419
category
434209

Đừng để mình gục ngã trong sự cám dỗ của đồng tiền, lợi ích cá nhân

Hải Anh 28/09/2020 18:10

Một căn bệnh tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm, đó là căn bệnh lợi dụng chức danh, quyền hạn để trục lợi. Người mắc căn bệnh này là những cán bộ, nguyên là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, nhiều người có công lao, thành tích nhưng đáng tiếc là không giữ mình dẫn đến bị ma lực của đồng tiền cám dỗ, căn bệnh này rất cần phải xử lý nghiêm nhằm góp phần tạo nên sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Gần đây, dư luận xôn xao nhiều vụ việc các cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo phạm tội nâng khống giá thiết bị y tế, trong đó bất ngờ nhất là nguyên cán bộ giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh  “đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hoá liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh”. Ngoài ông Nguyễn Quốc Anh, các ông Nguyễn Ngọc Hiền- nguyên Phó giám đốc, bà Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng bệnh viện Bạch Mai cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Bạch Mai vừa bị tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Là người cán bộ, đừng để mình gục ngã trong sự cám dỗ của đồng tiền, lợi ích cá nhân

Sau sự việc trên người ta thấy rõ 2 điều, thứ nhất cho thấy công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trước thềm diễn ra đại hội Đảng đang ngày càng quyết liệt và có chuyển biến rõ rệt, hiệu quả. Cán bộ cấp cao là giám đốc một bệnh viện lớn trên cả nước cũng phải bị điều tra, xét xử công khai, chịu tội trước pháp luật về hành vi tham nhũng. Thứ hai, đó chính là vấn nạn, là căn bệnh tham ô, lợi dụng chức danh, quyền hạn để trục lợi trong cán bộ ngày càng nhức nhối.

Có thể thấy, nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai là một người bác sĩ tài năng ông từng nhận nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, nhưng cuối cùng không vượt qua sự ích kỷ cá nhân, cám dỗ của vật chất nên đã có hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án nâng khống giá robot hỗ trợ điều trị phẫu thuật thần kinh. Là vị thầy thuốc, “lương y như từ mẫu”, được người dân đặt niềm tin, được xã hội trọng vọng, nhưng vì đồng tiền, họ đã bán hết tất cả.

Thiết nghĩ, sự cám dỗ của đồng tiền không phải khiến ai cũng trở thành tội phạm, thành kẻ giết người. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, không đủ rèn luyện đạo đức, không đủ để có những định hướng đúng đắn sẽ khiến một số kẻ – không đơn giản chỉ là lầm đường lạc lối, mà còn trở thành hiện thân của tội ác. Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế để trục lợi như một hồi chuông cảnh tỉnh thêm sau sự việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt về sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức đang nắm giữ những trọng trách trong bộ máy công quyền.

Họ từng là người đã giơ tay thề trước lá cờ Đảng “chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, nhưng lại phụ sự ủy thác của nhân dân, ngã lòng trước sức cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền. Hành vi phạm tội của họ không chỉ là nỗi đau xót cho chính bản thân họ, gia đình họ, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Phải có bản lĩnh vững vàng

Rất mong mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc đều ý thức rằng, mình đang nhận trách nhiệm với nhân dân. Có như vậy sẽ không cho phép mình cố ý làm điều xấu, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho đất nước và đánh mất danh dự. Làm cán bộ giữ trọng trách càng phải có ý thức và bản lĩnh vượt qua cám dỗ của đồng tiền, không tự hủy hoại danh dự.

Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thiết nghĩ, cần đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, cẩn trọng khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với các vị trí, chức vụ dễ dàng thâu tóm quyền lực và dễ dàng tham nhũng. Đồng thời phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ buộc người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ được giao và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm những người lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích; xử lý nghiêm minh những người suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí…

Phải có quy định xử phạt đủ mạnh đến mức kìm hãm được sự cám dỗ trong mỗi người cán bộ không dám, không thể và không muốn tham ô, tham nhũng; không dám, không thể có những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; không dám, không thể, không muốn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích.

Hơn nữa, rất cần sự minh bạch trong việc quy hoạch, tuyển chọn nhân sự, bổ nhiệm, điều động cán bộ là điều kiện tiên quyết giúp dân thực hiện quyền giám sát quyền lực của mình. Cơ quan Đảng, Nhà nước dẫu có trăm tay ngàn mắt cũng không thể am tường cán bộ đảng viên bằng tai mắt của nhân dân, của truyền thông và mạng xã hội.

Trong bối cảnh toàn Đảng đã và đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đây chính là thời điểm Đảng ta xốc lại đội ngũ; là lúc những bài học kinh nghiệm, bài học sâu sắc trong công tác cán bộ được nhắc nhớ; là lúc lỗ hổng, khiếm khuyết, những vấn đề lâu nay trong công tác cán bộ phải được khắc phục một cách nghiêm túc; là lúc không còn chỗ cho những đảng viên đứng trên tổ chức Đảng. Đúng như lời Chủ tịch nước từng khẳng định: “Đại hội Đảng là dịp chỉnh đốn đội ngũ, sàng lọc cán bộ”, “không để những “con lươn”, “con chạch” chui vào bộ máy của Đảng, Nhà nước”.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều