Đừng dạy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách ngoại giao
Chỉ một hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến hỏi thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 mà Bùi Thanh Hiếu, Tran Hung, Nguyễn Văn Hải, Trần Phương Trang bêu riếu ông ấy “khúm núm”, “xum xoe”, khoanh tay xin lỗi”, “cách ngoại giao tệ hại”,…
Sinh ra và lớn lên tại vùng “ đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm; Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”, cuộc đời lăn lộn trong sương gió cùng người dân lao động miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, chất phác, thật thà, có lẽ vì thế đã hình thành nên tính cách vui vẻ, hoạt bát và chân chất đang có của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo luôn có những cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể rất đời với chính khách trong, ngoài nước và nhân dân.
Trong một lần tình cờ được tiếp xúc gần hơn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân vận động Mỹ Đình, tôi đã bắt gặp được nụ cười hào sảng của ông. Bỏ lại đằng sau sự cứng nhắc, khô khan và nhất mực khuôn thước của cách thức ngoại giao thường thấy, tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện. Thủ tướng cười xả lai, nắm tay cấp dưới của mình reo hò trên khán đài khi chứng kiến đội bóng nam vô địch AFF Cup, giữa ông và các cầu thủ không có bất kỳ khoảng cách nào khi cùng nhau chia sẻ cảm xúc vô địch tuyệt vời.
Mỗi dịp, mỗi giờ tiếp xúc nhân dân, cộng sự hay cấp dưới thì nụ cười vẫn luôn thường trực. Ngay tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông cũng không ngần ngại cười tươi chụp hình chung cùng nhiều lãnh đạo của các nước bạn. Tác giả cuốn sách Đắc Nhân Tâm từng nói rằng: “Bạn chỉ cần có thái độ vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người nếu bạn muốn họ cũng có ý nghĩ tương tự”. Có vẻ như nụ cười của Thủ tướng đã khiến mọi người xung quanh hiểu hơn về con người của ông.
Danh ngôn có câu: “Cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim”. Hình ảnh Thủ tướng ôm chặt HLV Park Hang-seo trong một lần gặp gỡ chứa đầy tình cảm chân thành, quý mến như một lời cảm ơn cho những gì người thầy này đã làm cho đội bóng nước ta. Hay đôi khi chỉ là một lời đề nghị các bé thiếu nhi tại văn phòng Chính phủ chào Tổng thống Donald Trump “Chào ông! Chào ông đi các con!” rồi cười thích chí, tôi cũng cảm nhận được thái độ chân thành của Thủ tướng.
Nếu ai từng tận mắt chứng kiến Thủ tướng ăn cơm cùng công nhân thì sẽ cảm nhận rõ hơn sự chân thành của ông. Khoảnh khắc ghi lại hình ảnh người đứng đầu Chính phủ mặc chiếc áo màu ghi giản dị, vừa ăn cơm vừa cười cũng công nhân rất đời, khiến người xem vô chùng thích thú. Đã có ai thấy ở một lãnh đạo nước nào vẫy tay cười hồ hởi vui mừng như kiểu gặp lại bạn cũ lâu năm hay chưa? Tôi nói rồi, đó là phong cách ngoại giao rất riêng của Thủ tướng nước ta. Chính sự chân thành này đã rút ngắn mọi khoảng cách vị trí địa lý, tuổi tác, địa vị xã hội để đưa Thủ tướng đến gần mọi người hơn.
Cái hay trong phong thái ngoại giao của Thủ tướng đó là còn là sự chủ động. Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, ông đã đến gặp riêng Tổng thống Donald Trump để trao đổi thẳng thắn vấn đề hợp tác giữa hai nước với thái độ rất vui vẻ, tích cực. Ấy vậy mà, Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Hải, Tran Hung chế giễu ông ấy “khúm núm”, “xum xoe”, “khoanh tay xin lỗi” Tổng thống Donald Trump sau phát ngôn chỉ trích “Việt Nam lạm dụng thương mại Mỹ”. Thế nhưng, cá nhân tôi lại thấy ông ấy đang chủ động đấy chứ. Nếu cứ mãi chờ người khác đến bắt chuyện với mình mà ngồi một chỗ, không chủ động giao lưu, trao đổi thì Việt Nam chúng ta chỉ có thể chơi với dế thôi.
Xin nói thêm, Tổng thống Donald Trump cũng là một nhà lãnh đạo có cách ngoại giao khá khác biệt, việc ông ngồi khoanh tay nói chuyện là một thói quen đã có từ lâu. Nhớ lại tại hội nghị G7, khi tất cả các nguyên thủ quốc gia Nhật Bản, Đức, Canada, Anh, Pháp… đứng thì mình ông Trump vẫn ngồi và khoanh tay. Thế nên việc ông ấy ngồi nói chuyện và việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không câu nệ, đến bắt chuyện niềm nở là hoàn toàn bình thường.
Đừng nói Thủ tướng ngoại giao kém, cũng đừng dạy Thủ tướng cách ngoại giao trong khi ông ấy đã và đang là người điều hành cả bộ máy Chính phủ. Có một câu danh ngôn mà Đặng Trường vẫn nhớ đến giờ: “Một trong những phương thức tốt nhất được biết tới để vượt qua cảm giác tội lỗi là ngừng chê trách người khác trong suy nghĩ, là ngừng phán xét, ngừng trách móc và căm ghét họ vì những sai lầm của họ. Bạn sẽ phát triển hình ảnh cái tôi tốt hơn và thích hợp hơn khi bạn bắt đầu cảm thấy những người khác đáng coi trọng hơn”.
Đặng Trường