Đừng để khách hàng mất niềm tin
Lãnh đạo một tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giãi bày trong số các cuộc gọi, phản ảnh của khách hàng tới các trung tâm chăm sóc khách hàng thời gian gần đây, phần lớn là khiếu nại về hóa đơn tiền điện.
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào mùa nắng nóng, những hóa đơn tiền điện lại “tăng sốc” hay “nhảy múa” khiến người dân không hiểu lý do vì sao. Số người dùng không thay đổi, thậm chí có hộ gia đình nhu cầu sử dụng ít đi vì phải thay đổi lịch sinh hoạt do dịch COVID-19, nhưng số tiền điện phải thanh toán trên hóa đơn vẫn tăng đột biến.
Người dân có lý lẽ của họ và mong chờ được giải thích thỏa đáng, đó là quyền của người tiêu dùng.
Vậy mà qua hai mùa nắng nóng kể từ thời điểm tháng 3-2019, những bức xúc về hóa đơn tiền điện bất thường vẫn không thể được hóa giải dù ngành điện có truyền thông, giải thích đến đâu.
Năm ngoái đã nhiều bức xúc, năm nay càng thêm chất chồng khi mà những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 càng khiến người dân không thể cảm thông được, dù EVN đã giảm tiền điện hỗ trợ khách hàng.
Vậy căn nguyên ở đâu? Tháng 3-2019, ngay sau khi Bộ Công thương điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,34%, bước vào đúng chu kỳ mùa nóng thì mọi bức xúc bắt đầu từ đây.
Người dân ở cả ba miền liên tục nhận được những hóa đơn nhảy múa, tiền điện tăng vọt. Trước phản ảnh đó, Bộ Công thương đã phải trực tiếp lập đoàn thanh tra việc tăng giá bán lẻ điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải thanh tra giá điện.
Một đề án sửa đổi biểu giá điện đã được EVN xây dựng, công bố vào tháng 11-2019, rút xuống còn 5 bậc.
Và phải tới tháng 2-2020, Bộ Công thương mới đưa ra đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trên cơ sở tham khảo đề án được EVN công bố. Nhưng rồi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Công thương lại lấy lý do “tập trung chống dịch” để xin hoãn sửa biểu giá.
Trong một lần phỏng vấn gần đây, khi báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi đến khi nào Bộ Công thương mới sửa biểu giá điện bậc thang, một lãnh đạo bộ thông tin rằng phải tới cuối năm 2020 mới trình đề án lên Chính phủ.
Điện là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt, nên trong xây dựng chính sách giá điện luôn phải hoàn thiện cơ cấu biểu giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng.
Cũng bởi tiêu dùng luôn thay đổi, quy mô người tiêu dùng thay đổi, do vậy việc hoàn thiện cơ cấu biểu giá cũng phải luôn thực hiện để phù hợp với biến đổi của thực tế.
Ngày 22-6, tại cuộc họp với ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo làm rõ, đảm bảo không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi người sử dụng điện.
Hi vọng cùng với việc EVN đưa ra công văn khẩn yêu cầu các đơn vị điện lực xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai sót và phúc tra 100% cho khách hàng có lượng điện sử dụng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước, đến lúc Bộ Công thương cũng cần đẩy nhanh việc sửa đổi biểu giá.
Đừng để vì biểu giá điện chậm được sửa đổi mà người dân có cái nhìn thiếu tin tưởng về ngành điện.
NGỌC AN/TTO