vấn đề: Trung Quốc có làm thay đổi hiện trạng biên giới hay không và tại sao Bắc Kinh lại làm như vậy? Nhiều suy đoán được đưa ra để giải đáp 2 câu hỏi này nhưng chưa thực sự thuyết phục.

Sau cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan, cuộc tranh luận ở Ấn Độ lại chuyển hướng sang làm thế nào để đối phó Trung Quốc. Các cuộc khủng hoảng trước đây với Bắc Kinh được giải quyết khá thuận lợi nhưng lần này mọi chuyện không đơn giản.

Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình trong vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ và thay đổi hiện trạng thực địa. Nếu điều này là sự thật, chính phủ Ấn Độ có 2 lựa chọn đối phó. Một là chấp nhận sự xâm nhập này như việc đã rồi. Hai là thực hiện các biện pháp để khôi phục hiện trạng. Phương án một sẽ ảnh hưởng tiêu cực về vị thế chính trị của Thủ tướng Narendra Modi. Trong khi đó, phương án hai dễ khiến căng thẳng leo thang và vượt tầm kiểm soát. Rõ ràng, đây không phải là một sự lựa chọn hấp dẫn.

Làn sóng phẫn nộ với Trung Quốc xuất hiện tại Ấn Độ sau vụ đụng độ biên giới đẫm máu nhất trong hơn 4 thập kỷ. Nhiều người Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE có thể sẽ bị loại khỏi thị trường viễn thông đang phát triển của Ấn Độ.

Ngoài các yếu tố của dạng thức chiến tranh kinh tế kể trên, một sự thay đổi quan trọng hơn có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Về lâu dài, các hành động của Trung Quốc dường như phản tác dụng khi vô tình đẩy Ấn Độ về phía các cường quốc vốn “không ưa” Bắc Kinh, theo SCMP. Điều này thể hiện rõ nhất trong số các thành viên thuộc quân đội Ấn Độ, những người đang thúc đẩy tăng cường hợp tác nhiều hơn với phương Tây.

Những cuộc đụng độ biên giới Trung – Ấn cũng được theo dõi sát sao bởi nhiều nước ở châu Á. Có lẽ, các nước đều đặt ra câu hỏi chung là Ấn Độ còn bị Trung Quốc thách thức như vậy thì các nước khác trong khu vực sẽ ra sao?

Sự tách rời Mỹ – Trung được cho là gây nguy hiểm cho cái gọi là “thế kỷ châu Á” và cuộc khủng hoảng biên giới Trung – Ấn lại làm tăng thêm sự bất ổn và phức tạp của một năm vốn đã khó khăn của châu lục. Cơn ác mộng thực sự vẫn chưa kết thúc.

Nguyễn Thái/DV

Đọc nhiều