28
category
326127

Đừng để “cáo bệnh” thành tấm kim bài miễn tội

24/09/2019 16:40

Đừng để tồn tại trong dân cái tư tưởng “cán bộ vi phạm cứ có bệnh là thoát tội”, đừng để cái gọi là “cáo bệnh, chạy bệnh” thành tấm kim bài miễn trừ tội cho một bộ phận cán bộ bị tha hóa đạo đức.

Ngày 23/9/2019, ông Đoàn Hiệp – Chánh Văn phòng Huyện ủy Sóc Sơn, TP Hà Nội xác nhận thông tin với truyền thông, trong số 80 cán bộ bị xem xét kỷ luật vì để xảy ra sai phạm đất rừng trong nhiều nhiệm kỳ thì có tới 22 cán bộ không “vấn đề gì” do trong thời gian này bị ốm, đi chữa bệnh. Việc này đã và đang để lại nhiều bức xúc trong dư luận.

1

Câu chuyện 22 cán bộ không bị kỷ luật vì “cáo bệnh” trong vụ án “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn đang gây bức xúc cho dư luận

Chuyện hết sức bình thường!

Cán bộ cũng như những người bình thường khác, đều có nhu cầu khám chữa bệnh và nhiều trường hợp bị phát bệnh đột xuất mà không biết trước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn có thể có trường hợp việc phát bệnh là do “cố ý”, “sắp xếp” của một số cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ pháp luật có những quy định về việc tạm thời “dừng” việc truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu người đó mắc bệnh và cần phải điều trị.

Việc 22 cán bộ công tác tại huyện Sóc Sơn không phải nhận kỷ luật vì trong thời gian xem xét bị ốm, chữa bệnh là chuyện hết sức bình thường và nó không phải là chuyện hiếm ở chốn quan trường hiện nay. Thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ, quan chức có dấu hiệu sai phạm bị điều tra là viện lý do đang nằm viện hoặc đi chữa bệnh. Chẳng hạn:

Mới đây nhất rộ lên thông tin trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang có đơn xin được nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe. Trong hoàn cảnh ông đang bị xem xét kỷ luật vì để xảy ra những sai phạm liên quan đến đất đai trên địa bàn trong quãng thời gian qua mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận công khai.

Trước đó, liên quan đến “chùm” sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018tại các tỉnh Hà Giang, Sơn Là, Hòa Bình, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Hoàng Tiến Đức trong thời gian bị xem xét kỷ luật vì những vi phạm cá nhân trong kỳ thi THPT Quốc gia trên địa bàn cũng có đơn xin đi chữa bệnh ở bệnh viện.

Hoặc là, ông Bùi Trọng Đắc – nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng có đơn xin đi chữa bệnh trong thời gian bị xem xét kỷ luật vì để xảy ra sai phạm sửa điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương mình quản lý.

Tương tự, việc hàng loạt cán bộ của Bộ Công Thương viện cớ ra nước ngoài rồi bổ trốn cũng thế. Chúng ta từng biết đến chuyện ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã nhận quyết định kỷ luật về Đảng cũng như kỷ luật lao động do đi Singapore. Rồi, bị can Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc dự án Xơ sợi Đình Vũ hiện vẫn bỏ trốn..v..v.

Nói ra một số trường hợp để thấy rõ thêm việc 22 cán bộ công tác tại huyện Sóc Sơn không phải nhận kỷ luật vì trong thời gian xem xét bị ốm, chữa bệnh là chuyện hết sức bình thường.

PGS.TS Võ Kim Sơn – nguyên Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Những cán bộ trong thời gian xem xét kỷ luật mà bị ốm hoặc phải đi chữa bệnh thì cần ngừng việc tiến hành kỷ luật, điều này cũng đã được quy định rõ trong các văn kiện và quy định. Mặc dù vậy, sau khi hết ốm, đi chữa bệnh về thì cán bộ đó tiếp tục bị xem xét kỷ luật với những vi phạm đã gây ra”

Đừng để “cáo bệnh, chữa bệnh” thành tấm kim bài miễn tội

2

Không ai phủ nhận nhu cầu khám chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người bệnh. Đây là quyền hiến định của công dân được quy định tại khoản 1 Điều 38, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”.

