86
topics
565946

Đừng đem chuyện cá nhân ra bàn luận lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

An Diễm 14/11/2021 12:45

Giáo dục là một lĩnh vực khó vì liên quan đến nhiều thế hệ học sinh. Giáo dục lịch sử lại càng khó hơn vì lịch sử là một thứ trừu tượng, không ứng dụng trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy làm sao để học sinh hứng thú và học tốt môn lịch sử luôn luôn là một vấn đề làm nóng Hội trường các kỳ họp Quốc hội, với nhiều lý giải cũng như các biện pháp mới được các Đại biểu tâm huyết cùng thảo luận và đưa ra.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Mới đây khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã rất cầu thị và tâm huyết nhận trách nhiệm trong việc “tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá”. Thế nhưng lại có những nhân vật tuy không có chuyên môn nhưng lại đi bình phẩm, cho rằng Bộ trưởng nói thế là sai, và lại còn lồng ghép cả chuyện ân oán cá nhân vào nữa.

Cụ thể, ông Ngô Huy Cương, công tác ở Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, từng có thời làm việc dưới quyền thời Bộ trưởng Sơn khi ông còn là Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Có vẻ như trong quá khứ, ông Cương từng muốn đẩy 1-2 người quản lý nào đó đi nhưng không được, xong quay ra trách luôn cả Bộ trưởng vì không giúp ông ta chuyện đó. Bằng một lý luận lòng vòng khéo léo đến không ngờ, ông lồng ghép chuyện ân oán cá nhân, sự trách móc với Bộ trưởng và chuyện học lịch sử thành một quan điểm như sau: “Do sự ứng xử với truyền thống, với lịch sử của lãnh đạo, sự dùng người trong công tác cán bộ và sự tuyên truyền làm cho cả xã hội ta ít quan tâm tới truyền thống, tới lịch sử, rồi từ đó ảnh hưởng lớn tới học sinh”. Thật là một cái lý lẽ từ trên trời rơi xuống, không hiểu sao việc học lịch sử của các em học sinh lại có thể liên quan tới cả chuyện các cán bộ như vậy.

Luận điệu thù hằn, công tư lẫn lộn của Ngô Huy Cương.

Như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói rõ khi trả lời chất vấn, lịch sử là môn học quan trọng, cho học sinh những kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống. Lịch sử giúp cho việc tu dưỡng và phát triển con người, hiểu biết về đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. “Đất nước thì lịch sử hào hùng, có rất nhiều điều mà các thế hệ sau tự hào, nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thì thấp? Điều đó có lẽ nằm ở việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá”. Thực tế, thế hệ trẻ chưa bao giờ quay lưng với lịch sử và truyền thống của dân tộc. Mọi người vẫn tham gia hào hứng các ngày lễ lớn, truyền thống của dân tộc, lên chùa kính cẩn vái lạy các vị danh nhân có công với nước. Các bài hát lịch sử thời cha ông chiến đấu vẫn luôn được hát vang trong mỗi trận thi đấu thể thao, đem lại niềm tự hào và tinh thần thi đấu rực lửa. Những chiến công hào hùng của cha ông trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược vẫn luôn là niềm tự hào lớn lao mà Việt Nam có được khi đứng giữa bạn bè năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.” Quả vậy, thế hệ trẻ thường ngày có thể mải mê với công việc và học hành, nhưng khi đất nước có việc họ sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ.

Tuy vậy, đưa lịch sử vào giảng dạy không dễ, vì khi thành một môn học thì cái mà học sinh phải đối mặt là những bài giảng và điểm số, những thứ vốn dĩ rất khô khan với đời học sinh. Nếu triển khai giảng dạy và đánh giá không khéo thì lịch sử lại trở thành một môn học thuộc, khiến học sinh mệt mỏi và dễ chán nản. Vì vậy có thể nói Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã rất thẳng thắn và chính xác khi chỉ ra “phương pháp dạy vẫn thiên về các sự kiện, các số liệu và chưa phát huy được sự sáng tạo, cá tính của học sinh. Quá trình kiểm tra, đánh giá vẫn coi trọng số liệu, ngày, tháng, sự kiện, chưa chú ý nhiều đến khai thác tư duy, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.”

Ông Ngô Huy Cương có lẽ cũng là một nhà giáo nhưng lại để ân oán cá nhân làm mờ mắt, lồng ghép và xuyên tạc đến phi lý một vấn đề giáo dục vốn dĩ rất dễ hiểu. Chỉ vì bất mãn với người có lẽ là cấp trên mà ông đổ lỗi cho lãnh đạo trong việc “ứng xử với truyền thống và lịch sử” và “dùng người trong công tác cán bộ”. Không hiểu khi nói những lời này, ông có nhận ra là chính bản thân ông đang xuyên tạc một cách phi lý, có thể khiến nhiều người hiểu sai về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước hay không. Từ việc bé xé ra to, từ việc trẻ con lại lòng vòng sang cả việc người lớn, có lẽ ông thuộc thành phần bất mãn và rất dễ bị các thế lực thù địch, chống phá lợi dụng dể phục vụ cho các mục đích đê hèn của chúng. Và nếu điều đó xảy ra, thì lời nói của ông không còn trọng lượng nào nữa.

An Diễm

Đọc nhiều