Đưa bộ trưởng, thứ trưởng giỏi về làm bí thư, chủ tịch những tỉnh nghèo nhất

31/03/2021 06:36

Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ những ý kiến tâm huyết về việc chọn cán bộ.

Ý kiến của nguyên ủy viên Trung ương Đảng Lê Doãn Hợp được đúc rút từ thực tiễn làm lãnh đạo bộ ngành và địa phương mà ông đã trải qua. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ trưởng Văn hóa, Bộ trưởng TT&TT.

Ông cho rằng có thể chọn cùng lúc nhiều bộ trưởng, thứ trưởng giỏi đưa về làm bí thư, chủ tịch những tỉnh nghèo nhất, khó khăn nhất trong 5 năm.

 

Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội Đảng 13. Ảnh: Phạm Hải

Sau đó, nhìn lại kết quả phát triển tại địa phương để chọn ra những người làm tốt nhất tiếp tục điều chuyển sang làm lãnh đạo các tỉnh, thành giàu hơn xem họ điều hành như thế nào.

Những người thành công ở cả hai môi trường đó thì đưa về Trung ương, chuẩn bị nguồn cán bộ cao cấp nhất cho Đảng và Nhà nước.

“Cần luân chuyển cán bộ hai chiều, đưa cán bộ từ Trung ương xuống và từ địa phương lên, tạo 2 dòng thử thách cán bộ. Người ở địa phương thì đưa lên Trung ương, ở Trung ương rồi thì đưa về địa phương. Nếu trưởng thành trong cả hai môi trường đó là nguồn cán bộ phục vụ cho các kỳ Đại hội tiếp theo rất vững chắc”.

Ông Hợp khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ thiếu nhân tài, chỉ sợ thiếu cách chọn nhân tài”.

Ông cũng dẫn câu nói của cha ông để minh chứng cho nhận định này: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt thời nào cũng có”.

Mặt khác, nên xem xét chuyển dần sang cơ chế thi cử để chọn công chức, tranh cử để chọn lãnh đạo, cung cấp đủ thông tin của cán bộ cho nhân dân bầu cử hợp với định hướng của Đảng và tín nhiệm của dân.

Chọn người đứng đầu sai có thể kéo cả ngành cùng đi xuống  

Trong lựa chọn cán bộ, nguyên Bộ trưởng nhấn mạnh “chọn người đứng đầu sai sẽ rất nguy hiểm, có thể kéo theo cả ngành, cả bộ máy cùng sai”.

“Khi Đảng chọn cán bộ cấp trên không chuẩn thì cấp dưới chọn một chỗ đứng an lành là rất khó, vì không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân, mà làm theo cấp trên thì hậu họa khó lường”.

Bởi vậy, ông nhấn mạnh việc lựa chọn cán bộ đứng đầu rất quan trọng, phải gắn rõ trách nhiệm trong giới thiệu, đề bạt, lựa chọn người đứng đầu.

“Nếu cán bộ sai sau quy trình bổ nhiệm là do bản thân họ sai. Còn cán bộ sai trước khi có quy trình lựa chọn mà chúng ta vẫn chọn, thì phải làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm túc”.

Bình luận thêm về quy trình cán bộ, ông Hợp cho rằng “nếu chỉ đạo chuẩn, tiêu chuẩn rõ thì quy trình nào cũng có ý nghĩa, chứ không hẳn quy trình mấy bước”.

Trong đánh giá cán bộ, nguyên Bộ trưởng TT&TT nêu 3 tiêu chuẩn định lượng quan trọng nhất.

Với cán bộ về làm lãnh đạo ở địa phương, tiêu chuẩn đầu tiên là kết quả thu ngân sách. Hàng năm cần xem khi lãnh đạo đó về, thu ngân sách của tỉnh là bao nhiêu, tăng bình quân như thế nào, và khi lãnh đạo đó đi, thu ngân sách tăng bao nhiêu so với nhiệm kỳ trước.

Hai là giá trị sản xuất tăng thêm hàng năm, ví dụ tăng thêm bao nhiêu lúa, ngô, khoai, lạc, trâu, bò, lợn gà v.v…

Tiêu chuẩn thứ ba là không có đơn thư vượt cấp, không có khiếu kiện đông người về trung ương, cán bộ đoàn kết và yên dân. “Chỉ cần 3 tiêu chí đó là đánh giá chính xác cán bộ qua thực tiễn”.

Nguyên Bộ trưởng cho rằng nếu không làm rõ được tiêu chuẩn cán bộ thì quy trình có chặt đến đâu, việc đánh giá cán bộ vẫn chung chung, thiếu cụ thể và minh bạch.

Thực tế có nhiều cán bộ được luân chuyển qua nhiều chức danh nhưng không rõ sản phẩm và thành quả lãnh đạo do mình tạo ra chưa thu phục được lòng dân qua thực tiễn, sức thuyết phục và tín nhiệm trong hệ thống chính trị không cao.

Hiền Anh

Đọc nhiều