419
category
331784

Đừng để nối tiếp câu chuyện: “Mày biết tao là ai không?”

12/11/2019 17:13

Câu “Mày biết tao là ai không?” đầy phách lối của những kẻ trọc phú hợm hĩnh cứ xuất hiện đâu đó, và ngày càng liên tục trong xã hội hiện đại. Thử tìm kiếm trên Google, hơn 14,6 triệu kết quả với từ khóa “mày có biết tao là ai”. Hóa ra, câu này đã trở thành cửa miệng của một bộ phận không nhỏ những người tự cho mình có thế và lực trong xã hội.

Lại lặp lại câu chuyện: “Mày biết tao là ai không?”

Ngày 11/11, trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an xã Tân Phú, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã xác minh, làm rõ vụ việc một người đàn ông tát nhân viên trạm dừng nghỉ Hải Đăng xảy ra trên địa bàn.

Theo vị lãnh đạo này, chiều 10/11, một nhóm người đạp xe đạp thể thao đã vào trạm dừng nghỉ Hải Đăng có địa chỉ tại xã Tân Phú để nghỉ ngơi. Lúc này, cháu bé trong nhóm có tiến vào khu vực quầy bán đồ ăn vặt và lấy một gói xúc xích ăn liền có giá khoảng 40.000 đồng sau đó đã xé rách bao bì khi chưa thanh toán.

Người bố tát nhân viên bán hàng là cán bộ công an huyện Phổ Yên.
Người bố tát nhân viên bán hàng là cán bộ công an huyện Phổ Yên.

Thấy vậy, nhân viên đã nhắc nhở cháu bé thì một người đàn ông được xác định là bố cháu bé đã tiến đến và đôi co với nhân viên bán hàng dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên. Đỉnh điểm của việc mâu thuẫn là bố cháu bé đã có hành động ném xúc xích vào người nữ nhân viên bán hàng tại quầy và tát vào mặt nam nhân viên đứng cạnh đó. Tất cả đã được camera an ninh ghi lại.

“Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã làm việc với những người có liên quan. Trước sự chứng kiến của Công an xã Tân Phú, cả hai bên đã hòa giải với nhau. Vì gia đình hai bố con trong clip nói trên đã chủ động tìm đến xin lỗi hai nhân viên, nhận thức hành vi của mình là sai trái nên phía trạm dừng nghỉ Hải Đăng không có ý kiến gì.

Phía 2 nhân viên trạm dừng nghỉ Hải Đăng cũng cho hay, đôi bên có sự hiểu nhầm trong quá trình nhắc nhở cháu bé việc bóc bao bì gói xúc xích khi chưa thanh toán nên mới dẫn đến mâu thuẫn. Không có chuyện cháu bé mua mà không chịu trả tiền”, vị lãnh đạo này thông tin.

Liên quan đến vụ việc trên, trước thông tin người đàn ông tát nhân viên trong clip là một Thượng úy đang công tác tại Công an TP. Thái Nguyên, chiều 11/11, Đại tá

Đặng Đức Đang, Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã nghe qua việc này, tuy nhiên thực hư ra sao vẫn đang được Công an Thị xã Phổ Yên xác minh, làm rõ.

Trong các xã hội văn minh, càng lên cao, ở những vị trí có ảnh hưởng nhất định trong xã hội, càng phải khiêm nhường, đúng mực, nếu không thể làm gương thì ít nhất cũng tuân thủ mọi quy chuẩn xã hội.

Chỉ có thời mông muội mới có những thế lực tự cho mình quyền tối thượng, đứng trên tất cả, bất cần lý lẽ, luật lệ, chẳng hạn như các “vua tâm linh” ông đồng, bà cốt, thầy bói, thầy cúng, không cần chứng minh mà làng xã vẫn phải e sợ.

Chắc chắn rằng từ thời kỳ đồ đá cho đến nền văn minh đương đại, không có bất cứ một ông hoàng bà chúa nào hỏi câu: “Mày biết tao là ai không?” mà lại khiến người nghe cảm thấy sợ hãi. Có chăng, chỉ là cảm thấy nực cười cho sự phát triển quá nhanh, quá nhiều của đồng tiền bao bọc bên ngoài những thân phận có văn hóa nội tại không hề tương xứng.

Nên nhớ, ngay cả Vatican cũng không dung túng nếu linh mục đã bị tố cáo tội dâm ô. Đối với hành vi đáng lên án này, ở đâu và khi nào cũng đừng mong rút “lệnh bài miễn tử” ném toẹt vào mặt người đối diện, phủi sạch mọi trách nhiệm.

Niềm tin vào sức mạnh tiền và quyền của ông chủ Đất Lành quá lớn? Hay là nếu có sự thật tội ác được quyền lực dung túng thì càng đòi hỏi xã hội phải có những động thái nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó ở một bối cảnh khác, tại phiên họp báo Chính phủ tối 5.11, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã có đề xuất kỷ luật với nữ cán bộ công an quận Đống Đa làm náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất mới đây.

