130115
topics
382724

Đừng để cân gạo, bó rau cướp đi những giá trị nhân văn, nhân ái tốt đẹp của dân tộc

Quỳnh Quỳnh 09/04/2020 18:07

Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19 thì đã xuất hiện những tấm lòng thảo thơm, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” dìu nhau qua đại dịch. Thế nhưng, trái ngược với hình ảnh trao quà của những người làm từ thiện thì đã xuất hiện một số hình ảnh người đi xe ga, ăn mặc lịch sự, dân chung cư…vẫn xuống lấy đồ từ thiện phát miễn phí dành riêng cho người nghèo.

Xin đừng “giật” đi miếng ăn của người nghèo vì lòng tham

Tóc nhuộm, hai tay đeo hai vòng đá, ngón tay xỏ nhẫn, túi Louis Vuitton, cầm chìa khóa xe máy, lông mày được xăm cẩn thận, mắt kẻ chì, móng tay đính đá… Chỉ bấy nhiêu “căn cước” thôi, họ bị cư dân mạng kết luận: “Không phải người nghèo”.

Khi nhận những phần quà dành cho người nghèo hãy tự hỏi bản thân mình có xứng đáng và có nên lấy hay không?

Từ xa xưa, dân ca xứ Nghệ đã có câu: “Trong cơn hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau”. Với truyền thống yêu thương, sẻ chia và đùm bọc, những ngày dịch bệnh vừa qua đã cho thấy tình cảm và tấm lòng của đồng bào cả nước. Người nhiều, người ít, giàu như tỉ phú Phạm Nhật Vượng thì hàng trăm tỉ đồng. Nghèo như các cụ già neo đơn thì cân gạo, chục trứng… Tất cả cùng nhau chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong ngày dịch bệnh.

Hình ảnh từ đoàn người chở gạo đến “cây ATM gạo” ở TP Hồ Chí Minh hay những suất ăn, gói quà dành cho người cơ nhỡ ở Thủ đô Hà Nội không khỏi xúc động đến ấm lòng. Thế nhưng buồn thay, lợi dụng sự hảo tâm, đã có (dù không nhiều) những người khá giả vẫn thản nhiên đến nhận những phần quà này.

Họ là ai? Đó là những người đi xe ga đẹp, có người đeo dây chuyền vàng. Có người đeo đồng hồ sang. Nhiều người dân ở chung cư, hay sống gần đó không thiếu thốn nhưng khi đi tập thể dục qua cũng ghé vào lấy quà từ thiện… Thậm chí, có trường hợp vòng đi, vòng lại để nhận quà.

Tất nhiên, câu “nhìn mặt mà bắt hình dong” không phải lúc nào cũng đúng. Thế nhưng, trong bối cảnh 14 ngày cách ly xã hội, người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, thú thực, rất khó để nghĩ khác về họ. Những rõ ràng, cái dáng vẻ của họ không phải là dáng vẻ của người lao động nghèo.

Người phát quà cũng cảm thấy ái ngại khi nhìn những người có điều kiện xuống lấy đồ từ thiện. Nhiều người cho rằng hành động này là vô lương tâm tranh giành miếng cơm manh áo của những người khó khăn hơn mình, không nhường bất kỳ cái gì cho ai trong xã hội.

Nếu mình lấy một phần thì có phải đang tranh cướp miếng ăn của người nghèo? Người có tự trọng họ sẽ tự mình đặt ra những câu đó chứ không lợi dụng bất kỳ sơ hở nào của xã hội để chiếm lấy một chút lợi lộc bé nhỏ.

Cần lắm sự chung tay để không ai bỏ lại ai trong cơn đại nạn

Có lẽ, chưa khi nào, Chính phủ phải xin Quốc hội phê duyệt ngân sách nhiều cho người nghèo như lúc này. Mới hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa mở một phiên họp bất thường, xem xét gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an dân. Tất cả, cũng chỉ vì mục đích: Sẽ không có ai bị bỏ lại trong trận chiến này.

Thấu hiểu và chung tay chia sẻ gánh nặng của Nhà nước trong đại dịch, nhiều tấm lòng hảo tâm đã chìa bàn tay của mình về phía những con người yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất. Tôi biết, trong số những mạnh thường quân ấy, có không ít người cũng đang gặp khó khăn vì dịch bệnh; nhưng họ vẫn chia sẻ chút tấm lòng của mình. Tôi cũng biết, trong số những người nghèo nhận tấm lòng đó, họ chỉ nhận đúng phần quà mình cần, trao nhiều hơn cũng từ chối vì “để dành cho người nghèo khổ khác”.

Nhiều tấm lòng hảo tâm đã chìa bàn tay của mình về phía những con người yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất

Nhiều người nghèo tự trọng. Đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng cũng có những người mượn danh người nghèo, “ký sinh trùng” trên người nghèo chỉ vì lòng tham, thói ích kỉ, thậm chí là tàn nhẫn của mình. Chúng ta đang sống giữa một xã hội văn minh, biết tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn khó khăn. Vậy thì, đừng để một cân gạo, túi bánh, ít lương thực cướp đi những giá trị nhân văn, nhân ái.

Ngay lúc này, việc người có điều kiện hơn cần làm là chung tay với cộng đồng để góp sức mình giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Khi chúng ta đã có đủ điều kiện để sống, đừng tạo áp lực, gánh nặng lên xã hội, đất nước giữa lúc đại dịch

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài, vì thế, mọi người dân hãy thể hiện văn hóa ứng xử để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Mọi người hãy quan tâm đến nhau, thực hiện câu ông cha ta vẫn thường dạy “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Hãy chia sẻ, bù đắp cho những người nghèo khó để không ai bỏ lại ai trong cơn đại nạn.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều