Dùng điện một giá hay bậc thang lũy tiến có lợi hơn?

11/08/2020 20:06

Mức điện một giá 2.703-2.890 đồng một kWh đang đề xuất, theo các chuyên gia, chỉ có lợi cho người dùng nhiều điện.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân. Theo tính toán, với giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh hiện nay, điện một giá tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.

Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Tháng 8, hoá đơn tiền điện anh Trung (Hà Đông, Hà Nội) phải trả cho 850 kWh là 2.448.765 đồng (gồm 10% thuế VAT). Số tiền này được tính theo biểu giá luỹ tiến 6 bậc thang hiện hành.

Anh ước tính, nếu chuyển sang dùng điện một giá, với mức sử dụng điện như trên, anh phải trả lần lượt 2.528.240 đồng và 2.702.150 đồng, tương ứng với các mức giá 2.703 đồng và 2.890 đồng mỗi kWh (đã gồm thuế VAT). Số tiền này đều cao hơn mức sử dụng theo biểu giá luỹ tiến bậc thang hiện tại. (xem bảng bên dưới)

So sánh tiền điện phải trả của hộ gia đình giữa dùng điện một giá và luỹ tiến 5 bậc thang (sản lượng điện tiêu thụ trong tháng là 850 kWh):

Mức điện sử dụng (kWh)Điện một giá (mức 145% giá bán lẻ bình quân)Điện một giá (mức 155% giá bán lẻ bình quân)Luỹ tiến 5 bậc thang (Phương án 1) *Luỹ tiến 5 bậc thang (Phương án 2) *Luỹ tiến 5 bậc thang (Phương án 3) *
0-1002.7032.8901.6781.6781.678
101-2002.0142.0142.014
201-4002.6292.6292.629
701 – 8503.1323.4505.109
Thành tiền (đồng)2.298.4002.456.5002.268.8002.307.4002.556.250
Tiền điện phải trả sau thuế VAT (đồng)2.528.2402.702.1502.495.6802.538.1402.811.875

*Các mức giá được ước tính theo giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh.

“Nếu mức điện một giá đưa ra tối đa 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), chọn dùng điện bậc thang sẽ có lợi hơn thay vì một giá. Thực tế, số điện tiêu thụ chỉ tăng cao đột biến trong 2-3 tháng hè chứ không phải cả năm”, anh Trung chia sẻ.

Trường hợp hộ gia đình sử dụng 300 kWh một tháng, số tiền phải trả giữa dùng một giá điện và luỹ tiến 5 bậc thang:

Mức điện sử dụng (kWh)Đơn giá theo một giá 145% giá bán lẻ bình quân *Đơn giá theo một giá 155% giá bán lẻ bình quân *Đơn giá theo 5 bậc thang *
0-1002.7032.8901.678
101-2002.014
201-3002.629
Thành tiền (đồng)810.900867.000632.100
Tiền điện thanh toán sau thuế VAT (đồng)891.990953.700695.310

*Các mức giá được ước tính theo giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh.

Như vậy, nếu hộ gia đình dùng tới 300 kWh mỗi tháng, dùng biểu giá bậc thang sẽ có lợi hơn so với điện một giá (hoá đơn ít hơn 196.000-258.000 đồng so với dùng điện một giá).

Mức điện một giá 2.703-2.890 đồng một kWh mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng “đều không hợp lý”.

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, giá điện bao nhiêu trước tiên phải đảm bảo hài hoà lợi ích cho Nhà nước, mà ở đây là ngành điện phải có lời mới có tiền dành cho đầu tư, phát triển, và phải có lợi cho người sử dụng điện.

Chưa kể, theo ông, mức điện một giá đưa ra theo đề xuất hiện nay có lợi cho người tiêu thụ nhiều điện, khi họ dùng hàng nghìn kWh cũng chỉ bị áp một giá vì chỉ phải trả mức rẻ hơn nhiều so với trước khi dùng bậc thang.

Mức điện một giá bộ đang lấy ý kiến khoảng 2.704 – 2.890 đồng mỗi kWh (chưa có thuế VAT). Trong khi đó, một trong số phương án biểu giá 5 bậc thang là với các khách hàng dùng 700 kWh trở lên, giá điện là hơn 5.000 đồng mỗi kWh (274% giá bán lẻ điện bình quân). Như vậy, sẽ không ít người dùng nhiều điện (trên 700 kWh) chuyển sang dùng một giá.

“Khi đó, mục tiêu đảm bảo hài hoà lợi ích, tiết kiệm năng lượng sẽ không đạt được”, ông Ngãi nêu vấn đề.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng bổ sung, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này vẫn chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam băn khoăn về cơ sở đưa ra tỷ lệ 145-155% của mức điện một giá so với giá bán lẻ điện bình quân. Theo ông, mức giá bán lẻ điện bình quân đã gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành điện. Phương án điện một giá đưa ra cần tính toán hợp lý, đảm bảo lợi ích các bên là người tiêu dùng, EVN và Nhà nước. “Mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân chỉ là cho có, tôi chưa rõ vì sao Bộ lại đưa ra tỷ lệ như vậy”, ông nói.

Theo ông, lúc này chưa nên tính tới phương án một giá điện hoặc đưa ra phương án để “làm dịu dư luận”, bởi cách này chỉ có lợi khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong khi để tiến tới mục tiêu này, cần thêm vài năm nữa.

Ở khía cạnh này, ông Trần Viết Ngãi nói “vẫn nên duy trì biểu giá luỹ tiến bậc thang, bởi sẽ có lợi hơn cho người dùng điện”. “Nhưng nên cân nhắc các bước giãn cách giữa các bậc hợp lý hơn nữa để người dùng nhiều điện phải trả tiền nhiều hơn, do đây phần lớn là các hộ khá giả”, ông nêu.

Góp ý về biểu giá 5 bậc thang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nên nới rộng khoảng cách luỹ tiến giữa bậc 1-2, bậc 2-3 và tối đa bậc 3 là 300 kWh. Giá cao nhất bậc 3 cũng không nên trên 3.000 đồng một kWh (đã gồm thuế VAT), để đảm bảo người nghèo, công chức, người về hưu… có điều kiện chi trả mà không chịu tác động quá lớn về tiền điện.

Còn bậc 4 và 5 tương ứng 400 kWh hoặc 700 kWh trở lên để buộc người dùng nhiều phải trả tiền điện cao hơn. Mức chia như vậy, theo ông, sẽ đảm bảo công bằng, có sự bù trừ giữa hộ dùng ít và dùng nhiều, trong khi tránh cho ngành điện không thua lỗ.

Kỳ Duyên/VNE

Đọc nhiều