Đừng để cho những chuyện “thần bí” tiếp tục gây sốc xã hội

Phạm Khoa 23/11/2022 10:26

Hơn 3,8 triệu USD “mất tích” 15 năm là câu chuyện lạ lùng, cho thấy sự lỏng lẻo đến khó tin của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế.

Cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long khai giữ hơn 3,8 triệu USD để cứu công ty

Trước tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thú nhận là mình quá tin tưởng cấp dưới, nên đã không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ số tiền 3,848 triệu USD, được báo cáo là chưa thanh toán cho đối tác nước ngoài của công ty Dược Cửu Long. Lời thú nhận này thật ra không hề xa lạ với những vụ xét xử cán bộ các tội: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô, tham nhũng… diễn ra nhiều năm nay.

Có phải những lãnh đạo cấp cao của các bộ ngành thật sự đã luôn tin tưởng cấp dưới một cách đơn giản như thế? Không khó trả lời bằng một cái lắc đầu!

Hơn ai hết, để lên đến vị trí người quản lý, lãnh đạo các bộ ngành này thừa biết đụng đến tiền Nhà nước, đến của công, không thể qua loa, mà có hẳn một quy trình nhiều khâu chặt chẽ. Nếu xét trên quan hệ công việc, thì không có sự tin tưởng nào được thiết lập ngoài các chứng từ, số liệu.

Tuy vậy, vẫn luôn có kẽ hở cho những kẻ cơ hội. Đây là những kẻ am hiểu quy trình đến mức sử dụng chính quy trình để trục lợi. Trong vụ công ty Dược Cửu Long, hợp đồng kinh tế giữa công ty với Bộ Y tế có điều khoản: “bên B (tức Dược Cửu Long) đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá nguyên liệu, nếu đàm phán được sẽ báo Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giá thành sản xuất”. Đây chính là điểm mấu chốt để xảy ra vụ án.

Lẽ ra, sau các điều khoản phó thác cho doanh nghiệp, Bộ Y tế cần có thêm một điều khoản kèm theo, quy định thời hạn đàm phán, và văn bản chính thức của nhà cung cấp nước ngoài xác nhận sự việc. Do không có điều này, mà Dược Cửu Long dù được đối tác nước ngoài giảm giá vẫn không báo cáo, dễ dàng chiếm dụng tiền Nhà nước và sử dụng trái phép suốt 15 năm cho nhiều mục đích của doanh nghiệp.

Thậm chí, khi có dấu hiệu khuất tất, được đề nghị kiểm tra lại hợp đồng kinh tế và các chứng từ liên quan, ông Quang vẫn không làm. Không làm, và giải thích cho điều đó là do hạn chế về mặt nhận thức. Thứ trưởng một bộ lớn trong Chính phủ, lại bảo mình có hạn chế về nhận thức, nhất là nhận thức về luật pháp, thì có tin được không?

Thêm vào đó, cũng thấy có sự bất cập lớn về khâu kiểm tra, giám sát đối với các đối tác của Bộ Y tế, khi năm lần bảy lượt được ông Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Cục Quản lý dược) báo cáo về việc Dược Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp 3,848 triệu USD, cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều có chỉ đạo kiểm tra đối với số tiền này, mà ông Quang vẫn không chấp hành. Có thể thấy, trong vụ việc này, ý chí của một cá nhân đã có thể góp phần giữ cho việc chiếm đoạt tiền ngân sách không bị phát hiện nhiều năm.

Quay trở lại nhìn sang đại án Việt Á, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra, khi tháng 4/2020, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đưa tin kit test Covid-19 của Việt Á được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) chấp thuận, trong khi đây chỉ là tin do doanh nghiệp cung cấp, không chính xác. Từ đó, mới có câu chuyện Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit test của công ty Việt Á, và gửi văn bản thông báo giá là 470.000 đồng/ kit tới các địa phương theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó.

Hơn 20 cán bộ và những người liên quan đã bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á.

Cả 2 vụ việc, doanh nghiệp đều nắm đằng chuôi, và liên tục dẫn dắt các cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế bằng những thông tin sai sự thật. Bỏ qua yếu tố tham ô, tham nhũng chi phối, dư luận thắc mắc làm sao lại có kiểu làm việc thiếu giám sát, lỏng lẻo, qua loa đến thế? Có thể lý giải là do cả 2 vụ đều xảy ra trong tình hình dịch bệnh nguy cấp, nên việc thanh kiểm tra không sát sao.

Vậy thì nhân dịp đưa các vụ án ra xét xử, đồng thời cũng nên bổ sung các điều khoản luật mới để chuẩn hóa từ khâu soạn thảo hợp đồng, ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, đến các quy định về chứng từ, thanh toán kèm theo…, Sao cho không có bất cứ ý chí của một hay nhiều cá nhân lãnh đạo nào có thể can thiệp vào các giao dịch trên. Thêm nữa, vì ngành dược phẩm, và trang thiết bị y tế luôn có liên quan đến các yếu tố nước ngoài, nên ngay trong hợp đồng kinh tế giữa các bên, nên đề cập minh bạch luôn các chứng từ nhập khẩu từ cơ quan Hải quan.

Tiền Nhà nước, là tiền của nhân dân đóng góp, không thể tùy tiện tiêu phí cho bất cứ mục đích nào ngoài phục vụ nhân dân và xã hội.

Phạm Khoa

Đọc nhiều