425
category
321732

“Đứng cổng trường nhìn thấy đồng nghiệp đi dạy, tôi ứa nước mắt”

22/08/2019 11:06

“Từng ấy năm đứng trên bục giảng, cũng đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc, nhưng giờ đây nhiều người gọi mình là … mất dạy”.

“Tôi làm hàn xì nhưng nếu được tiếp tục dạy, tôi vẫn sẽ đi”

Thầy Phùng Đức Tăng vốn là giáo viên của Trường THCS Phú Sơn (Ba Vì). Năm nay là năm thứ 19 thầy Tăng công tác trong ngành giáo dục.

19 năm trong nghề, vì yêu nên thầy quyết tâm gắn bó, dù cho mức lương của giáo viên hợp đồng như thầy chỉ vỏn vẹn hơn 1,3 triệu đồng.

Nhiều người bạn mắng thầy là “dở hơi”, “được vài đồng bạc, tiếc gì mà cứ bám trụ”.

Mỗi lần nghe vậy, thầy Tăng buồn bã: “Mình tiếc bao công bố mẹ cho ăn học, với lại mình cũng có tình yêu với nghề”.

Được 1,3 triệu tiền lương, cũng ngại chứ! Nhiều người hỏi han, thầy chỉ biết xót xa và cảm thấy “ngượng” vì “ai cũng nghĩ lương giáo viên nhiều lắm, nhưng cái đó chỉ gọi là tiền công thôi chứ sao gọi là lương được”.

Thầy Tăng cùng các giáo viên hợp đồng khác cũng nhiều lần lên tận huyện kiến nghị về việc cần tăng lương cho giáo viên hợp đồng, nhưng kiến nghị ấy không được chấp nhận.

Thầy cô lại trở về. Nhiều người chấp nhận bỏ việc; số khác làm thêm đủ thứ từ bán cua, chăn nuôi, bán hàng online, cấy thuê, hàn xì,…. Thầy Tăng là một trong số những giáo viên vẫn quyết tâm bám trụ.

Bức ảnh thầy Tăng đi lắp điều hòa được bạn bè chụp lại
Bức ảnh thầy Tăng đi lắp điều hòa được bạn bè chụp lại

Thế nhưng, ngày 15/8 vừa qua, thầy Tăng chính thức nhận được thông báo phải chấm dứt hợp đồng.

“Chua xót lắm! Cống hiến hơn 18 năm trong nghề, mặc dù tiền công đi làm rất thấp, tôi vẫn cố bám trụ. Nhưng sự thực đến với tôi quá phũ phàng.

Ngày 15/8, đúng ngày học sinh tựu trường, chúng tôi đi dạy buổi đầu tiên thì cũng là ngày tôi biết mình phải nghỉ việc”.

Thầy Tăng đã không kìm được nước mắt đến bật khóc trước những dòng tin nhắn của học trò: “Mấy nay con đi học mà không thấy thầy đâu”.

“Thực sự rất đau lòng”, thầy Tăng chua xót.

Mất việc, thầy xin đi làm hàn xì, nhôm kính, lắp máy lạnh,… Những công việc này khi xưa, anh em bạn bè rủ nghỉ việc để đi làm cùng, thầy đều từ chối.

“3 ngày nay không có việc, ngồi ở nhà nghĩ ngợi mà tôi buồn không muốn làm gì”.

Cũng vài ngày trước, đưa con đến trường học, thầy Tăng ứa nước mắt khi nhìn thấy đồng nghiệp được đi dạy. Nghĩ đến mình, thầy lại thương thân.

“Buồn lắm! Đến cổng trường, học trò nhìn thấy chào thầy, nhưng em khác nói thêm vào: “Thầy có đi dạy nữa đâu mà là thầy”.

Thực sự không còn nỗi buồn nào hơn thế nữa. Các cháu còn bé, cũng không có ý gì cả. Nhưng thực sự quá đau lòng”.

Cũng vài lần đi bảo dưỡng điều hoà, thầy vào đúng nhà của học sinh. Cả thầy, cả trò đều ngỡ ngàng, nhưng thầy Tăng phải nói dối rằng mình đi làm kiếm thêm thu nhập ngày cuối tuần.

“Từ ngày nghỉ việc, hàng xóm láng giềng dị nghị nhiều lắm. Có người biết chuyện thì trêu: “Thế là mày mất dạy rồi à?