Và tong một số trường hợp, nếu có căn cứ chứng minh việc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đây cũng là một trong số những lý do dẫn tới việc cứ khi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức bị phát hiện thì một số người “đột nhiên” bị bệnh.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đã có nhiều trường hợp chúng ta thấy việc phát bệnh là do “cố ý”, “sắp xếp” mang tính trực tiếp hay gián tiếp của một số cán bộ, công chức khi vi phạm pháp luật.

Từ thực tế trên cho thấy, đang có tình trạng quan chức sai phạm làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước rồi trốn ra nước ngoài hoặc tẩu tán tài sản đi cùng, hoặc đang thi hành kỷ luật nhưng lại cáo bệnh… đang gây ra nhiều bức xúc cho dư luận trong công tác quản lý cán bộ.

Cá nhân tôi đồng ý với bà Trần Thị Quốc Khánh – ĐBQH Hà Nội khi bà từng cho rằng, giữa những cán bộ này có nhiều điểm chung đáng nghi ngờ cần phải điều tra, làm rõ: “Có thể tồn tại đường dây bao che lẫn nhau. Những người này đi theo cách đó để tránh trách nhiệm, tránh sự hỏi han, truy tìm của các cơ quan quản lý nhà nước. Hoặc cũng có thể do những người lãnh đạo muốn trốn tránh việc bị cấp dưới khai ra nên đã dùng mọi cách để đưa cấp dưới ra nước ngoài” – bà Khánh nêu quan điểm.

Theo đó, tình trạng cán bộ, công chức sai phạm “cáo bệnh” khá phổ biến hiện nay nhưng chưa có “thuốc” nào đặc trị. Kẽ hở không hẳn phải từ pháp luật mà là xuất phát từ ý thức pháp luật của cán bộ sai phạm và của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan.

Nói vậy vì luật chúng ta không thể cấm cán bộ, nhân viên đi ra nước ngoài, đi khám chữa bệnh. Nếu bắt lãnh đạo quản lý, giám sát 24/24h thì không thể làm được. Họ chỉ có thể quản lý, giám sát trong giờ hành chính, còn ngoài thời gian trên là lựa chọn của cán bộ, viên chức. Hơn nữa, thủ tục xuất nhập cảnh hiện nay cũng rất dễ dàng, chỉ cần hộ chiếu phổ thông..v..v.

Tức là, cứ mỗi khi có điều tra, làm việc của cơ quan có thẩm quyền thì một số cán bộ, công chức lại “cáo bệnh”, “cáo ốm” dù trước khi bổ nhiệm, ai cũng cam kết là có đủ sức khỏe để làm việc và cống hiến. Nếu như vậy thì có thể nói đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức có vấn đề.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát tập thể/cá nhân cấp giấy chứng nhận sức khỏe “khống” cho cán bộ sai phạm, cũng như trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành pháp luật cần phải được xem xét. Tại sao khi tiếp nhận đơn và hồ sơ bệnh án, các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành pháp luật không kiểm tra lại, tiến hành giám định độc lập?

Đã đến lúc các cơ quan nhà nước xem xét và tính đến việc sửa chữa lại các Luật quy định liên quan cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại Việt Nam. Đừng để tồn tại trong dân cái tư tưởng “cán bộ vi phạm cứ có bệnh là thoát tội”, đừng để cái gọi là “cáo bệnh, chạy bệnh” thành tấm kim bài miễn trừ tội cho một bộ phận cán bộ bị tha hóa đạo đức.

Nếu không thay đổi thì dù chúng ta có nêu cao các khẩu hiệu hay yêu cầu cán bộ thực hiện theo đúng Luật công-viên chức cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Để rồi, hàng ngày, hàng giờ người dân vẫn được được nghe chính những vị cán bộ “đức cao vọng trọng” đó rao giảng đạo đức, pháp luật.

Than ôi, hết chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển… giờ thêm “chạy bệnh”!

Sông Trà

Tags :
Đọc nhiều