86
topics
568589

Đừng bịa đặt thông tin làm méo mó vai trò của tòa án

An Diễm 25/11/2021 18:19

Lợi dụng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc đưa ra xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, các phần tử cơ hội chính trị, đang tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc làm giảm uy tín của tòa án hòng phủ nhận nền tư pháp của Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, ngày 23/11, trang Việt Nam Thời Báo có bài viết xuyên tạc về nền tư pháp của Việt Nam, cho rằng các tòa án ở Việt Nam không được “độc lập”, rồi từ đó chúng suy diễn để cổ xúy cho mô hình phân chia quyền lực theo thuyết “tam quyền phân lập”.

Luận điệu xuyên tạc nền tư pháp Việt Nam của Việt Nam Thời Báo

Đây là mô hình mà hầu hết các nước tư bản đều vận dụng trong xây dựng, tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước với các thể chế khác nhau. Tuy nhiên, liệu “tam quyền phân lập” có thực sự hiệu quả và hết án oan, sai không? Câu trả lời là không. Báo cáo của dự án National Registry of Exonerations (Đại học Luật Michigan) cho biết, năm 2020 ở Mỹ có 129 trường hợp được công bố giải oan, với những người được hủy án đã ở tù trung bình khoảng 13,4 năm tù. Năm 2019, con số này là 143 trường hợp đã ở tù trung bình 13,3 năm. Năm 2018 có 151 trường hợp, mỗi người đã thụ án tù trung bình 10,9 năm.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn được các cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương, thận trọng, khách quan, công tâm, đúng quy định pháp luật. Hành vi phạm tội của các bị cáo cũng được làm rõ công khai tại tòa. Các mức hình phạt được tuyên đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh và tính chất khoan hồng của pháp luật Việt Nam. Nhiều bản án và phiên tòa đã được không chỉ dư luận xã hội đồng tình mà chính các bị cáo cũng “tâm phục, khẩu phục”, thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ rõ sự ăn năn hối lỗi của mình.

Theo báo cáo của TAND tối cao, VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, trong 5 năm của nhiệm kỳ, các trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với khóa XIII. Đáng lưu ý, Viện kiểm sát đã ra quyết định hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật và trực tiếp quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra gần 150 vụ án, tăng 7%. Viện kiểm sát cũng đã quyết định không phê chuẩn hàng nghìn lệnh, quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra. Mặt khác, Viện kiểm sát đã trực tiếp ra quyết định hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can theo đúng các quy định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11.

Như vậy, hiệu quả của nền tư pháp không phân biệt chế độ chính trị xã hội, thể chế quyền lực nhà nước, trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có năng lực, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động tố tụng của mỗi vụ án cụ thể. Sự phân quyền lực dạng “tam quyền phân lập” như các nước tư bản có thể có giá trị và tính tích cực nhất định. Tuy nhiên, “tam quyền phân lập” bản thân nó không xóa bỏ được cơ cấu quyền lực, chức vị của tổ chức, cá nhân trong cơ cấu quyền lực nói chung và mỗi nhánh quyền lực nói riêng từ đó có thể dẫn đến những sai sót như thống kê của National Registry of Exonerations nêu trên.

Đối với Việt Nam, Cương lĩnh của Đảng xác định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Quan điểm này phản ánh đúng hiện thực khách quan, đúng bản chất quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa, kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại, trong đó có cả những giá trị tích cực của “tam quyền phân lập”.

Rõ ràng, việc Việt Nam Thời Báo lấy dẫn chứng từ chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc đưa ra xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, rồi từ đó lồng ghép những suy diễn vô căn cứ và luận điệu sai trái chỉ là chiêu trò lợi dụng vụ án nhằm thực hiện âm mưu chính trị mà họ đã và đang theo đuổi.

An Diễm

Đọc nhiều