Lương 1,3 triệu, ai đủ can đảm?

Ấy thế mà nhiều thầy cô như thầy Tăng vẫn tha thiết mong được làm. Thậm chí, khi được hỏi, thầy Tăng vẫn khẳng định: “Sau này nếu có cơ hội được đi dạy lại, tôi vẫn sẽ đi”.

“Đứng cổng trường nhìn thấy đồng nghiệp đi dạy, tôi ứa nước mắt”
Ngoài lắp điều hòa, làm nhôm kính, thầy Tăng còn làm hàn xì

Giống như thầy Tăng, hết tháng 8 này, cô Nguyễn Bích Thuỷ, giáo viên Trường THCS Tản Hồng (Ba Vì) cũng sẽ phải nghỉ việc.

Ngày nhà trường gửi quyết định chấm dứt hợp đồng, cô từ chối xin nhận.

“Tôi không dám nhận vào sáng hôm ấy vì sợ rằng mình lên lớp sẽ không thể dạy nổi”.

Đến nay, cô Thuỷ cũng đã có 20 năm trong nghề. Cô đi dạy kể từ khi mức lương giáo viên hợp đồng nhận được chỉ chưa đầy 200 nghìn đồng.

Đến giờ, sau 20 năm, mức lương ấy vẫn “thấp bền vững” với hơn 1,3 triệu.

Nhiều lần cô cũng nghĩ, “thôi hay bỏ đi để xin vào làm ở mấy khu công nghiệp”. Nhưng tuổi ngoài 40 như cô, người ta không nhận nữa.

Cô Thuỷ lại lên thành phố xin vào dạy ở các trường tư thục, nhưng cũng không trường nào nhận vì hiện đã đủ người.

“20 năm công tác, bỗng chốc phải bỏ sao thấy xót xa quá!”, cô Thuỷ than thở.

Từ khi đi dạy, năm nào cô Thuỷ cũng làm chủ nhiệm. Những lớp cô được nhà trường phân công đều là các lớp đông con trai, nghịch ngợm. Thế nhưng cuối năm học, lớp của cô luôn xếp thứ nhất, thứ nhì toàn khối. Nhiều em học trò vốn được coi là cá biệt, mùng 3 Tết hằng năm vẫn không quên trở về thăm cô.

“Những kỷ niệm trong nghề của tôi thì nhiều lắm! Bước vào nghề, nghe học trò hát những lời ca như “Cô tuyệt vời nhất”, tôi hạnh phúc vô cùng và thực sự muốn gắn bó, dù cho mức lương có hạn hẹp thế nào. Nhưng giờ thật sự bất lực và xót xa”.

Cách không xa Ba Vì, ở thị xã Sơn Tây, thầy Nguyễn Viết Tiến (Trường THCS Xuân Sơn) đã phải chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 31/5.

Cầm quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm công tác, thầy Tiến cay đắng vì cả tuổi trẻ, thanh xuân, nhiệt huyết của mình cuối cùng lại trở về 0.

“Đứng cổng trường nhìn thấy đồng nghiệp đi dạy, tôi ứa nước mắt”
Hiện tại các trường giải quyết bằng cách “thuê lại” với mức thu nhập 50.000 đồng/tiết 

Sau khi chấm dứt hợp đồng theo quyết định, nhiều trường do thiếu giáo viên nên đã phải thuê lại giáo viên hợp đồng cũ để thỉnh giảng một số môn còn thiếu.

Thầy Tiến được nhà trường “thuê lại” dưới vai trò “giáo viên thỉnh giảng” môn Toán 10 tiết/ tuần với mức thu nhập 50.000 đồng/ tiết. Không riêng thầy Tiến, nhiều thầy cô cũng được nhà trường thuê “thỉnh giảng” để giải quyết bài toán trước mắt, khi thành phố chưa thi tuyển giáo viên.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, số giáo viên hợp đồng do “lịch sử để lại” tại 21 quận, huyện trên toàn thành phố vào khoảng 2.900 người. Phần lớn giáo viên đã gắn bó 7-8 năm, người nhiều đã gắn với nghề được gần 20 năm.

Một số thầy cô đã phải chấm dứt hợp đồng kể từ 31/5, số khác cũng sẽ phải nghỉ việc vào 31/8 tới.

Thúy Nga/Vietnamnet

Đọc nhiều