Cụ thể, căn cứ vào quy định của Bộ Công an dự kiến sẽ hạ cấp bậc hàm từ đại úy xuống trung úy đối với bà Lê Thị Hiền. Cũng theo ông Ngọc, hiện bà Hiền đã được điều động đến bộ phận không trực tiếp tiếp dân.

Giáng cấp bậc quân hàm đối với Đại úy Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay
Giáng cấp bậc quân hàm đối với Đại úy Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay

“Căn cứ vào các quy định hiện hành, Bộ Công an đang giao cho các cơ quan của Bộ xác định những hành vi và các quy định xử lý, sau đó sẽ có quyết định xử lý,” lãnh đạo Bộ Công an nói.

Trước đó, ngày 11.8, khi làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà Hiền đã gửi 4 kiện hành lý tiêu chuẩn miễn cước nhưng yêu cầu nhân viên làm thủ tục gửi thêm một kiện hành lý xách tay. Không được đồng ý, bà Hiền tỏ thái độ bức xúc, lớn tiếng, có lời lẽ thô bạo với nhân viên hàng không, không hợp tác giải quyết vụ việc.

Ngay sau vụ việc, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu đình chỉ công tác 30 ngày với nữ cán bộ này để làm rõ các hành vi vi phạm.

Tự vỗ ngực khẳng định hay hù dọa “tao là ai” – Bi kịch của ứng xử

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý 3 và triển khai nhiệm vụ quý 4-2019 vào chiều 16-10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình – chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia – đã đề nghị các ngành liên quan cần chia sẻ thông tin về xử lý cán bộ, nhân viên vi phạm giao thông, phản hồi kết quả xử lý tới cơ quan công an.
“Tôi nghĩ cả cơ quan, trường học, đoàn thể, địa phương đều cần có thông tin vi phạm để quản lý giáo dục cán bộ, công nhân viên của mình. Nếu vi phạm ngoài đường rồi gây gổ, đánh nhau là vi phạm đạo đức, cán bộ công chức nhà nước phải dứt khoát chấp hành, phải có văn hóa giao thông, phải nhường nhịn.

Ra đường mà cán bộ công chức, đảng viên, đoàn viên cũng hung hăng, va chạm nhau một cái là sừng sộ đánh nhau, lực lượng chức năng phạt thì quay lại chửi người ta “Mày có biết tao là ai không?” thì làm sao mà chấp nhận được.

Theo các chuyên gia văn hóa, người Việt ta, bên cạnh những đức tính rất tốt mà ai cũng nhận thấy và đã trở thành những nét đẹp truyền thống từ bao đời nay, thì cũng có không ít những xấu xí. Trong đó, không thể không kể đến tính đố kị, khinh người và cậy thế. Người Việt mắc một căn bệnh rất lạ là thấy ai giàu hơn thì ghen tị, tức tối, thấy ai nghèo hơn thì khinh và cho rằng mình có tiền, có quyền thì thích sao cũng được.

Và cậy quyền, cậy tiền, cậy “quan hệ” dường như luôn là những tấm “thẻ bài” cho nhiều người. Từ những chuyện nhỏ nhặt như hàng xóm cãi vã nhau đến những kẻ hành xử côn đồ, tàng trữ vũ khí, tấn công người thi hành công vụ,… dù ở bất kỳ đâu, cơ quan Nhà nước hay công ty, đâu đâu cũng có thể xuất hiện câu: “Mày biết tao là ai không?”.

Được biết, cách đây hơn 10 năm, một nữ doanh nhân là tổng giám đốc tập đoàn bảo hiểm cũng gây ra một vụ lộn xộn trên máy bay. Bà này có gì đó không hài lòng, chửi bới tiếp viên bằng ngôn ngữ rất thô tục. Câu nói “Mày biết tao là ai không?” cũng được ghi vào biên bản.

Từ đó, thi thoảng người ta lại được nghe câu này lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Nó cho thấy một thực tế: Có một bộ phận công dân tự cho rằng mình có thứ hạng cao hơn những người còn lại và thứ hạng này, một cách bất thành văn, được xây dựng trên những mối quan hệ “khủng” khiến người bình thường không dám đụng vào.

Trong cuộc sống này, lâu lâu lại bắt gặp ai đó buông ra mệnh đề khẳng định bản thân một cách trực diện kiểu “Mày biết tao là ai không”?. Với câu hỏi ấy, đôi khi một ai đó đã tự “lột trần” bản thân! Cho dù anh ta hào nhoáng, ông nọ, bà kia hay đại gia khủng… thì câu hỏi ấy đã cho bạn biết anh ta là ai? Là người khẳng định sức mạnh của mình bằng việc dựa dẫm vào quyền lực, vào tiền…

Và khi tự vỗ ngực khẳng định hay hù dọa “tao là ai?”, đó sẽ thật sự là một bi kịch của ứng xử. Khi mà chỉ cần lột bỏ hết tất cả những “phụ kiện” như chức vụ, cấp bậc, vai vế, tiền bạc… thì muôn con người đều cũng giống như một con người mà thôi. Nói vậy để thấy rằng, nếu không ỷ quyền cậy thế thì cho dù “tao là ai” cũng chẳng mảy may động chạm đến ai cả.

Đinh Lực

Đọc nhiều